11:05, 22/05/2018

Còn gì nữa Suối Dầu

Nạn khai thác cát trên sông Suối Dầu diễn ra đã lâu, hiện nay, các đối tượng chuyển sang khai thác cơ giới với quy mô lớn, đe dọa cả công trình thủy lợi, khiến cho mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt.

Nạn khai thác cát trên sông Suối Dầu diễn ra đã lâu, hiện nay, các đối tượng chuyển sang khai thác cơ giới với quy mô lớn, đe dọa cả công trình thủy lợi, khiến cho mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt.


Khai thác bằng cơ giới


7 giờ sáng một ngày tháng 5. Đứng bên này sông (xóm Đất Gai, thôn Hội Xương, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) nhìn sang bên kia sông (xóm Bắc, thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), chúng tôi thấy 2 chiếc máy múc loại trung thi nhau múc cát trên con sông cạn mà mùa này chỉ còn là khe nước nhỏ. Ngoài máy múc còn có bè hút cát hoạt động. Dưới nước, 2 chiếc bè thọc vòi sâu liên hồi hút cát. Cứ mươi phút trôi qua lại xuất hiện một xe tải nhỏ, loại 2,5 tấn vào “ăn hàng”. Trên bờ còn có 2 chiếc lán trại làm nơi nghỉ ngơi của các đối tượng khai thác cát.

 

Khai thác cát tại xóm Bắc, xã Suối Cát.

Khai thác cát tại xóm Bắc, xã Suối Cát.


Khi nguồn cát trên sông Suối Dầu khan hiếm cũng là lúc các đối tượng chuyển sang khai thác trên bờ. Tại xóm Đất Gai bây giờ không khó phát hiện tình trạng khai thác cát bên những mảnh ruộng ven sông. Lấy danh nghĩa tận thu nguồn cát bãi bồi, các đối tượng ung dung hoạt động. Mới sáng sớm nhưng tại một điểm lấy cát ven sông tại xã Suối Hiệp đã xuất hiện xe múc, xe tải hoạt động rầm rầm. Xe múc cát dưới ruộng thả từng gàu xúc cho chiếc xe tải chờ sẵn và khi cát đầy xe tải lại xuất phát về xóm.

 

Khai thác cát ruộng tại Suối Hiệp.

Khai thác cát ruộng tại Suối Hiệp.


Sông Suối Dầu xưa đẹp như tranh vẽ bây giờ chỉ còn là hoài niệm. 10 năm trước, các hoạt động khai thác cát diễn ra ồ ạt khiến con sông tan nát. Đi dọc chiều dài bờ sông xuất hiện những khoảng trống loang lổ là nơi xe tải, xe bò vận chuyển cát lên xuống. Dưới nước hàng trăm mét chiều dài đáy sông bị bới tung. Dấu vết xác bè hút cát còn nằm chỏng chơ bên dòng sông cạn. Con sông xưa chỉ rộng mươi mét, hiện nay lấn dòng hàng chục mét, lòng sông sâu hoắm. “Sông Suối Dầu xưa nước trong, mát, nhiều cá, nay nước đục, mò cả ngày chẳng có con cá nào. Tuy xã, huyện có tổ chức truy quét nhưng chỉ là tình thế. Bây giờ cát sông không còn, người ta chuyển sang cát ruộng, cũng đều là hủy hoại môi trường”, bà M. - nhà gần sông nói.  


Xâm hại mạch nước, công trình thủy lợi


Vùng Đất Gai xưa trù phú là thế, hiện nay xơ xác vì nạn khai thác cát. Tình trạng khai thác cát đã ảnh hưởng đến mạch nước ngầm khiến nguồn nước khan hiếm. Chỉ tay vào chiếc giếng cũ, ông T. - người dân trong xóm cho hay, những chiếc giếng đào giờ đây chịu chung cảnh khô cạn. Mùa mưa còn đỡ nhưng mùa hạn thì các giếng đều trơ đáy. Cả một vùng rộng lớn giáp sông bây giờ không thể nào đào được giếng, mạch nước tới đây đều tắt ngấm. “Muốn đào giếng thì chỉ có khoan sâu đến hàng chục mét họa may mới có nước. Nhà tôi vừa rồi khoan tới cái thứ ba mới có nước nhưng cũng bị phèn”, ông T. nói.

 

Động cơ nổ bè hút cát  nằm chỏng chơ.

Động cơ nổ bè hút cát nằm chỏng chơ.


Không có nước, bà con phải đi xa hơn để lấy nước. Không có nước cũng không thể bơm tưới vườn, phát triển sản xuất. Tuy nước sạch đã về bên kia xóm nhưng chưa tới được xóm Đất Gai bởi phải băng qua một cánh đồng rộng. Cũng vì thế mà Đất Gai, có dân số hơn 60 hộ còn có tên là xóm Đảo.


Đập Suối Dầu - công trình kiên cố đứng chân trên dòng sông Suối Dầu đảm đương tưới cho hàng trăm héc-ta lúa khu vực các xã của huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa an toàn đập do nạn khai thác cát lộng hành. Ông Huỳnh Xuân Đoàn - phụ trách công trình đập Suối Dầu, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, các đối tượng lấy cát bằng thủ công, cộ bò, ít ảnh hưởng tới công trình. Hiện nay khai thác nhiều hơn, sử dụng cơ giới, máy móc, vòi hút làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như an toàn đập. Do biên chế trạm chỉ có vài người, không có chức năng xử lý, cũng không có công cụ răn đe nên chỉ có thể báo cáo chính quyền địa phương. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đến chính quyền huyện Cam Lâm, Diên Khánh nhờ hỗ trợ, giúp đỡ. Hai huyện cũng lập đoàn kiểm tra, truy quét nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại. Nếu khai thác kiểu này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng an toàn đập”.


Sẽ xử lý nghiêm


Khi chúng tôi đưa ra những hình ảnh về sử dụng cơ giới khai thác cát tại xóm Bắc, ông Lương Đức Huệ - Chủ tịch UBND xã Suối Cát tỏ ra bất ngờ nói: “Trước đây, tỉnh có cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác cát nhưng đã hết hạn từ lâu. Nạn khai thác cát bây giờ chỉ xảy ra lén lút, không thường xuyên. Xã đã thành lập tổ quản lý khoáng sản gồm: công an, xã đội, địa chính, các ban thôn, tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND xã, thường xuyên kiểm tra, truy quét. Hiện nay, có hiện tượng này là do thôn không thông báo kịp thời, chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý ngay”. Lãnh đạo xã Suối Cát cho biết, năm 2017, xã đã xử lý 2 trường hợp khai thác đất, cát trái phép. Từ đầu năm 2018 đến nay xử lý 1 trường hợp tự ý lấy đất cải tạo vườn, rẫy. Xóm Bắc là địa bàn xa, trước đây đã xử lý nhiều trường hợp. Xã còn dựng barie bảo vệ không cho xe cơ giới hoạt động trong khu vực này.

 

Tịch thu tang vật  khai thác cát tại Suối Hiệp.

Tịch thu tang vật khai thác cát tại Suối Hiệp.


Nói về đấu tranh với nạn khai thác cát trộm tại Suối Hiệp, ông Lê Đình Chung - Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp cho biết: Hơn chục năm gần đây, xã không tiếp nhận một giấy phép khai thác cát nào. Hiện nay, nếu có đều là trái phép. Thời gian qua, xã Suối Hiệp rất quyết liệt trong vấn đề này. Xã triển khai lực lượng được sự hỗ trợ tích cực của Cảnh sát Kinh tế huyện Diên Khánh tăng cường truy quét ngày đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Thời gian gần đây đã phát hiện và xử lý hơn 10 vụ vận chuyển cát, sỏi, tịch thu 50m3 cát, 3 đầu hút. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động ngoài giờ hành chính, ban đêm khi lực lượng tuần tra không làm việc.

 

Sông Suối Dầu là phụ lưu cuối cùng của sông Cái phát nguyên tại Hòn Bà, huyện Cam Lâm, và chảy  theo hướng Ðông Bắc. Ðến thôn Thủy Xương, xã Suối Hiệp thì chia làm hai nhánh. Một chảy xuống phía đông, một chảy ra sông Cái Nha Trang.

Về khai thác cát ruộng trá hình, ông Chung cho rằng xã vẫn kiên quyết xử lý vì đây là vi phạm tài nguyên. Xã đã lập biên bản các trường hợp này và hiện nay chỉ còn 1 trường hợp là hộ ông Lưu Chuyền Phương Diên Phong (thôn Hội Xương) khai thác cát trong ruộng. Xã đã lập biên bản, yêu cầu trả lại nguyên trạng. Trong thời gian tới, nếu đối tượng không thực hiện theo cam kết, xã sẽ đề nghị huyện thu hồi đất đã cấp theo Nghị định 64.


Liên quan đến vấn đề khan hiếm nước tại xóm Đất Gai, ông Chung cho biết, tại Suối Hiệp, không riêng gì xóm Đất Gai mà tình trạng thiếu nước còn xảy ra ở tổ 10, thôn Hội Xương, tổ 14 thôn Cư Thạnh…


Ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm cũng tỏ ra bất ngờ về tình hình cát tặc lộng hành ở xã Suối Cát. Ông Chi cho biết: “Vừa qua, huyện kiểm tra đột xuất tại Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam là nơi có tin báo cát tặc hoạt động, nhưng địa bàn Suối Cát thì không có thông tin gì. Đây là thông tin mới, nếu có thì là trách nhiệm của xã, vì xã cũng có đầy đủ lực lượng để xử lý, nếu cần hỗ trợ thì huyện sẽ huy động công an hỗ trợ. Chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện và có phương án kiểm tra, xử lý ngay”. Tuy nhiên, ông Chi cũng thừa nhận hiện nay, tình hình khai thác khoáng sản rất phức tạp, nhiều khi thành lập đoàn kiểm tra nhưng đến nơi thì tất cả đều im ắng. Có trường hợp đoàn của huyện chặn xe cát, đối tượng trút cát xuống đường, gọi công an huyện đến xử lý thì công an nói không thể xử lý được vì không bắt được quả tang…


 

VĨNH LẠC