11:04, 13/04/2018

Đổi thay ở làng phong

Từ một khu làng ở chốn rừng thiêng nước độc, nơi chỉ tập trung những người đã được chữa trị bệnh phong, đến nay, làng xã hội (còn gọi là làng phong) thuộc thôn Xuân Lập, xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã đổi thay nhiều. 

 

Từ một khu làng ở chốn rừng thiêng nước độc, nơi chỉ tập trung những người đã được chữa trị bệnh phong, đến nay, làng xã hội (còn gọi là làng phong) thuộc thôn Xuân Lập, xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã đổi thay nhiều. 

 
Một thời khốn khó


Làng phong hiện nằm sát chân núi thôn Xuân Lập, lọt giữa những vườn xoài, rẫy mía, mì xanh ngắt. Người làng kể, nơi đây bắt đầu có người dân tới sinh sống từ khoảng năm 1973. Nhưng khi đó, đây chỉ là thế giới biệt lập của những người đã được điều trị bệnh phong.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc (thế hệ đầu tiên) cùng các cháu nhỏ bước trên con đường làng đã được bê tông hóa.

Bà Nguyễn Thị Cúc (thế hệ đầu tiên) cùng các cháu nhỏ bước trên con đường làng đã được bê tông hóa.


Bà Nguyễn Thị Mến - 86 tuổi, người cao tuổi thứ nhì làng, vẫn nhớ rõ những ngày đầu về chốn này sinh sống. Sau khi bà chữa bệnh phong ở phường Vĩnh Hải, Nha Trang, chồng bà đã bỏ đi. Buồn tủi, tự ti, bà dắt díu 2 con, theo những người bệnh đồng cảnh ngộ lên Xuân Lập sinh sống. Khi đó, chỗ này mặt đất um tùm cây dại, đường đất lầy lội. Khu vực hoang vu càng tạo điều kiện cho bệnh sốt rét rừng phát triển, hành hạ những cơ thể vốn đã chịu nhiều đau đớn, cuộc sống khổ cực vô cùng.  

 

Một gia đình ở làng phong.

Một gia đình ở làng phong.

 
Làm nghề đạp xích lô ở Nha Trang, sau khi mắc bệnh phong và điều trị xong, năm 1973, ông Nguyễn Hường (85 tuổi) cũng quyết định bỏ xứ đến làng phong này để tránh miệng đời. Ông và gần 10 hộ khác vào ở sát chân núi, cách xa vùng sinh sống của người dân. Những căn chòi bằng tre nứa đơn sơ hồi đó cũng là cả công trình đối với người bệnh, bởi họ hầu như không còn chân tay lành lặn. Để sinh sống, họ phải gắng gỏi dùng phần còn lại của đôi tay để kẹp cuốc, cầm dao phát rẫy, trồng mì. Cứ vậy, họ sống lay lắt, khỏe thì ra rẫy trồng mì, tái phát bệnh lại xuống bệnh viện điều trị; có người đi không về. Đến nay, làng phong quy tụ 37 hộ có người đã được điều trị bệnh phong.


Trong câu chuyện xưa cũ, nhiều hộ nơi đây thường nhắc đến một vị linh mục có tên thánh là Simon và các sơ ở Cộng đoàn thánh Giuse (thuộc dòng Mến Thánh Giá Nha Trang) với sự hàm ơn. Họ bảo, cha Simon đã giúp họ nhiều, còn giúp đất ở khu vực bằng phẳng để họ dời từ chân núi ra. Sau này khi cha Simon không còn ở đây, các sơ tiếp tục sẻ chia, giúp họ vượt qua đói nghèo và bệnh tật. Sơ Matta Phạm Thị Luận - người đã sống ở đây gần 20 năm chia sẻ: “Cách đây hai chục năm, cả làng chỉ có 1 chiếc xe máy, không có ti vi, nhà cửa lụp xụp, hễ trời mưa là không ngủ được vì dột. 10 năm trước thôi, các sơ có chiếc ti vi, cả làng còn tập trung đến xem. Các hộ làm nông đều phải bán lúa non, đến khi thu hoạch, tiền bán lúa non cũng vừa tiêu hết”.


Cộng đồng cùng sẻ chia 

 
Để giúp những hộ nơi đây, mỗi khi có mạnh thường quân hỗ trợ, các sơ lại họp làng, xin ý kiến người dân rồi mới chia quà cho mọi người. Các sơ có mảnh ruộng chừng vài mẫu cũng cắt ra một phần để hỗ trợ người bệnh khó khăn mượn trồng cấy 3 năm hưởng hoa lợi. Hết thời hạn, các sơ lại họp làng, bình xét hộ khó khăn khác để chuyển lại ruộng cho họ. Cách đây hơn chục năm, các sơ còn hỗ trợ bò mẹ cho người bệnh nuôi để nhận bò con khi bò mẹ đẻ, nhưng sau này do sức khỏe kém nên bà con không nhận nuôi nữa. Sơ Anna Nguyễn Thị Hoa kể, nhà nào khó khăn nhỡ bữa, qua sơ xin tạm lon gạo, thùng mì tôm, hoặc được sơ nấu cho ăn luôn. Cũng vì nghèo nên hồi trước, họ chẳng chú tâm cho con cái học hành. Các sơ lại hỗ trợ một số hộ cho trẻ em đi học. Đáng mừng là các em đều học giỏi, ngoan ngoãn. “Họ đã chịu đau đớn về thể xác, tinh thần, mình mà tránh né thì sao giúp được họ”, sơ Hoa nói. Cũng vì vậy, người dân ở đây rất quý mến các sơ. Chúng tôi đã cảm nhận được điều đó khi thấy ông Nguyễn Hường vồn vã đón sơ tới chơi nhà.

 

Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Mến thường qua giúp sơ nhổ cỏ vườn rau, quét sân.

Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Mến thường qua giúp sơ nhổ cỏ vườn rau, quét sân.


Theo ông Võ Ngọc Trung - Chủ tịch UBND xã Cam Tân,  giai đoạn trước giải phóng, làng xã hội này chỉ có vài hộ, vốn là người bệnh phong đã được điều trị, về tự khai hoang sinh sống. Sau này, người dân tới ở đông hơn, làm nông ổn định và được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như mọi người dân trong xã. Trước đây, cơ sở hạ tầng của làng rất yếu kém. Từ năm 2010 đến  2015, Nhà nước đầu tư trục đường chính trong làng hoàn toàn được bê tông hóa với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ đồng, người dân đi lại thuận tiện. Người dân nơi đây cũng được chính quyền tạo mọi điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các chương trình, chính sách như: xây dựng nông thôn mới, khuyến công - nông - lâm - ngư… Xã cũng xây dựng một điểm trường thôn Xuân Lập thuộc trường Mẫu giáo Sơn Ca để con em trong thôn đi học gần hơn.


Đổi thay


Nhờ những sự hỗ trợ đó, những con người một thời tự ti ấy đã nỗ lực vươn lên, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thế hệ con cháu của họ dần trưởng thành, đời sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Theo ông Đoàn Hồng (74 tuổi) - Thôn phó thôn Xuân Lập, thế hệ con cháu của những người từng được chữa trị bệnh phong đều không bị mắc bệnh và đã trưởng thành, nhiều người thành đạt. Một vài hộ trong làng còn vươn lên khá giả nhờ chăm chỉ làm ăn, cộng với sự giúp đỡ của con cháu. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Đức và ông Mã Hồ Hải. Hiện nay, hai ông đang sở hữu nhiều diện tích đất trồng mía, mì, xoài và kinh doanh hàng nông sản. Cả 2 hộ đều là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Các hộ còn lại, cuộc sống cũng ổn định, có hộ trồng mía, trồng mì, cũng có người đi làm công nhân. Kinh tế vững vàng, nhà cửa, phương tiện vật chất khá đầy đủ, họ cũng chăm lo cho con cái học hành tốt hơn.


Nơi đây, mọi định kiến, kỳ thị dường như không còn. Được biết, hiện nay, làng có khoảng hơn 100 hộ, trong đó có người bệnh phong đã được điều trị khỏi. Người dân trong làng sống hòa thuận, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Với họ, quá khứ giờ đã không còn là nỗi ám ảnh, vì từ mảnh đất này, cuộc đời của họ đã có nhiều sự đổi thay tốt đẹp hơn…


HOA DUNG