07:03, 15/03/2018

Kỳ 2: Lộ diện…

Trong những nhóm người khai thác quặng trái phép trên rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) mà phóng viên tiếp xúc, nhiều người đã không giấu giếm việc họ được một số cá nhân trong Công an xã Khánh Thành bảo kê. Những người này trực tiếp đứng ra thu phí bãi theo ngày và thu mua quặng của họ ngay tại căn chòi canh giữ.

 

Trong những nhóm người khai thác quặng trái phép trên rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) mà phóng viên tiếp xúc, nhiều người đã không giấu giếm việc họ được một số cá nhân trong Công an xã Khánh Thành bảo kê. Những người này trực tiếp đứng ra thu phí bãi theo ngày và thu mua quặng của họ ngay tại căn chòi canh giữ.


Nhiều đối tượng trục lợi


Khai thác quặng trái phép trên rừng phòng hộ đầu nguồn, ngoài những đối tượng khai thác, những người chở nhu yếu phẩm lên núi và chở quặng xuống núi cho đầu nậu, cánh bảo kê… cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

 

Lán trại hoành tráng của lực lượng chức năng xã Khánh Thành được dựng kiên cố ngay trong trung tâm bãi quặng.

Lán trại hoành tráng của lực lượng chức năng xã Khánh Thành được dựng kiên cố ngay trong trung tâm bãi quặng.


Dọc đường lên núi, chúng tôi liên tục bắt gặp nhiều người chạy xe máy độ, đi theo từng tốp 3 - 5 người, lên xuống núi chở theo những bao hàng. Vượt qua được con suối đầu tiên, chúng tôi bắt chuyện với một thanh niên đang hí hoáy sửa chiếc xe bị chết máy. Người này cho biết, anh chở hàng thuê lên xuống khu vực khai thác quặng đã gần 5 năm, mỗi ngày đều thu được tiền triệu. “Bình thường mỗi ngày, tôi chở 2 chuyến lên và xuống. Hàng chở lên chủ yếu là nhu yếu phẩm nên nhẹ hơn, nhưng hàng xuống toàn là vonfram nên rất nặng. Tiền công chở lên, xuống như nhau, mỗi ký 10.000 đồng. Chỉ có cõng và chở người chết xuống núi là 15.000 đồng/kg”.


Qua câu chuyện với những người chở hàng thuê, chúng tôi biết được “luật” bất thành văn giữa cánh bảo kê, chủ bãi và người khai thác quặng trái phép ở đây. “Không có người đứng ra bảo kê, tôi đố các ông khai thác được! Trước đây có một công an viên của xã này là người ngay tính, không muốn làm việc bất nghĩa để trục lợi, không chịu làm theo sự điều khiển của chúng nó trong việc bảo kê khai thác quặng nên bị cho nghỉ làm công an. Vậy nên tôi nói các ông biết trước để mà lo liệu nếu muốn khai thác quặng ở đây!”, một người chở hàng tiết lộ.


Quá trình thâm nhập lãnh địa khai thác quặng trái phép, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều “chủ mỏ”. Họ là những người đứng ra giành diện tích có quặng vonfram, tự cho đất rừng phòng hộ nơi đây thuộc quyền của mình để cho những nhóm người khác khai thác. Việc hợp tác giữa “chủ mỏ” và người khai thác theo quy luật: người khai thác phải bán sản phẩm thu được cho “chủ mỏ” với giá 180.000 đồng ngay tại bãi, nhưng phải trừ đi 200.000 đồng phí bãi/người/ngày. Tiền phí bãi này “chủ mỏ” sẽ chung cho các đối tượng bảo kê để đảm bảo “an ninh” cho chính người khai thác.


Trong vai những “nhà đầu tư” tìm mua quyền khai thác mỏ nơi đây để đưa máy móc, nhân công đến khai thác quy mô lớn, chúng tôi tiếp cận đối tượng tên Dương. Nghe chúng tôi đặt vấn đề, ông ta nói ngay: “Hiện nay, anh đang còn hơn 2ha chưa khai thác ở đây, nhưng các chú tự khai thác trên đất của anh và bán sản phẩm cho anh thì được, anh sẽ lo chuyện bảo kê cho. Nếu không chịu thì thôi, chứ anh không bán quyền khai thác”. Tại khu vực núi Bò Rừng, chúng tôi đặt vấn đề này với các “chủ mỏ” người Hải Phòng, Thanh Hóa và người địa phương, nhưng đều nhận được câu trả lời và đề nghị hợp tác tương tự.


Hành xử theo luật rừng


Cách căn chòi canh của lực lượng chức năng xã Khánh Thành ở khu vực trung tâm bãi khai thác rầm rộ nhất khoảng mấy chục mét, chúng tôi tiếp cận một nhóm người địa phương đang dựng trại. Vừa nghe chúng tôi đề cập đến việc bảo kê nơi đây, nhóm người này tỏ ra rất bất bình. “Mấy ông muốn được bảo kê để khai thác quặng ở đây thì phải gặp Bình “cụt”. Ở đây có 2 người trực tiếp thu tiền bãi và mua sản phẩm của chúng tôi, nhưng họ đều là lính của Bình “cụt”. Ông ấy là người rất đặc biệt, tôi chưa từng thấy người công an nào như vậy!”, một người trong nhóm nói. Chúng tôi hỏi vì sao lại có biệt danh Bình “cụt” thì người này nói: “Đặc biệt là bởi cụt tay mà làm công an và cách ông ấy hành xử với những người làm quặng “chui” như chúng tôi!”.

 

Dân địa phương dùng xe máy độ chuyên chở thực phẩm phục vụ quặng tặc.

Dân địa phương dùng xe máy độ chuyên chở thực phẩm phục vụ quặng tặc.


Ngoài ra, nhiều nhóm khai thác quặng cũng cho biết, các đối tượng bảo kê còn nghĩ cách kiếm tiền thêm khi thuê người chở rượu lên núi để bán với giá 40.000 đồng/lít.


Rời khu vực khai thác quặng trái phép rầm rộ nhất, trên đó có lán trại canh gác của lực lượng chức năng có cắm lá cờ Tổ quốc, chúng tôi quay về khi mặt trời đã xuống thấp sau dãy núi. Nhưng khi chưa ra khỏi rừng, chúng tôi đã bị một nhóm hơn 10 người chặn lại. Đối tượng cầm đầu nhóm người này hô hoán thêm người từ lán trại cạnh đó chạy ra, cùng xông vào khống chế chúng tôi. “Bắt chúng nó lại. Lấy hết tài sản, đồ đạc, không để sót một thứ gì”, người cầm đầu chỉ đạo đồng bọn. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, thì một đồng nghiệp của chúng tôi đã bị người cầm đầu dùng tay trái đấm tới tấp vào vùng đầu…

 

Khu vực rừng núi rộng lớn bị tàn phá do quặng tặc. Ảnh chụp lúc 12 giờ 21 ngày 11-3 từ Google Maps.
Khu vực rừng núi rộng lớn bị tàn phá do quặng tặc. Ảnh chụp lúc 12 giờ 21 ngày 11-3 từ Google Maps.


Giữa rừng sâu, núi thẳm, bị nhóm người hung hãn đánh và liên tục dọa giết, chúng tôi bất lực để chúng cướp đi chiếc ba lô trong đó có toàn bộ thiết bị tác nghiệp, đồ dùng cá nhân, tiền và giấy tờ tùy thân. “Chúng mày vào đây làm gì hả? Chúng mày làm thiệt hại tới tao, làm ảnh hưởng tới tao. Chúng mày có biết không? Mấy đứa mang nó ra suối nhấn nước cho tao hay là móc nó lên ngọn cây cũng được”, người cầm đầu liên tục đe dọa chúng tôi.


Trong gần 4 giờ bị các đối tượng này giam lỏng, đe dọa, làm nhục, chúng tôi đã quan sát và phát hiện đối tượng cầm đầu bị dị tật ở tay phải, dù đeo tất dài đến khuỷu tay. Đặc biệt, sau khi 2 đồng bọn trẻ tuổi lỡ lời gọi hắn là “thầy Bình”, “chú Bình” và khi người này lớn tiếng nói: “Đứa nào mới nói tao là công an xã? Tao sẽ giết chết”, thì chúng tôi biết đã rơi vào ổ phục kích của các đối tượng bảo kê do chính Bình “cụt” cầm đầu như những người khai thác quặng đã cảnh báo. Mãi đến khuya, nhóm người này mới trả tự do cho chúng tôi sau khi đạt được mục đích xóa sạch hình ảnh mà chúng tôi thu thập về tình trạng khai thác quặng trái phép và hoạt động bảo kê của hắn.


 * * *


Với những hình ảnh khai thác công khai mà chúng tôi cung cấp trên số báo hôm trước, với những gì mà chúng tôi phải chịu đựng hơn 4 tiếng đồng hồ giữa rừng thẳm, thiết nghĩ câu hỏi vì sao tình trạng khai thác quặng trái phép nơi đây cứ diễn ra dai dẳng nhiều năm đã được trả lời!


T.A - T.L


 



Cần khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh


Một nhóm đối tượng hành hung, cướp tài sản, bắt, giữ hai phóng viên Báo Khánh Hòa khi đang điều tra về tình trạng khai thác quặng trái phép tại xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) xảy ra vào chiều tối 11-3 là vụ vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí, có đầy đủ dấu hiệu tội phạm do nhiều đối tượng thực hiện, cần khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh. (Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật).


Với thông tin ban đầu cho thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự để điều tra đối với các đối tượng về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, xâm hại đến sức khỏe tính mạng và tài sản của các nhà báo khi đang thi hành nhiệm vụ theo sự phân công của Báo Khánh Hòa.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà