06:02, 03/02/2018

Mùa mía… buồn

Cơn bão số 12 đi qua đã gần 3 tháng, đến nay khi thu hoạch mía, người nông dân mới thấm thía hậu quả mà nó để lại…

Cơn bão số 12 đi qua đã gần 3 tháng, đến nay khi thu hoạch mía, người nông dân mới thấm thía hậu quả mà nó để lại…


Thất thu vì bão


Giữa cái nắng gắt trưa ngày cuối năm, bà Nguyễn Thị Thi (thôn 4, xã Diên Đồng) vẫn đang miệt mài cùng những người làm công tất bật thu hoạch mía. Trên ruộng mía bạt ngàn rộng đến 16ha, 20 nhân công dàn hàng ngang, chặt không ngơi tay nhưng tiến độ thu hoạch rất chậm bởi mía đổ ngã quá nhiều. Nhìn những khoảnh mía ngã rạp xuống ruộng, ánh mắt bà Thi buồn rười rượi: “Bão làm cho ruộng mía bị đổ rạp, nhiều khoảnh bị gãy ngọn. Tiếp đó, mưa kéo dài liên tục khiến mía không lớn được, chỉ nhỏ như cây cỏ lau. Tôi đã thu hoạch 2ha, nhưng chỉ được gần 50 tấn, năng suất bằng khoảng 60% so với năm ngoái. Đã vậy, mía có chữ đường đều dưới 10CCS nên giá chưa được 800.000 đồng/tấn. Trong khi đó, mỗi tấn mía phải mất chi phí tiền công chặt 230.000 đồng, bốc lên xe 70.000 đồng, tăng bo 50.000 đồng... Chỉ mới nhẩm tính, vụ năm nay tôi lỗ cả trăm triệu đồng”.

 

Năm nay, những chủ mía có diện tích lớn như bà Nguyễn Thị Thi đều thua lỗ.

Năm nay, những chủ mía có diện tích lớn như bà Nguyễn Thị Thi đều thua lỗ.


Tương tự là tình cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Đến (thôn 5, xã Diên Đồng). Đứng nhìn 0,4ha mía nằm ngổn ngang trên ruộng, thân còi cọc, bà Đến xót xa: “Mía hư như thế này, thu hoạch chẳng được bao nhiêu, bỏ thì tiếc công chăm sóc, tiền đầu tư mà thu hoạch thì công rất cao”. Cũng theo chia sẻ của bà Đến, đầu vụ, cây mía phát triển khá tốt, gia đình bà hy vọng cuối năm sẽ thu hoạch chừng 30 tấn, sau khi trừ chi phí còn ngót chục triệu đồng để mua sắm Tết. Ai ngờ, sau cơn bão, hơn 2/3 ruộng mía bị gãy ngọn, ngã rạp, bao nhiêu hy vọng đều tiêu tan. “Bây giờ, ai kêu công chặt mía thì vợ chồng tôi, con trai đi chặt và chở mía thuê cho người ta để kiếm thêm chút đỉnh”, bà Đến tâm sự.


Rời Diên Đồng, qua xã Diên Xuân (huyện Diên Khánh), Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh), Ninh Tân, Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa)… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh nhà nông tất bật thu hoạch mía. Tuy nhiên, dưới những khuôn mặt sạm nắng là những ánh mắt đượm buồn của nông dân do năm nay mía thất thu. Bà Tô Thị Hết (thôn Tân Sơn, xã Ninh Xuân) nghẹn ngào: “Cơn bão số 12 đã cuốn theo bao mồ hôi, công sức của người trồng mía. 2ha mía của gia đình tôi bị gãy, đổ hơn 70%, 6 nhân công thu hoạch chưa đến 2 ngày đã gần hết mía. Tính ra năm nay, gia đình tôi chỉ thu được chừng 30 tấn (năm trước hơn 90 tấn), chưa đủ trả tiền công, trả nợ vốn ban đầu thì lấy gì mà mua sắm Tết”. Đứng ở ruộng mía, nhìn về phía ngôi nhà đã bị tốc mái do bão nhưng gia đình bà Hết chưa có điều kiện để sửa chữa lại, chúng tôi nghe như có tiếng thở dài…

 

Bà Tô Thị Hết bên những bó mía còn thu được sau bão.

Bà Tô Thị Hết bên những bó mía còn thu được sau bão.


Một vụ mía khó khăn


Ông Nguyễn Thanh Thụy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Đồng cho biết: “Năm nay, toàn xã trồng 678ha mía. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn đã thu hoạch được vài chục héc-ta nhưng nhìn chung, năng suất chỉ đạt khoảng 60% so với vụ năm ngoái nên bà con lỗ nặng, đặc biệt là những hộ trồng mới. Điều khiến nông dân lo lắng nhất hiện nay là nhân công chặt mía khan hiếm nên giá tăng cao, hiện ở mức 1.600 - 1.700 đồng/bó (tăng 500 đồng/bó so với năm trước). Ngoài ra do nền ruộng yếu, xe không thể vào được khiến chi phí tăng bo cũng tăng…”.

 

Tuy đổ nhiều công sức nhưng cơn bão số 12 đã khiến cho nông dân trồng mía thất thu.

Tuy đổ nhiều công sức nhưng cơn bão số 12 đã khiến cho nông dân trồng mía thất thu.


Trong khi đó, theo thống kê của UBND xã Ninh Xuân, niên vụ mía 2017 - 2018, toàn xã có 100% diện tích mía bị thiệt hại do cơn bão số 12, trong đó có hơn 120ha bị thiệt hại hơn 70%, hơn 2.400ha bị thiệt hại từ 30 - 70%. Ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân nhận định: “Vụ mía 2017 - 2018 tiếp tục là niên vụ khó khăn đối với người trồng mía. Lý do là bởi ảnh hưởng của bão khiến năng suất giảm 50 - 70%, chất lượng mía nguyên liệu chắc chắn giảm. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, vận chuyển tăng khiến cho người trồng mía thua lỗ nặng”.


Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa lo lắng: “Sau bão, đời sống của nông dân khó khăn do nhà cửa bị tốc mái, sập…, nhiều gia đình trông chờ vào vụ thu hoạch mía năm nay nhưng tình hình rất khó khăn, khoảng 12.000ha mía trên địa bàn đều bị thiệt hại do cơn bão gây ra”. Cũng theo thông tin ông Cửu nhận được từ các nhà máy đường, năng suất, chữ đường mía đều giảm. Cụ thể, năng suất bình quân chỉ đạt hơn 50 tấn/ha (bình thường phải đạt 60 tấn/ha) chữ đường chỉ đạt khoảng 8,5CCS.


Trong khi đó, ông Đỗ Thành Liêm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Việt Nam chia sẻ: “Năm nay, do ảnh hưởng bão, không chỉ người trồng mía chịu thiệt hại mà kế hoạch sản xuất của nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Trước mắt, do mía kém phát triển, thu hoạch trễ nên nhà máy phải vào vụ sản xuất trễ hơn so với kế hoạch, chậm hơn mọi năm đến 1 tháng. Những xe mía đầu tiên nhập về nhà máy chữ đường cũng thấp hơn so với các năm trước”.


Sẻ chia cùng nông dân


Trước những khó khăn của người trồng mía sau cơn bão số 12, chính quyền các địa phương Diên Khánh, Ninh Hòa… đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét để hỗ trợ cho nông dân. “Đời sống của hàng nghìn hộ trồng mía trên địa bàn năm nay sẽ rất khó khăn. UBND thị xã Ninh Hòa đã kiến nghị tỉnh xem xét để hỗ trợ cho diện tích hơn 14.400ha cây công nghiệp (hầu hết là cây mía) theo quy định của Nghị định 02. Địa phương cũng có công văn đề nghị các nhà máy đường có chính sách hỗ trợ cho nông dân”, ông Đặng Cửu nói.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đã có những động thái tích cực để đồng hành, chia sẻ với nông dân trồng mía sau bão. Ông Đỗ Thành Liêm khẳng định: “Mía đổ ngã thì công thu hoạch sẽ tăng, chúng tôi cam kết hỗ trợ cho bà con tùy vào tỷ lệ mía đổ ngã, mức cao nhất là 30.000 đồng/tấn để bù chi phí thu hoạch. Số tiền này sẽ được thanh toán sau khi hoàn tất hợp đồng bán mía vào cuối vụ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xem xét cho những hộ gặp khó khăn ứng tiền trước để họ có điều kiện trang trải cuộc sống, mua sắm Tết”.


Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa Ninh Hòa cho biết, trước những khó khăn của nông hộ trồng mía, công ty có chính sách trợ giá mua mía 30.000 đồng/tấn mía thực nhập; bảo hiểm chữ đường, đối với mía dưới 8CCS thì mua bằng mức chữ đường 8CCS, mía có chữ đường trên 8CCS thì mua theo chữ đường thực tế; không tính tỷ lệ tạp chất dưới 3%… Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các hộ chưa thu hoạch mía trước Tết Nguyên đán, công ty còn dự kiến chi tạm ứng cho khoảng 2.000 hộ để họ có tiền mua sắm Tết.  


Hy vọng với sự đồng hành, sẻ chia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp ngành đường, nông dân trồng mía trên khắp địa bàn tỉnh sẽ vượt qua được khó khăn trước mắt cũng như cây mía sẽ tiếp tục đâm chồi, vươn lên mạnh mẽ sau cơn bão.


NAM ANH - BÍCH LA