12:11, 04/11/2017

Ôm nợ vì... heo chết

Đang lao đao vì heo thịt rớt giá kéo dài hơn 1 năm qua, người nuôi heo ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang lại phải đối diện với những cơn "bạo bệnh" liên tiếp xảy ra trên đàn heo của mình. Cạn vốn, có hộ đã phải rao bán đất đai, chuồng trại để trang trải nợ nần.

Đang lao đao vì heo thịt rớt giá kéo dài hơn 1 năm qua, người nuôi heo ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang lại phải đối diện với những cơn “bạo bệnh” liên tiếp xảy ra trên đàn heo của mình. Cạn vốn, có hộ đã phải rao bán đất đai, chuồng trại để trang trải nợ nần.


Heo chết, người nuôi ôm nợ


Ngồi bần thần trước những chuồng heo trống trơn, ông Lê Văn Dũng (thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng) đáp chuyện chúng tôi một cách buồn rầu: “41 con heo thịt từ 70 - 80kg của gia đình tôi nuôi trong chuồng mấy hôm trước vẫn ăn uống bình thường, nhưng chỉ sau 1 đêm đã lăn ra chết hơn một nửa. Mấy hôm nay lần lượt chết tiếp, bây giờ chỉ còn lại 13 con, mà chắc gì đã sống nổi qua đợt bệnh lần này”. Nói rồi ông Dũng lấy cuốn sổ ghi chép hàng ngày, lật cho chúng tôi xem về số tiền đầu tư, tiền nợ con giống, thức ăn… chưa thanh toán được. “Đợt nuôi này, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng, trong đó số tiền mua heo giống, thức ăn còn nợ hơn 50 triệu đồng. Bao nhiêu hy vọng đều đổ dồn vào số heo này. Thế  mà…”, xen lẫn trong câu nói của ông Dũng là những tiếng thở dài.

 

Số heo ít ỏi còn sót lại ở hộ ông Dự

Số heo ít ỏi còn sót lại ở hộ ông Dự


Trại nuôi của ông Nguyễn Tiến Dự gần đó thiệt hại còn cay đắng hơn nhiều so với gia đình ông Dũng. Đưa chúng tôi sang thăm trại nuôi của gia đình mình, ông Dự chua xót nói: “Không hiểu sao năm nay gia đình tôi lại đen đủi đến vậy. Người nuôi heo từ tháng 8 năm ngoái đến nay chưa thoát khỏi tình trạng heo rớt giá, thì bây giờ heo lại bị bệnh chết. Cách nay chừng 2 tháng, đàn heo của tôi bị dịch tả chết mất 38 con trong số 72 con thả nuôi. Đợt này, tôi nuôi 40 con nhưng chỉ sau 2 đêm, heo lăn đùng ra chết gần hết, bây giờ chỉ còn 9 con. Tính ra, sau 2 đợt heo bị bệnh chết, tôi thua lỗ 400 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đồng tiền nợ đại lý thức ăn và cơ sở bán giống. Tôi đang rao bán trại heo để có kinh phí trang trải nợ nần. Mong sao Nhà nước quan tâm, có phương án hỗ trợ phần nào cho người nuôi chịu nhiều thiệt hại như chúng tôi”.


“Heo bị chết đợt này chúng tôi không biết bởi nguyên nhân gì, quan sát chỉ thấy hôm trước vẫn bình thường, đến hôm sau bỏ ăn dần, ho, có biểu hiện sốt cao, da sần sùi, nổi hột, đi phân sệt, có màu trắng, yếu dần rồi chết”, ông Dự kể. Trong khi đó, ông Dũng cho biết, trong quá trình chăn nuôi, ngoài sử dụng một phần thức ăn công nghiệp, gia đình ông còn sử dụng phụ phẩm là thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn để làm thức ăn chăn nuôi. “Không biết nguyên nhân có phải xuất phát từ nguồn thức ăn này hay không?”, ông Dũng đặt nghi vấn.


Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Lâm Mưu - Trưởng thôn Phước Lộc cho biết: “Trên địa bàn thôn Phước Lộc có 40 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, quy mô chuồng trại không lớn, tổng đàn khoảng hơn 1.000 con. Thời gian gần đây, người nuôi heo ở Phước Lộc nói riêng và xã Phước Đồng nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Liên tiếp gần đây, heo nuôi của một số hộ gia đình bị bệnh chết. Cụ thể, cuối tháng 7 heo chết vì bệnh dịch tả, nay heo của 2 hộ lại chết chưa rõ nguyên nhân. Heo chết đã đẩy các hộ vào cảnh khó khăn”.


Bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Khánh Hòa


Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sáng 25-10, sau khi nghe nhân viên thú y xã báo cáo tại hộ ông Nguyễn Tiến Dự có heo bệnh chết chưa rõ nguyên nhân, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Nha Trang đã cử cán bộ xuống kiểm tra nắm bắt tình hình. Đến trưa 26-10, trạm đã phối hợp với UBND xã Phước Đồng tiến hành kiểm tra, giám sát, điều tra dịch tễ ổ dịch và các hộ nuôi lân cận. Đồng thời, hướng dẫn chủ hộ thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch. Được biết, nguồn gốc heo từ địa phương, sử dụng phụ phẩm từ nhà hàng, quán ăn làm thức ăn chính. Cả 2 hộ nuôi đều đã thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh. Ngay khi nắm bắt thông tin đàn heo mắc bệnh truyền nhiễm, ngày 30-10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm tại 2 hộ nuôi nói trên gửi tới Phân viện Thú y miền Trung và Chi cục Thú y vùng 4 để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Qua phân tích mẫu 3 bệnh phẩm gồm dịch tả lợn, tai xanh và bệnh đóng dấu lợn, kết quả cho thấy, lợn chết âm tính với dịch tả và tai xanh, đồng thời đã phân lập xác định được lợn mắc bệnh đóng dấu lợn.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “32 năm làm việc trong ngành Thú y, tôi chưa phát hiện vụ dịch nào do bệnh đóng dấu lợn gây ra tại Khánh Hòa. Đây là lần đầu tiên phát hiện. Điều này chứng tỏ mức độ nguy hại rất lớn mà căn bệnh có thể gây ra. Vì hầu như người nuôi chưa chủ động tiêm phòng loại bệnh này, trong khi đó bệnh đóng dấu lợn là 1 trong 4 bệnh đỏ gây nguy hiểm cho heo và rất dễ bị lây lan. Nếu chủ quan, không xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp thêm”.

 

Những con heo còn lại của hộ ông Dũng nằm la liệt vì bệnh dịch

Những con heo còn lại của hộ ông Dũng nằm la liệt vì bệnh dịch

 

Còn nhiều bất cập


Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đến nay, tổng đàn heo ở xã Phước Đồng đã lên tới gần 9.000 con. Đây là một con số rất lớn khi đem so sánh với địa phương khác, chẳng hạn như thị xã Ninh Hòa với 27 xã, phường cũng chỉ có khoảng hơn 10.000 con. Tổng đàn lớn như vậy, nhưng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hình thức chăn nuôi heo ở Phước Đồng vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ. Toàn xã có khoảng 145 hộ chăn nuôi trên 30 con, hàng trăm hộ khác có quy mô nhỏ hơn, nhiều hộ chỉ nuôi từ 5 - 7 con. Khi nuôi nhỏ lẻ, việc đầu tư chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn con giống sẽ không được đảm bảo như đối với các trang trại quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn con heo. Mặt khác, kể từ tháng 7-2016 đến nay, giá heo thịt luôn nằm ở mức thấp, phổ biến chỉ khoảng 30.000 đồng/kg heo hơi. Giá thấp và kéo dài đã khiến người nuôi lao đao trong thời gian qua, hoạt động đầu tư vào thức ăn, thú y, chuồng trại cũng bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho nguy cơ xảy ra dịch bệnh luôn ở mức cao.

 

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có tổng đàn heo khoảng 200.000 con. Trên 70% trong số đó được nuôi ở quy mô gia trại, trang trại lớn, hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản, phương thức nuôi theo mô hình khép kín, công nghiệp. Khi xảy ra dịch bệnh, đối với các hộ chăn nuôi lớn, tập trung, công tác dập dịch cũng như các biện pháp khống chế, đảm bảo an toàn sẽ thuận lợi hơn nhiều so với dịch bệnh xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thêm một đặc điểm chăn nuôi ở Phước Đồng, theo ông Nguyễn Lương Thao đó là: “Có đến 90% người nuôi vẫn sử dụng phụ phẩm từ các nhà hàng, quán ăn. Điều này tiềm ẩn rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, về dinh dưỡng, nguồn thức ăn này không phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của heo. Kế đến, nguồn thức ăn này không đồng đều về chất dinh dưỡng, tùy thuộc vào chất lượng thức ăn thừa mà nhà hàng, quán ăn có hôm đó. Nên có lúc thức ăn quá nhiều đạm, rất dễ gây tiêu chảy, có lúc lại rất ít dưỡng chất, không đảm bảo cho heo phát triển. Thêm một vấn đề khác nảy sinh khi tận dụng thức ăn thừa tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, đó là người nuôi heo thường đặt hàng lấy thức ăn với một số cơ sở nhất định, có lượng thức ăn ổn định quanh năm. Vì thế, khi xuất bán 10 con heo, người nuôi lại phải nhập vào 10 con để ổn định đàn và sử dụng hết lượng thức ăn đã lấy. Vì thế, hoạt động nhập xuất diễn ra liên tục, chuồng trại hầu như không được nghỉ ngơi, không có thời gian trống chuồng để thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, không có đủ thời gian trống để tiêu diệt triệt để mầm bệnh”.


Hiện nay, 2 hộ nuôi heo ở Phước Đồng đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía nhằm có thể vượt qua những khó khăn mà họ đang gặp phải. Tuy nhiên, trong khi hoạt động chăn nuôi heo trên toàn tỉnh hầu hết đã chuyển qua các mô hình nuôi hiện đại, quy mô vừa và lớn, các yếu tố an toàn về môi trường, dịch bệnh được người nuôi coi trọng đặc biệt, thì hoạt động chăn nuôi heo ở Phước Đồng vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ. Có lẽ đã đến lúc người nuôi heo ở Phước Đồng phải thay đổi phương thức chăn nuôi đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thức ăn, con giống cũng như quy trình nuôi theo hướng an toàn, bền vững.



Hồng Đăng - Hải Lăng