04:10, 11/10/2017

Mang chữ tâm ra đảo

Họ là những thầy giáo, cô giáo trẻ đã tình nguyện viết đơn ra đảo dạy học, với mong muốn cống hiến một phần tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp "trồng người". Vượt qua những vất vả, khó khăn, họ vẫn giữ mãi lòng yêu nghề, kiên trì bám trường, bám lớp...

Họ là những thầy giáo, cô giáo trẻ đã tình nguyện viết đơn ra đảo dạy học, với mong muốn cống hiến một phần tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Vượt qua những vất vả, khó khăn, họ vẫn giữ mãi lòng yêu nghề, kiên trì bám trường, bám lớp...


Cô giáo “bén duyên” với đảo


Điểm trường tại bán đảo Đầm Môn, 1 trong số 4 điểm lẻ của Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh những ngày này nắng hanh hao và gay gắt. Hòa trong tiếng gió, tiếng sóng rì rào là tiếng đọc bài của học sinh (HS) - những cô bé, cậu bé có làn da rám nắng, mái tóc cháy vàng và dáng vẻ rắn rỏi đặc trưng của trẻ em miền biển. Cô giáo Đinh Thị Xuân Duyên, 29 tuổi đón chúng tôi bằng nụ cười tươi, hiền hậu và chất phác.

 

Cô Đinh Thị Xuân Duyên kèm cặp học sinh và con trai tập đọc, tập viết

Cô Đinh Thị Xuân Duyên kèm cặp học sinh và con trai tập đọc, tập viết


Kể về cơ duyên đến với mảnh đất này, cô Duyên cho biết, bởi yêu con trẻ, yêu nghề dạy học từ khi còn nhỏ mà cô chọn Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang để bắt đầu hành trình tuổi trẻ của mình. Tốt nghiệp, cô Duyên nộp đơn xin dạy học tại Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Vạn Thạnh và được phân về điểm trường ở đảo Điệp Sơn. “Tôi nhận nhiệm sở vào một ngày tháng 10-2010. Giống như trong tưởng tượng của tôi, các em HS rất hồn nhiên, đáng yêu, ngoan hiền và lễ phép”, cô Duyên nhớ lại.

 
Những ngày đầu dạy học có không ít khó khăn đối với một cô giáo trẻ mới ra trường. Điểm trường Điệp Sơn khi ấy không có điện nên những khi trời mưa, hay mỗi tối soạn bài, các thầy cô phải dùng đèn dầu thắp sáng. Cô Duyên cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu được giao dạy lớp ghép khối 2 và 3. Mỗi cuối tuần, cô lại thu xếp công việc để kịp chuyến đò về thăm nhà ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Những ngày mưa bão phải ở lại, cô được người dân, cha mẹ HS quan tâm, giúp đỡ, san sẻ từng bó rau, quả trứng... Cô Duyên tâm sự: “Học trò yêu quý và xem thầy cô như người cha, người mẹ, anh chị của mình. Chính sự đáng yêu của HS, sự gần gũi và chân thành của phụ huynh, sự quan tâm của đồng nghiệp càng khiến tôi gắn bó với ngôi trường này”.

 

Năm 2013, cô Duyên chuyển về công tác tại điểm trường Đầm Môn. Cuộc sống khi ấy bớt vất vả hơn, giáo viên cũng không phải mất hơn 2 giờ đi đò như ở điểm trường cũ. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, ngoài việc dạy học mỗi sáng, chiều chiều, cô lại dành thời gian để ôn bài, luyện tập cho HS, nhất là những em học yếu. Vì điều kiện khó khăn, cha mẹ làm nghề đi biển, nên sự học của nhiều em gặp không ít gian truân. Nhiều em vừa đi học, vừa phải đi bắt ốc mưu sinh; có em mới lớp 8, lớp 9 đã toan bỏ học. Cô Duyên cùng các thầy cô giáo trong trường phải thường xuyên đến nhà vận động, khích lệ các em đi học trở lại.  


7 năm dạy học ở xã đảo tuy chưa phải là dài, nhưng cũng là quãng thời gian mà cô Duyên ghi dấu nhiều kỷ niệm với sự nghiệp “đưa đò”. Nhiều năm liền, cô Duyên được tuyên dương là giáo viên chủ nhiệm giỏi của trường. Cũng tại nơi này, cô giáo trẻ đã bén duyên và có tổ ấm riêng cho mình, chính thức trở thành “người của đảo”. “Tôi mong các em HS của mình có điều kiện học tập tốt hơn, nhất là không phải lo bươn chải kiếm sống. Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo, chọn biển đảo làm nơi gắn bó”, cô Duyên tâm sự.  

 

Thầy Lê Bá Giáp cùng học sinh trong giờ học Thể dục

Thầy Lê Bá Giáp cùng học sinh trong giờ học Thể dục

 

Thầy giáo thể dục được mọi người yêu mến


Sinh ra và lớn lên tại vùng quê ven biển nghèo của tỉnh Thanh Hóa, tuổi thơ của thầy Lê Bá Giáp, 33 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bình Hưng, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh đã sớm gắn liền với nắng, gió và vất vả. Yêu nghề giáo, cùng với tâm niệm nghề dạy học sẽ cao quý hơn khi cái chữ được gieo mầm trên những mảnh đất gian khó, thầy Giáp đã viết đơn tình nguyện ra công tác tại đảo.  


Tốt nghiệp ngành Giáo dục Thể chất, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng năm 2008, đầu năm 2009, thầy Lê Bá Giáp nộp đơn và trúng tuyển vào Trường THCS Nguyễn Trung Trực, nằm tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình. Năm 2012, Trường Tiểu học và THCS Bình Hưng (vốn là một điểm trường của Trường THCS Nguyễn Trung Trực) nằm trên đảo Bình Hưng được thành lập, thầy Giáp được phân công về đây giảng dạy. Khi ấy, đường ở đảo chưa được bê tông hóa, đất đá lồi lõm, đi đò tới trường phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Những ngày mưa, gặp sóng to gió lớn, chuyện đi đò càng thêm trắc trở. Điều kiện đi lại và sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn. Cả trường chỉ có 1 phòng nội trú nên thầy Giáp và các thầy giáo khác phải tá túc tạm nhà dân, hoặc lấy bàn ghế HS kê ngoài hành lang làm thành giường để ngủ mỗi tối. Không điện, không quạt, nước ngọt thiếu thường xuyên, chưa kể chuyện mưa bão đã trở thành “đặc sản” ở đảo, thêm cả nỗi nhớ nhà, nhớ phố thị đông vui, nhộn nhịp… khiến có lúc thầy Giáp tưởng mình không vượt qua được.

 

Với những thành tích trong công tác giảng dạy và cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, năm 2016, thầy Lê Bá Giáp và cô Đinh Thị Xuân Duyên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương và trao bằng khen. Chia sẻ về vinh dự này, thầy Giáp cho rằng: “Tất cả thầy cô ở xã đảo đều xứng đáng được tôn vinh, bởi họ đều nỗ lực, hết mình cống hiến với mong muốn tất cả HS đều được cắp sách tới trường, được vui chơi và học tập”.

Nhưng bù lại những khó khăn đó, những bữa cơm nội trú đầy tiếng cười, những lần nói chuyện, cảm thông, chia sẻ giữa những người cùng cảnh ngộ, cả sự đáng yêu, đáng mến của người dân và học trò nơi đây đã tiếp thêm động lực cho thầy giáo trẻ. Thứ Sáu hàng tuần, biết các thầy cô về đất liền thăm gia đình là trò lại xách khi con cá, khi chiếc bánh… để thầy cô mang theo. Tình cảm đơn sơ, giản dị của những con người nơi đây khiến thầy Giáp thấy hạnh phúc, thân thuộc như ở nhà mình, và những khó khăn đã trở thành “chuyện nhỏ”. Đến tháng 12-2012 điện lưới quốc gia về; năm 2015 có thêm chỗ ở nội trú cho giáo viên; trường học cũng được quan tâm đầu tư hơn nên việc dạy học và cuộc sống đã bớt đi nhiều vất vả.  


Với đặc thù trường có 2 cấp học, thầy Giáp phải dạy HS từ lớp 1 đến lớp 9 nên công tác soạn giáo án, tìm tài liệu, kiến thức chiếm khá nhiều thời gian. Chưa kể vì nhiều lý do, việc vận động HS đến trường gặp không ít khó khăn. Nhiều em chưa học hết cấp 2 đã nghỉ học đi làm để kiếm thu nhập. Cùng với các thầy cô trong trường, thầy Giáp đã tích cực đến từng nhà vận động, thuyết phục HS bỏ học đi học trở lại. Bên cạnh đó, để thu hút HS đến trường, thầy Giáp còn tham mưu nhà trường thành lập câu lạc bộ dạy bơi, bóng chuyền từ năm học 2012 - 2013. Tuy đa số đều biết bơi, nhưng việc tham gia hoạt động ngoại khóa giúp các em được học kỹ thuật bơi đúng cách nên HS rất hào hứng. Đến nay, hơn một nửa trong số gần 250 HS của trường đã và đang tham gia các câu lạc bộ này. Thầy Giáp còn ấp ủ dự định xây dựng đội bóng chuyền ở trường vững mạnh hơn để tạo sân chơi và động cơ cho HS ham thích đến trường.


Thầy Hà Đức Tiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bình Hưng cho biết: “Thầy Giáp có bề dày thành tích tốt như: liên tục các năm là giáo viên giỏi cấp trường; được UBND thành phố tặng giấy khen năm 2012 - 2016; đạt sáng kiến kinh nghiệm loại A cấp thành phố năm 2015 - 2016; nhiều năm liền huấn luyện HS tham gia Hội khỏe Phù đổng cấp thành phố đạt nhiều huy chương ở các môn: bi sắt, bóng chuyền, bơi lội, đẩy gậy… Thầy cũng tích cực tham gia các công tác Đảng, chính quyền, thực hiện tốt các nhiệm vụ được nhà trường giao, tham gia vận động HS đến lớp đạt hiệu quả. Có thể nói, thầy là một trong những giáo viên rất tâm huyết với công tác dạy và học, được đồng nghiệp đánh giá cao và học trò yêu quý”.


HOÀNG NGÂN