12:10, 04/10/2017

Đường đến trường còn xa lắm...

Đầu năm học 2017 - 2018, những học sinh, sinh viên nghèo mà chúng tôi gặp đều có hoàn cảnh rất đáng thương, đầy gian nan và trắc trở. Vượt qua tất cả nghịch cảnh, các em đang nỗ lực hết mình để tiếp tục học hành nhưng dường như đường đến trường còn… xa lắm!

Đầu năm học 2017 - 2018, những học sinh, sinh viên nghèo mà chúng tôi gặp đều có hoàn cảnh rất đáng thương, đầy gian nan và trắc trở. Vượt qua tất cả nghịch cảnh, các em đang nỗ lực hết mình để tiếp tục học hành nhưng dường như đường đến trường còn… xa lắm!


Tuổi thơ vất vả


Căn nhà mượn tạm, nơi 2 mẹ con Lê Văn Đức (tổ 13 Đường Đệ, Vĩnh Hòa, Nha Trang, học sinh lớp 9/2 Trường THCS Mai Xuân Thưởng) trú ngụ từ khi em vào lớp 1, ở trên đỉnh núi Suối Tôm, đi qua đập Hòn Xện. Đoạn gần 1km trước nhà Đức, đường lên dốc quanh co, lởm chởm đá, không đèn đường, ngày mưa vừa trơn trượt, vừa dễ bị nước núi xối kèm đá lăn. Vì vậy, chiếc đèn pin  thành vật bất ly thân của Đức khi lên xuống núi. Trước đây, gia đình Đức thuê trọ ở phường Vĩnh Hải, nhưng sau khi cha bỏ đi, 3 mẹ con cũng rời đi vì không trả nổi tiền  nhà. Mấy tháng trước, anh trai Đức lập gia đình, tiền công phụ hồ không còn đủ phụ mẹ và em. Tất cả tiền chi tiêu trong nhà đều gói gọn trong 50.000 - 70.000 đồng tiền công lựa ốc thuê cho chủ ghe của mẹ hàng ngày. Bữa nào không ai thuê, 2 mẹ con đành có gì ăn đó. Vì vậy, Đức đã quen với bữa sáng là nồi cháo nấu từ đêm trước. Chiếc kính cận 5 độ được phụ huynh mua cho, một mắt kính đã nứt vỡ, nhưng chẳng có tiền thay nên Đức vẫn dùng đỡ. Đức chẳng biết mẹ bệnh gì, vì không có tiền khám bệnh, chỉ thấy thi thoảng bà khó thở, ngất xỉu. Sống một nơi, hộ khẩu một nẻo nên mẹ con Đức chẳng vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo của phường nào. Cô bác bên ngoại đều làm thuê làm mướn, chẳng ai giúp được gì.

 

Dù khó khăn, Đức vẫn không muốn bỏ học

Dù khó khăn, Đức vẫn không muốn bỏ học


Gia cảnh của Nguyễn Thị Châu An (thôn Tân Phú, Vạn Phú, Vạn Ninh, tân sinh viên ngành Kinh tế - Kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) rất khó khăn, thuộc hộ nghèo. Năm An học lớp 6, cha qua đời vì ung thư gan. Em gái kế An bị tâm thần từ nhỏ, luôn cần người chăm sóc, còn cậu em út mới học lớp 2. Mẹ An làm thuê đủ việc, nhưng công việc rất bấp bênh. Vì vậy, hễ rảnh là chị cả Châu An lại đi lượm điều, tách hạt, hoặc đính cườm vào áo, kiếm chút tiền công phụ mẹ. Công đính cườm 5.000 - 10.000 đồng/áo, 2 mẹ con làm miệt mài cả ngày được chừng chục chiếc.


Mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ, anh em Nguyễn Văn Tú (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, Nha Trang, tân sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) lớn lên nhờ một tay bà nội. Nuôi 2 anh em, chăm thêm người cô bị thoái hóa khớp có 1 con, bà nội Tú mỗi ngày một yếu, bệnh nhiều thêm. Vì vậy, anh trai Tú phải bỏ việc ở TP. Hồ Chí Minh, về Nha Trang làm phụ hồ. Cuộc sống của cả nhà trông vào tiền công phụ hồ của anh trai Tú và tiền trông trẻ 2,5 triệu đồng/tháng của bà nội. Vì vậy, cứ hè đến, khi các bạn nghỉ vui chơi thì Tú đi làm thêm…


Tuổi thơ của Phạm Thị Mỹ Chi (thôn 2, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tân sinh viên ngành Kinh doanh thương mại Đại học Nha Trang) cũng trắc trở, bởi khi em vừa đầy tháng thì cha bỏ đi. Mẹ Chi bươn chải làm ăn xa, thi thoảng mới về nhà. Năm Chi học lớp 3, trong một lần về thăm nhà, mẹ em bỗng ngất lịm, rồi qua đời. Nửa năm sau, ông ngoại Chi cũng mất. Cũng như bà ngoại và mẹ, Chi bị hở van tim hai lá, phải uống thuốc hàng ngày. Tuổi thơ của Chi, ngoài giờ học là những ngày dang nắng ngoài đồng, theo ngoại đi trỉa đậu phụng, đóng rơm thuê...


Đường học gập ghềnh


Do trường cách nhà hơn chục km, nên từ năm lớp 10, Chi đã phải xa bà. Thấy ngoại đau yếu, vất vả, có lúc, Chi đã phân vân định dừng học, nhưng bà lại động viên: “Không sao, ngoại lo được”. Khi Chi đậu đại học, ngoài tiền công làm thuê tích cóp của Chi, ngoại phải cầm sổ đỏ rồi vay mượn thêm bà con chòm xóm để Chi có hơn 5 triệu đồng nhập học. Đáp đền ngoại, Chi chỉ biết nỗ lực học và tích cực hoạt động đoàn. Vừa vào đại học, cô bé nhỏ nhắn, từng là bí thư đoàn lớp suốt 3 năm trung học, đã tham gia đội tình nguyện của khoa đi bán bánh lấy tiền tổ chức đêm Trung thu cho trẻ em nghèo.

 

Từ nhà Đức tới trường chỉ hơn 3km, nhưng để đi bộ đến lớp đúng giờ, em phải rời nhà từ 5 giờ sáng. Ngày mưa to, Đức bỏ quần dài vào ba lô đội đầu, xuống núi, tới đoạn khô ráo mới mặc vào cho tươm tất. Bà Lê Thị Nữ, mẹ Đức kể: “Hè vừa qua, cháu đi phụ hồ, tích cóp mua được chiếc xe đạp và thuốc cho mẹ. Nhưng sau đó người chủ thấy cháu chưa đủ tuổi lao động, sức yếu, không thuê nữa. Nhắm nhà không kham nổi khoản tiền đầu năm học, cháu đành bỏ học”. Thầy Lê Văn Trung, giáo viên chủ nhiệm của Đức cho biết, ngày tựu trường, Đức không tới. Những ngày sau cũng vậy. Thầy hỏi cả lớp nhưng không ai biết nhà Đức, nên thầy phải huy động hội cha mẹ học sinh lớp. Hơn chục ngày sau, các phụ huynh mới tìm được nhà Đức, thầy mới hiểu vì sao Đức bỏ học, và vận động mọi người ủng hộ.  


Năm lớp 9, gia đình Võ Quỳnh Nhi (52/22 Trần Phú, Vĩnh Nguyên, Nha Trang, tân sinh viên Khoa Kỹ thuật Hóa học Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) lao đao khi biết mẹ Nhi bị ung thư buồng trứng giai đoạn 3. Cha em phải bỏ nghề phụ bếp, đi làm phụ hồ, mặc dù bị dị ứng với xi măng, để có tiền công cao hơn lo phẫu thuật cho mẹ. Nhi chỉ biết nỗ lực thi đậu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, giữ vững danh hiệu học sinh giỏi suốt 3 năm và đậu đại học với tổng điểm 28; đồng thời đi phụ ở hàng cơm, làm gia sư…


Ngày biết tin chị em sinh đôi Đặng Ái Loan, Đặng Ái Ly (thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm) cùng đậu Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, mẹ 2 em mừng rơi nước mắt. Niềm vui nhân đôi, nhưng nỗi lo cũng gấp hai, bởi nhà thuộc hộ nghèo, người cha bỏ đi từ khi 2 chị em mới lẫm chẫm biết đi, mẹ các em làm thuê cả tháng chỉ chừng 1 - 2 triệu đồng. “Thôi tới đâu hay tới đó”, mẹ 2 em buồn bã nói.


Bà Nguyễn Thị Vui - mẹ Châu An tâm sự: “Khi An học lớp 10 thì cháu nói sẽ nghỉ học đi làm nuôi mẹ, nuôi em. Tôi nghe như chết điếng trong lòng, rồi đành động viên cháu ráng học hết lớp 12, nếu đậu đại học, mẹ sẽ gửi em vào bệnh viện tâm thần, rồi mẹ con cùng vào TP. Hồ Chí Minh vừa học, vừa bán vé số. Biết tin đậu đại học xong, An lại nói: “Có lẽ việc học của con tới đây là dừng thôi”. Tôi lại động viên cháu; thêm bà con cô bác mỗi người giúp một ít, hỗ trợ cháu nhập học. Bây giờ tôi cũng loay hoay chưa biết tính tiếp sao”. An thì cho biết: “Lúc gần thi đại học, em rất phân vân, vừa lo thi đậu không có tiền học, vừa muốn thi thật tốt để mẹ vui một lần, dù không được học tiếp”.

 

Ngày cuối tuần về nhà, Mỹ Chi lại cùng ngoại đi làm thuê

Ngày cuối tuần về nhà, Mỹ Chi lại cùng ngoại đi làm thuê

 

Để ước mơ thành hiện thực


Rụt rè mãi, Đức mới thổ lộ mong ước lớn lên làm kỹ sư xây dựng, xây nhà cho mẹ. Còn Nhi, tuy thiếu chút điểm vào trường y nhưng em vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ chữa bệnh cho mẹ và mọi người. Biết ngành Công nghệ sinh học giúp tìm nguyên nhân, phương pháp chữa bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư, Nhi dự định hết học kỳ đầu sẽ đăng ký vào khoa. An thì tâm tình, em rất tự hào vì đã đậu đại học, không phụ sự kỳ vọng của mẹ. Nhưng nhập học rồi, em lại sợ không biết mẹ có lo nổi suốt 4 năm học cho em không, còn em gái bệnh tật... “Liệu có ai giúp được con không?”, An hỏi đầy da diết.


Để giúp Đức đến trường, các phụ huynh cùng thầy Trung lo cho Đức từ đồng phục, đến sách, vở, quần áo… Chị Võ Thị Thu Hà và anh Trương Diên - chi hội phụ huynh lớp còn bàn nhau tuần tới chở Đức đi khám mắt, thay kính mới và sắm cho Đức đôi giày mới.


Mấy năm gần đây, trước mùa khai giảng, có một giảng viên thỉnh giảng của Đại học Nha Trang (không muốn nêu tên), dù rất bận với lịch làm việc trong và ngoài nước, nhưng luôn tha thiết tìm kiếm các hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ phần nào cho các em đi tiếp con đường học hành. Nhờ thầy, một số sinh viên nghèo đã có nơi ở miễn phí, được chuyên tâm học, bớt lo chuyện cơm áo gạo tiền. Thầy tâm sự, cuộc sống có thể thiếu thốn một chút, nhưng đáng tiếc nhất là để các em phải gác lại mơ ước học hành chỉ vì nghèo túng.


Quả vậy, nếu mỗi người không góp một chút sức, thì sao hy vọng có những thế hệ trẻ giỏi giang, trí tuệ, đưa đất nước tăng trưởng vượt bậc? Chợt nhớ tâm sự của An: “Đã có lúc em nghĩ, nếu mình đi làm thì đã có tiền phụ mẹ ngay. Nhưng rồi em lại nghĩ, nếu còn, dù chỉ một tia hy vọng, em cũng không bỏ học, bởi mẹ đã cố làm lụng vất vả, hy vọng rất nhiều ở em”. Hy vọng, từ sự trợ giúp của nhiều người, trên hết là nỗ lực bản thân, con đường đến trường của các em sẽ không còn xa.


THIỀU HOA