04:08, 12/08/2017

Vui buồn nghề điều dưỡng

Các điều dưỡng viên là người trực tiếp thông tin tới bác sĩ mọi chuyển biến về sức khỏe bệnh nhân. Vì vậy, họ gần gũi bệnh nhân cả ngày lẫn đêm, hơn cả người nhà. Tuy nhiên, công việc vất vả đó không phải ai cũng hiểu.

 

Các điều dưỡng viên (ĐDV) là người trực tiếp thông tin tới bác sĩ mọi chuyển biến về sức khỏe bệnh nhân (BN). Vì vậy, họ gần gũi BN cả ngày lẫn đêm, hơn cả người nhà. Tuy nhiên, công việc vất vả đó không phải ai cũng hiểu.


Tận tụy chăm sóc người bệnh


20 giờ 30, không khí tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) bắt đầu “nóng”. Vừa tiếp nhận 1 BN bị gãy chân, một ĐDV nhanh chóng sơ cấp cứu ban đầu, rồi xoay sang làm thủ tục, tiếp nhận, lo cho BN mới. Ở khoa này, gần như giờ nào cũng có vài ca cấp cứu nên ĐDV không khi nào ngơi tay. Chuyện ăn uống thất thường cũng thành… bình thường.

 

Các điều dưỡng ở Khoa Sản đang trao đổi công việc

Các điều dưỡng ở Khoa Sản đang trao đổi công việc


Tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, 56 ĐDV được chia ca chăm sóc cho khoảng hơn 200 BN ở 3 bộ phận: thận nhân tạo, thẩm phân và hồi sức. Các BN đều bệnh nặng nên cường độ công việc rất vất vả, áp lực cho ĐDV. Ngoài công tác chuyên môn là chăm sóc BN, các ĐDV của khoa còn thực hiện nhiệm vụ nhập liệu, cung ứng thuốc, thanh quyết toán hồ sơ bảo hiểm y tế… Mọi công việc đều do 4 kíp trực thực hiện với 3 ca sáng, chiều, đêm, riêng ca đêm căng thẳng nhất vì kéo dài từ 20 giờ đến 7 giờ sáng; trung bình mỗi ca trực 2 lần/tuần. ĐDV khi vào ca được phân công giường bệnh cụ thể, mỗi người theo dõi, chăm sóc 4 - 5 BN, thực hiện y lệnh cho BN như: tiêm thuốc, uống thuốc, xoay trở người, tư vấn dinh dưỡng… Trong điều kiện đó, họ lại phải luôn chú ý làm hài lòng, phục vụ tốt nhất nên nếu không yêu nghề, không tận tâm thì rất khó trụ nổi.

 

Điều dưỡng viên đang chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc

Điều dưỡng viên đang chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc


Không chỉ tiếp nhận, sơ cứu, kề bên, đồng hành cùng người bệnh trong lúc nguy kịch, ĐDV còn thay người nhà chăm lo từ giấc ngủ đến việc vệ sinh cho người bệnh. ĐDV Phạm Tố Quân trải lòng: “Có trường hợp hôn mê nằm viện nhiều tháng, hơi thở có mùi, ĐDV vẫn kiên nhẫn vệ sinh răng miệng cho BN. Lại có BN bị thiếu oxy não, tinh thần không ổn định, khi đau là chửi mắng, nhưng chúng tôi vẫn nhẹ nhàng, ân cần”.


Ở Khoa Nhi, công việc của các ĐDV cũng tất bật không kém. Cả khoa có 44 ĐDV, chăm sóc trung bình 160 - 170 BN, cao điểm hơn 200 BN, vượt gần gấp đôi so với chỉ tiêu. 7 giờ sáng, sau 30 phút giao ban, các ĐDV chính thức nhận ca trực, nhận BN, kiểm tra hồ sơ, đo nhiệt độ, cân em bé, kiểm tra dịch dạ dày đối với bé sơ sinh không bú hôm trước. Mọi việc phải hoàn thành trước 8 giờ sáng để cùng bác sĩ đi khám và nhận y lệnh, lấy máu, tiêm thuốc, cho BN đi làm các xét nghiệm. 9 giờ, ĐDV lại lo cho các bé uống sữa, thay tã, đánh dấu vào phiếu kiểm tra các tình trạng, sau đó vào hồ sơ, thay tã, áo, tắm bé… Mọi việc phải kết thúc trước 10 giờ để người nhà vào thăm.


Nhiều áp lực


Làm điều dưỡng tại nhiều khoa, phòng, đơn vị y tế rồi về Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm, năm 2009, chị Trần Lê Nguyên Thảo (37 tuổi) trở thành điều dưỡng trưởng, điều hành hoạt động điều dưỡng của toàn trung tâm. Chị phải lo từ chăm sóc toàn diện và kiểm soát nhiễm khuẩn, đến công tác vi sinh, tư vấn, chăm sóc khách hàng, tiết chế dinh dưỡng cho BN, kiểm soát sự hài lòng của BN, lập báo cáo để tham mưu chấn chỉnh, phụ trách chương trình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) và phòng ngừa nguy cơ. Đã 15 năm gắn bó với nghề, kinh nghiệm khá nhiều, nhưng chưa khi nào chị Thảo quên chuyện buồn khi mới vào làm. “Tháng đầu tiên đi làm, tôi gặp 4 ca tử vong. Tuy đều là các trường hợp đưa tới cơ sở y tế muộn, nhưng chứng kiến nước mắt của người nhà, tôi cảm thấy mất hết sức lực”, chị Thảo kể.

 

Điều dưỡng viên Duyên tận tình với công việc

Điều dưỡng viên Duyên tận tình với công việc


Nữ hộ sinh Phan Thị Thu Thủy (Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lại nhớ mãi trường hợp tử vong vì bị tắc mạch ối 6 năm trước. Sản phụ đã nằm viện trước đó nửa tháng vì bị nhau tiền đạo, ra máu và được điều trị ổn định. Nhưng tắc mạch ối là tai biến sản khoa không thể dự báo, dự phòng, hầu hết trường hợp không thể điều trị được. Khi sản phụ tử vong, chị cứ day dứt mãi về lời năn nỉ xin về thăm nhà trước khi lên bàn mổ của sản phụ! Chị cũng không sao quên được ánh mắt của bé gái 2 tuổi và hình ảnh người chồng thất thểu cầm đôi dép của vợ ra về trong đêm!


Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 621 ĐDV và nữ hộ sinh. Công việc vất vả nhưng họ phải luôn nhẹ nhàng, kiên trì, cởi mở, trong khi thu nhập trung bình chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.


Trăn trở và gắn bó với nghề


9 năm làm điều dưỡng ở Khoa Nhi, chị Lê Thị Hồng Duyên nhớ như in lần chăm sóc em bé sinh non 30 tuần tuổi cách đây 5 năm, đúng dịp Trung thu. Phổi bé rất yếu, phải bơm thuốc trưởng thành phổi. Đúng đêm trực đó, trời mưa tầm tã, chị đi trực phải dẫn theo con nhỏ 2 tuổi vì bà nội nằm viện, cả nhà lo chăm sóc, không trông được. Lúc đó, máy chụp X.quang bị trục trặc, không rửa được phim, chị cùng bác sĩ đội mưa chạy qua mấy phân khu xuống đọc trực tiếp trên máy. Khi mọi việc vừa ổn thì đêm đã qua, con chị cũng ngủ từ lúc nào. Không nói nên lời cảm ơn, cha em bé chỉ biết giúi vào tay con chị hộp bánh Trung thu. “Đó là món quà Trung thu ấm áp mà đến giờ tôi và con không quên được”, chị Duyên mỉm cười.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Nghề điều dưỡng, ngoài cái tâm, cái tình, còn cần chịu khó, chuẩn mực, yêu nghề mới làm được. ĐDV tiếp xúc với BN nhiều hơn bác sĩ nên họ chính là người cung cấp thông tin giúp bác sĩ điều trị tốt hơn. Hiện nay, do số BN tăng trong khi bộ máy bệnh viện công chưa đáp ứng được nên áp lực đối với ĐDV càng lớn, họ phải làm việc với cường độ cao nhưng đa số thu nhập chưa cao, đôi lúc chưa đáp ứng kịp. Đây cũng là nguồn cơn dẫn tới hiện tượng người nhà BN hành hung, mạt sát ĐDV. Chúng tôi mong xã hội hãy nhìn nhận về các nhân viên y tế và ĐDV công bằng và khách quan hơn.

Nghĩ lại, nữ hộ sinh Thủy vẫn khó lý giải điều gì khiến chị gắn bó với nghề 11 năm, dù trước đó nhiều lần thay đổi trường học. Có lẽ, chính niềm vui khi được giúp đỡ người khác đã khiến chị gắn bó với nghề. Nhưng đôi khi, công việc cũng tạo cho chị những trăn trở khôn nguôi. 4 năm trước, dịp gần Tết, chị tiếp nhận một sản phụ 28 tuổi dắt bé gái 1 tuổi rưỡi vào khoa sinh con. Hai mẹ con không có người thân đi cùng. Khi người mẹ lên bàn sinh, một tay nắm chặt mép bàn rặn sinh, một tay ôm con nhỏ nằm kế bên. Khi người mẹ sinh bé trai xong thì con gái cũng ngủ ngon lành! Sau này, biết sản phụ không chồng, không có bảo hiểm, hết tiền, chị đã kiếm thức ăn, sữa cho cả 3 mẹ con, đồng thời báo cáo lãnh đạo vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ. 1 đêm cách đây 2 năm, chị Thủy lại gặp một ca trớ trêu. Trước sinh, kết quả siêu âm bé hoàn toàn bình thường. Nhưng trong phút đầu tiên sau sinh, bé chuyển biến xấu, phải đặt nội khí quản, chuyển Khoa Nhi điều trị. Sau 21 ngày điều trị kháng sinh liều cao, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tổn thương não, lao màng não… Đến nay, thi thoảng chị vẫn tới thăm gia đình họ. Mỗi lần tới, chị lại cảm nhận rõ sự bất lực của người mẹ khi chỉ biết nhìn con nằm một chỗ, không nói được, đầu to, người gầy ốm, hệ tiêu hóa chỉ chấp nhận cháo và sữa mẹ… Chị lại đi xin sữa của các bà mẹ dư sữa rồi cấp đông, lúc tới thăm thì mang theo cho cháu bé. “Xót xa lắm, họ phải bỏ ra hẳn một người ở nhà để chăm sóc cháu bé. Các tổ chức từ thiện đến bệnh viện cũng nhiều, nhưng họ chỉ giúp đỡ được phần nào…”, chị Thủy trăn trở.


Bên cạnh những day dứt, các điều dưỡng đều lưu giữ những kỷ niệm ngọt ngào về chuyện nghề, chuyện BN. Đến giờ, chị Thảo vẫn còn giữ ở nhà bài thơ cảm ơn và những lá thư thăm hỏi của BN Nguyễn Thị Lan (Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) - một trong những BN được chị chăm sóc cách đây hàng chục năm. Chị nói giản dị: “Với ĐDV, không gì vui hơn khi được tiễn BN xuất viện và nhận lời cảm ơn của họ”.


Còn với những BN đã từng được các ĐDV chăm sóc, họ luôn nhớ và cảm kích vì sự tận tình của các ĐDV. Chị Tuyết Hạnh (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Tôi đã từng phải nằm viện để phẫu thuật. Lúc chưa vào bệnh viện nhiều người nói với tôi là phải chuẩn bị tiền để “đút túi” cho các ĐDV, nếu không họ sẽ lơ là, không chăm sóc. Tuy nhiên, trong những ngày nằm điều trị tại Khoa Sản, tôi đã được các ĐDV chăm sóc rất tận tình. Tuy vất vả nhưng các em luôn dịu dàng với BN. Đây là điều khiến tôi nhớ mãi”.



TIỂU MAI - NGUYỄN KIM