11:06, 30/06/2017

Rộn ràng phiên chợ nông sản

Những ngày này, tại công viên Yến Phi (TP. Nha Trang), phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017 đang diễn ra nhộn nhịp. Phiên chợ được đặt kỳ vọng sẽ là dấu ấn thể hiện cách nghĩ mới, cách làm mới của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Những ngày này, tại công viên Yến Phi (TP. Nha Trang), phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017 đang diễn ra nhộn nhịp. Phiên chợ được đặt kỳ vọng sẽ là dấu ấn thể hiện cách nghĩ mới, cách làm mới của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.


Bức tranh nhiều màu sắc


Đến với phiên chợ, hầu như các nông dân đều chung một quan điểm, sản phẩm của mình phải được chăm chút kỹ lưỡng nhất, tươi ngon và bắt mắt nhất. “Góc chợ” của mảnh đất Vạn Ninh hẳn nhiên không thể thiếu món chả cá Vạn Giã đã làm nên tên tuổi. Nông dân địa phương này còn gửi đến phiên chợ những trái dừa sim vùng đất Tuần Lễ ngọt lành nức tiếng cả nước, hay những loại nông sản đang dần trở thành ngành mũi nhọn như: tỏi sẻ Vạn Hưng, dưa lê Vạn Bình...

 

Một gian hàng tại phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017
Một gian hàng tại phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017


Nông dân thị xã Ninh Hòa mang đến phiên chợ gần 20 ngành hàng, sản phẩm đã tạo nên “hồn cốt” của địa phương mình. Trong đó, không thể thiếu món nem Ninh Hòa đã nổi tiếng từ rất lâu đời, và các nông sản như: rong nho, ớt cay, nấm, hạt sen, các loại rau sạch…


Ngược lên miền núi xa xôi, gian hàng của người nông dân Khánh Sơn đầy ắp những cây mía tím, những trái mít nghệ, sầu riêng thơm lừng mùi hương đặc trưng. Không gian của nông sản huyện miền núi này còn được điểm tô bởi hàng trăm trái thơm mảy đều màu xanh pha vàng, những buồng chuối dạ hương ngạt ngào một góc... Đang tỉ mẩn lau sạch những cây mía tím, ông Mai Trọng Tâm, nông dân xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn hồ hởi: “Nói thật, mình chỉ quen với núi rừng, lần đầu tiên mang nông sản về phố, cảm giác hồi hộp lắm!. Nhà mình có mía tím, mít nghệ, hồ tiêu. Đây là những mặt hàng ngon nhất mà mình mang về Nha Trang. Mong là sẽ được nhiều người biết đến”.

 


Điều dễ nhận thấy đó là trong 8 huyện, thị xã, thành phố tham gia phiên chợ nông sản, hầu như các mặt hàng ít có sự trùng lặp. Mỗi địa phương đều chọn cho mình những sản phẩm thế mạnh và đặc trưng nhất. Nông dân Khánh Vĩnh không thể bỏ lỡ cơ hội khoe những trái bưởi da xanh to tròn, căng mọng, loại cây trồng đã và đang khẳng định ưu thế rất tốt trên mảnh đất bán sơn địa này. Họ còn trình làng “đặc sản” gạo lúa rẫy ít người biết đến, rồi món rau rừng (rau rịa) đang được nhiều thực khách ưa thích.


Kỳ vọng mới


Đang sắp xếp những buồng dừa trĩu quả, ông Nguyễn Anh Tư, nông dân phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa cho biết: “Tuy dừa xiêm Ninh Đa là thương hiệu được nhiều người dân trong tỉnh biết đến, nhưng với du khách ngoại tỉnh và quốc tế dường như vẫn còn xa lạ. Đến phiên chợ nông sản, thực khách sẽ được thưởng thức món dừa xiêm Ninh Đa để cảm nhận chất lượng của nó. Cũng là một cách hay để khẳng định thương hiệu của mình”.

 

Còn với ông Mai Trọng Tâm, phiên chợ nông sản chính là nấc thang mới trong quá trình sản xuất nông nghiệp của ông cũng như bà con nông dân huyện Khánh Sơn. “Lâu nay chúng tôi hầu như chỉ biết cặm cụi trồng trọt, chăm cây, lo phân, lo nước. Đến mùa thu hoạch, các lái buôn đến họ nói bao nhiêu thì mình biết bấy nhiêu. Nhà trồng được mấy sào mía tím nhưng toàn đợi người ta đến mua. Năm nào nhiều người trồng mía thì giá mía thấp và ngược lại. Trồng cây mà như chơi xổ số để rồi cuối cùng phần thua thiệt thường rơi về phía nông dân”, ông Tâm chia sẻ. Cũng theo ông Tâm, nông dân bây giờ không chỉ phải giỏi về kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm về cây trồng, mà còn phải biết xoay xở tìm đầu ra ổn định. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm, đến với phiên chợ lần này, nông dân còn hy vọng vào chương trình kết nối cung cầu, bởi ở đó có thể họ sẽ tìm kiếm được cho mình cơ hội hợp tác cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ.


Chính vì thế, ngay giữa phố biển Nha Trang, hàng trăm loại nông sản đặc trưng của các địa phương có dịp trưng bày, mang theo đó là cả nỗi niềm của người nông dân chất phác, mong mỏi đem những sản phẩm nông nghiệp đến gần người tiêu dùng hơn. Hẳn nhiên đó phải là những sản phẩm chất lượng, an toàn. Theo  bà Lê Thị Hòa Khánh, nông dân làm rau sạch ở thôn Văn Định, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa: “Xưa nay, nông dân chỉ quen làm theo kiểu truyền thống. Hàng được sản xuất ra, đem ra chợ quê bán theo mớ hoặc đợi tư thương đến mua, rất nhỏ lẻ và thụ động. Vì thế, các hộ trồng rau theo cách này hầu như chỉ đủ ăn, khó có thể làm giàu. Hiện nay đã khác, từ chỗ mạnh ai nấy làm, người trồng rau ở Ninh Đông đã liên kết lại với nhau, thành lập hợp tác xã, trồng rau theo chuẩn VietGAP. Đầu ra cũng đã được tính toán kỹ lưỡng hơn, có sự kết nối với đơn vị tiêu thụ. Thu nhập của các xã viên vì thế cũng ổn định và cao hơn so với trước”.

 

Bưởi da xanh và rau rừng là đặc trưng của nông sản Khánh Vĩnh tại phiên chợ

Bưởi da xanh và rau rừng là đặc trưng của nông sản Khánh Vĩnh tại phiên chợ

 

Nâng tầm nông sản


Với quy mô 84 gian hàng, phiên chợ là nơi hội tụ các sản phẩm: nông, lâm, thủy, hải sản, du lịch, ẩm thực, hạt giống, cây giống, thực phẩm sạch an toàn, hoa cây cảnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề truyền thống... đặc trưng Khánh Hòa. Cùng với đó, nông sản Khánh Hòa còn được “giao lưu” với các sản phẩm rau củ đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng, cà phê, hồ tiêu của Đắk Lắk, rồi những chùm nho căng mọng nhiều màu sắc và các sản phẩm làm từ nho của Ninh Thuận, hay như trái thanh long nhiều chủng loại của Bình Thuận.


Dạo một vòng quanh phiên chợ, nếu được hỏi ấn tượng về điều gì nhất, nhiều người hẳn sẽ trả lời đó chính là hình tròn màu xanh nhạt của chiếc tem VietGAP, chứng nhận cho sản phẩm nông sản đó được sản xuất dựa trên quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trên khắp các gian hàng, hình ảnh tem VietGAP dường như là sắc màu chủ đạo, tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức này.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Phiên chợ nông sản tỉnh Khánh Hòa năm 2017 là cơ hội để quảng bá, đưa sản phẩm của nông dân đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Qua đây góp phần tạo thói quen mua sắm, sử dụng sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Phiên chợ giúp người tiêu dùng tiếp cận được nông sản an toàn, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và sức khỏe khi sử dụng sản phẩm, nhận biết được nguồn gốc sản phẩm; góp phần quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản tỉnh Khánh Hòa.

Theo Ban tổ chức, song hành với phiên chợ, hội thảo kết nối cung cầu cũng được tổ chức tại TTC Hotel Premium - Michelia. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đơn vị chủ trì phiên chợ cho biết: “Mặc dù những năm qua, hoạt động kết nối cung cầu đã được chú trọng, đẩy mạnh, nhưng cũng giống như nhiều địa phương khác, vấn đề tiêu thụ nông sản của các hộ nông dân Khánh Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các sản phẩm nông sản chủ yếu được tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua thương lái, thiếu ổn định, nông dân không làm chủ được giá bán. Điều đáng mừng là những năm gần đây, hoạt động chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn đã manh nha phát triển và dần trở thành hướng chủ lực. Các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGap ngày một nhiều thêm. Dù vậy, thực tế không ít nông dân vẫn đang từng ngày đối mặt với quy luật được mùa rớt giá và ngược lại. Bởi thế, cùng với ý nghĩa, mục đích của mình, phiên chợ nông sản còn là nhịp cầu kết nối giao thương, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ nông sản; tìm kiếm giải pháp trong việc hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản”.


Ở một khía cạnh khác, 84 gian hàng của những hộ nông dân sản xuất tiêu biểu, của hàng chục doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp… cũng là một hình ảnh đẹp, là điểm kết nối đặc biệt, giúp người dân tiếp cận được nhiều sản phẩm nông sản sạch. Hy vọng sẽ có thêm nhiều phiên chợ như thế để người dân được tiếp cận nhiều hơn với nông sản của các vùng miền, giúp nông dân tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, có thêm động lực sản xuất, làm giàu từ nghề nông…


HỒNG ĐĂNG - ĐÌNH LÂM


 

Thông tin về phiên chợ:


Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017 diễn ra từ ngày 30-6 đến ngày 3-7, có 84 gian hàng. Trong đó có 65 gian hàng nông sản là các loại trái cây, rau, củ, quả, hạt… của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, phiên chợ còn có sự tham gia các mặt hàng nông sản đặc trưng của các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận. Phiên chợ còn có chương trình nhạc cụ dân tộc được tổ chức hàng đêm.