05:05, 17/05/2017

Khổ vì nhà thấp hơn đường

Nhiều nhà dân ở dọc đường Phong Châu (TP. Nha Trang) vừa lo lắng vì nhà nứt vừa khổ vì nhà thấp hơn mặt đường cả mét làm mọi sinh hoạt đều khó khăn.

Nhiều nhà dân ở dọc đường Phong Châu (TP. Nha Trang) vừa lo lắng vì nhà nứt vừa khổ vì nhà thấp hơn mặt đường cả mét làm mọi sinh hoạt đều khó khăn. Đến nay, phần lớn các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nứt nhà và chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn thiết kế đang tìm giải pháp khắc phục việc nền đường cao hơn nhiều nhà dân.


Đường cao hơn nền nhà


Hiện nay, nhà bà Ngô Thị Thanh Tú (36 Phong Châu, tổ 2 Phước An Bắc, Phước Hải) thấp hơn so với mặt đường Phong Châu gần 1,5m nên gia đình bà như sống trong lòng đất. Để từ nhà lên được mặt đường, gia đình bà phải xây tạm mấy bậc thang, xe máy không thể dắt vào nhà được. Dẫn chúng tôi xuống nhà, bà Tú chỉ những vết nứt lớn từ nền nhà lên tận nóc than thở: “Trước nhà tôi làm móng đến 7 lớp đá, cao hơn mặt đường nhưng giờ thấp thế này, trời mưa là nước dâng lên đến khổ. Gia đình tôi đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ nứt nhà hơn 61 triệu đồng từ đơn vị bảo hiểm đường Phong Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư VCN, nhưng với hoàn cảnh gia đình khó có thể xây sửa lại nhà. Vì thế, chúng tôi mong được hỗ trợ kinh phí để nâng nền cao bằng so với mặt đường”.

 

Nhà bà Ngô Thị Thanh Tú rất thấp so với mặt đường.
Nhà bà Ngô Thị Thanh Tú rất thấp so với mặt đường.

 

Cách đó không xa, nhà bà Trương Thị Thanh Hương cũng điêu đứng khi ngôi nhà thấp hơn 1m so với mặt đường. Bà Hương đành phải bỏ tiền làm tạm mấy bậc cầu thang vào nhà và khoảng sân vừa để xe, vừa để nước không vào nhà. Bên trong nhà bà cũng đầy vết nứt, có những vết nứt có thể nhét cả bàn tay, nhìn xuyên được cả ra bên ngoài. Bà Hương kể: “Nhà tôi được bồi thường nứt nhà hơn 34,8 triệu đồng. Kêu thợ tới sửa họ cũng không dám làm vì sợ động đến là hỏng hết. Giờ sửa không được mà xây lại thì không có tiền. Nhà ở khu vực này chưa có sổ đỏ nên không thể thế chấp để vay tiền ngân hàng, trong khi lương hưu của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Nguyện vọng của chúng tôi là được hỗ trợ để nâng nền nhà”.

 
Nhà bà Trương Thị Thanh Hương phải xây bậc thang để vào nhà.
Nhà bà Trương Thị Thanh Hương phải xây bậc thang để vào nhà.

 

Những vết nứt toang hoác ở nhà bà Trương Thị Thanh Hương.
Những vết nứt toang hoác ở nhà bà Trương Thị Thanh Hương.


Cùng chung cảnh ngộ là gia đình ông bà Nguyễn Sinh và Trương Thị Rồi (19A đường Phong Châu), nhà thấp hơn mặt đường 1,8m, phải xây tạm nhiều bậc thang để đi lại. Ông Sinh tâm sự: “Gia đình tôi ở đây đã gần 20 năm, đã chịu đủ khổ khi trời mưa thì ngập lụt, trời nắng thì bụi mù. Vì thế, khi đường được mở rộng, thảm nhựa, giá trị nhà đất tăng lên tôi rất mừng. Nhưng bây giờ nỗi khổ lớn nhất là nhà quá thấp so với đường. Vợ chồng tôi già rồi, tôi lại bị bệnh gút nên mỗi lần leo lên leo xuống đều khó khăn. Những nhà kinh tế khá đã xây lại cao bằng so với mặt đường, chúng tôi chưa có điều kiện nên trước mắt đành chấp nhận ở như vậy”.

 

1

Nhà ông Nguyễn Sinh thấp hơn mặt đường đến 1,8m nên đi lại khó khăn.

 

Nhà bà Lê Thị Thành Tín (50 Phong Châu) hiện nằm phía dưới cầu qua sông Quán Trường. Ngôi nhà bà Tín xây từ năm 1998 thấp hơn 1,9m so với mặt đường. Năm 2016, mưa xuống nước bên ngoài không tràn vào nhưng nước ở dưới lại dâng lên 5 lần. Bà Tín cho biết: “Nhà quá thấp không đi lên được nên tôi phải bò lên. Xe phải gửi nhờ nhà hàng xóm. Các trụ nhà bị nứt ngang, sắp sụp nên tôi buộc phải xây nhà. Trong khi các hộ ở những khu vực khác được hưởng lợi khi làm đường Phong Châu thì những hộ ở dưới cầu như chúng tôi thiệt thòi do bị ảnh hưởng nhiều từ xây cầu. Hầu hết các hộ đều chưa có sổ đỏ, không thể thế chấp vay tiền ngân hàng nên xây lại nhà rất khó khăn. Người dân chúng tôi có chung nguyện vọng được tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nâng nền, giảm bớt phần nào gánh nặng làm lại nhà”…

 

Hỗ trợ người dân

 

Theo đại diện Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, chủ đầu tư dự án đường Phong Châu, có 3 đơn vị cùng chịu trách nhiệm chi trả hỗ trợ các hộ bị nứt nhà là Công ty Bảo hiểm Bưu điện (đơn vị bảo hiểm dự án đường Phong Châu) và 2 đơn vị có dự án ở khu vực này là Công ty Bất động sản Hà Quang, Công ty Cổ phần Đầu tư VCN. Tổng kinh phí chi trả hỗ trợ gần 1,6 tỷ đồng, trong đó, Công ty Bảo hiểm Bưu điện hơn 1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư VCN gần 462 triệu đồng và Công ty Bất động sản Hà Quang hơn 71 triệu đồng. Ngày 28-4, BQLDA đã phối hợp với các công ty chi trả tiền cho các hộ. Đến nay, đã có 37/47 hộ dân phường Phước Hải và 29 hộ dân xã Vĩnh Thái đã nhận tiền hỗ trợ. BQLDA đã nhận thêm 12 đơn phản ánh nứt nhà của người dân xã Vĩnh Thái. Ngay sau khi nhận đơn, BQLDA đã gửi Công ty Bảo hiểm Bưu điện đề nghị kiểm tra. Sau khi có kết quả cụ thể và Công ty bảo hiểm chuyển tiền, BQLDA sẽ tiến hành chi trả cho các hộ.

 

Người dân phải bắc cầu để vào nhà
Người dân phải bắc cầu để vào nhà


Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay, nhiều nhà dân gặp khó khăn trong sinh hoạt, đi lại do mặt đường quá cao so với nhà và BQLDA đang tìm hướng khắc phục. “Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế tính toán sao cho có đường thoát nước, có đường cho người dân vào nhà. Người dân trong khu vực cũng có yêu cầu tự nâng nền, sửa chữa nhà và sau này có chế độ chính sách đền bù thỏa đáng nhưng vướng quy hoạch Khu trung tâm hành chính tỉnh. BQLDA sẽ rà soát và có văn bản kiến nghị UBND TP. Nha Trang đáp ứng nguyện vọng của người dân”, ông Sơn nói.


N.D

 

Dự án đường Phong Châu do BQLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 753 tỷ đồng; chiều dài toàn tuyến gần 2,6km đi qua địa bàn phường Phước Hải và xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang); tuyến đường có 2 cầu Sông Tắc và Quán Trường. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành cuối năm 2017.