05:05, 10/05/2017

Cơ sở sản xuất nước mắm trong nội thị: Bao giờ di dời?

Qua nhìn nhận của các cơ quan có thẩm quyền, một trong những khó khăn mà TP. Nha Trang đang gặp phải đó là việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thị, trong đó có các cơ sở sản xuất nước mắm. 

Qua nhìn nhận của các cơ quan có thẩm quyền, một trong những khó khăn mà TP. Nha Trang đang gặp phải đó là việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thị, trong đó có các cơ sở sản xuất nước mắm. Tuy nhiên, điều đáng nói nguyên nhân của sự việc này dường như không nằm ở các doanh nghiệp nước mắm cũng như người dân.


Người dân và doanh nghiệp đều muốn dời


Theo ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, qua những lần tiếp xúc với các cơ sở sản xuất nước mắm ở 2 phường Vĩnh Trường và Phước Long, TP. Nha Trang, hầu hết các doanh nghiệp đều có nguyện vọng sớm được di dời ra khỏi khu dân cư. Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, một đơn vị sản xuất, chế biến nước mắm thuộc diện lớn nhất Khánh Hòa cho rằng: “Mặc dù ở vị trí hiện tại gần cảng cá, thuận lợi về nguồn nguyên liệu, giao thương, nhưng khi Nhà nước có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất nước mắm tập trung của TP. Nha Trang, chúng tôi rất ủng hộ. Bởi khi vào khu tập trung, cũng là cơ hội để doanh nghiệp chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng tốt hơn nữa các quy định về môi trường”.

 


Đại diện một cơ sở sản xuất nước mắm khá lớn ở Vĩnh Trường cũng chung quan điểm. “Chúng tôi đã tồn tại nơi đây từ rất lâu, từ đời này qua đời khác. Nhưng cùng với sự phát triển về kinh tế, dân cư ngày một đông đúc, quá trình sản xuất nước mắm khó tránh khỏi phát tán mùi khó chịu ra khu vực xung quanh. Vì thế, chúng tôi đang cần có sự trợ lực của Nhà nước, cả về địa điểm di dời lẫn chính sách hỗ trợ di dời”, chủ cơ sở này cho hay.


Theo Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, hình thành khu sản xuất nước mắm tập trung không chỉ giải quyết được vấn đề môi trường, còn là cơ hội cho các cơ sở sản xuất nước mắm mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cấp về quy mô sản xuất. Qua đó, giảm thiểu và kiểm soát được những tác động đến môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất liên kết với nhau cùng phát triển.


Về phía người dân của các  phường Vĩnh Trường và Phước Long, trong hàng chục năm qua, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, các lần phản ánh đến UBND phường, đều bày tỏ nguyện vọng các cơ sở sản xuất nước mắm sớm di dời ra khỏi khu dân cư. Những hệ lụy về môi trường cũng như tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân sinh sống lân cận các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm có lẽ là điều ai cũng có thể hình dung được. Nhưng rồi chủ trương di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư nhiều năm nay vẫn đang rơi vào bế tắc.


Chưa tìm được vị trí thích hợp


Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, trên cơ sở Đề án “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại khu vực nội thị xã, thị trấn, thành phố, khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp và vùng phụ cận”, được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2011, UBND TP. Nha Trang đã tiến hành kiểm tra, rà soát và xác định TP. Nha Trang có 78 cơ sở cần phải di dời. Trong đó, bao gồm 46 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, 6 cơ sở chế biến thủy sản và 26 cơ sở sản xuất nước mắm. Tuy nhiên hiện nay, quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn thành phố đã được lấp đầy. Trong khi đó, công tác triển khai đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch mới diễn ra quá chậm.

 

Một cơ sở sản xuất nước mắm tại TP. Nha Trang

Một cơ sở sản xuất nước mắm tại TP. Nha Trang


Hiện nay 46 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã định hình được địa điểm tập trung tại Trảng É, Phước Đồng, 6 cơ sở chế biến thủy sản được định hướng di dời vào các khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp Suối Dầu, Khu công nghiệp Ninh Thủy và Cụm công nghiệp Trảng É, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được khu vực thích hợp cho các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm của Nha Trang. Theo tính toán, khu vực tập trung sản xuất nước mắm của TP. Nha Trang phải nằm ở vị trí thích hợp, chẳng hạn như: xa khu dân cư, được quy hoạch là khu vực sản xuất nhạy cảm với môi trường, không quá xa các cảng để tiếp nhận nguyên liệu sản xuất nước mắm… Tuy nhiên, để đáp ứng được các đòi hỏi này là điều không hề dễ dàng, nên quá trình tìm kiếm địa điểm phải kéo dài.


Được biết, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi nội thành, đưa về sản xuất tập trung đã được đặt ra cách đây hơn 10 năm. Nhưng rồi các địa điểm đầu tư như: khu vực Bắc Hòn Ông (Phước Đồng); phía bắc sông Quán Trường (Phước Đồng) với nhiều lý do khác nhau đều không thực hiện được. Mới đây nhất, phương án đưa các cơ sở sản xuất nước mắm Nha Trang vào Cụm công nghiệp Trảng É nằm trên Tỉnh lộ 3, thuộc địa bàn huyện Cam Lâm đã được đề cập. Vì nơi đây được quy hoạch thành một vùng tập trung của các cơ sở sản xuất nhạy cảm với môi trường, không gần khu dân cư và cũng không quá xa so với Cảng cá Hòn Rớ. Tuy nhiên, phương án này hiện nay đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số doanh nghiệp được phân bổ về khu vực này vẫn chưa đồng tình với việc “sống chung” với hoạt động sản xuất nước mắm.


Trong buổi làm việc giữa HĐND tỉnh và UBND tỉnh mới đây về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ông Lê Xuân Thân nhấn mạnh: “Hoạt động sản xuất, chế biến nước mắm trong khu dân cư đông đúc, ngay nội thành Nha Trang đã và đang để lại nhiều vấn đề cả về môi trường lẫn dân sinh. Không phải đến bây giờ, mà cả người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều bày tỏ nguyện vọng di dời đến địa điểm thích hợp hơn. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sớm giải quyết vấn đề này”. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan tham mưu phải hoàn thành việc xác định địa điểm di dời đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm ở Nha Trang trong năm 2017.


H.Đ