11:05, 02/05/2017

Cát lậu dưới chân núi Hàm Rồng

Tình trạng khai thác cát trái phép dọc con suối dưới chân núi Hàm Rồng (thuộc địa bàn xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) diễn ra dai dẳng nhiều năm qua và chưa bao giờ bớt nóng. 

Tình trạng khai thác cát trái phép dọc con suối dưới chân núi Hàm Rồng (thuộc địa bàn xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) diễn ra dai dẳng nhiều năm qua và chưa bao giờ bớt nóng. Tình trạng này không chỉ là nguyên nhân gây sạt lở đất canh tác mà còn biến con suối dồi dào nước trở nên ô nhiễm...


Rầm rộ khai thác


Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi bám theo những chiếc xe tải từ con đường liên xã, qua đường số 8A để đến làng đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh - địa bàn hoạt động của nhiều đối tượng khai thác cát trái phép suốt những năm qua. Cùng vất vả vượt qua vài km đường bị cày nát, chúng tôi được người dân dẫn đường cho biết: “Con đường này dẫn vào làng đồng bào dân tộc thiểu số và khu sản xuất nên từ lâu đã được đầu tư bê tông hóa, nhưng do xe chở cát cày liên tục nên mới xuống cấp thế này”. Tuy còn cách khu vực khai thác cát trái phép khá xa, nhưng chúng tôi đã nghe tiếng máy bơm, máy xúc cát, tiếng xe tải rồ ga chở cát vượt dốc…

 

Đứng trên khu vực phía sau nhà dân nhìn xuống dòng suối dưới chân núi Hàm Rồng, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chiếc máy xúc đang gom cát thành đống hay phóng đường ngược lên núi để mở rộng quy mô khai thác và nhiều nhóm người đang bơm, xúc cát lên xe tải. Theo quan sát của chúng tôi, cách thức các đối tượng khai thác cát ở khu vực này áp dụng gồm hai công đoạn. Đầu tiên, họ dùng máy bơm áp lực lớn bơm nước từ suối xịt thẳng vào sườn đồi làm cho đất, cát sạt lở và trôi xuống suối. Tiếp đến, họ lại dùng máy bơm hút cát từ suối lên tập kết bên bờ suối để chở đi tiêu thụ.

 

Hoạt động khai thác cát trái phép công khai
Hoạt động khai thác cát trái phép công khai


Trong vai những người tìm mua cát với khối lượng lớn, chúng tôi tiếp cận hai người đàn ông đang bơm cát từ suối lên bờ. Thấy người lạ xuất hiện, họ vội vàng buông vòi bơm tính rời khỏi hiện trường. Nhưng khi nghe chúng tôi nói tìm mua cát, một người trong số họ lại tiếp tục bơm cát. “Cát ở đây trữ lượng ít lại xen lẫn trong đất nên khai thác rất khó; bình quân mỗi ngày, anh em tôi chỉ khai thác được khoảng 30m3. Nhưng các ông muốn mua khối lượng lớn vẫn có, vì ở đây nhiều người khai thác cát lắm!. Có điều tôi nói trước, ở đây, họ đều độn cát biển với cát khai thác tại bãi, các ông đừng ham rẻ mà mua loại đó kẻo làm hỏng cả công trình đấy!”, một người nói với chúng tôi.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thôn Quảng Phúc có không dưới 10 điểm khai thác cát trái phép, tập trung nhiều nhất ở đoạn suối chảy qua phía sau làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, như lời người đàn ông nọ cảnh báo, một số chủ bãi nơi đây sử dụng “chiêu độc” là chở cát biển đến đổ xuống suối nơi khu vực khai thác, sau đó bơm lẫn lên với cát đồi tập kết trên bãi để tăng khối lượng khai thác, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận!.


“Khai tử” dòng suối mát


Men dọc con suối nói trên qua các điểm khai thác cát trái phép, chúng tôi thấy có rất nhiều điểm sạt lở đất do hình thức bơm cát này gây nên. Dòng suối bị chắn dòng theo từng đoạn để chứa đất, cát từ trên đồi trôi xuống và cũng là nơi để bơm cát lên bãi tập kết; nhiều đoạn bị bồi lấp và biến đổi dòng chảy, nguồn nước luôn có màu nâu đỏ bởi phù sa bị hòa tan trong quá trình rửa cát. Chính vì vậy, từ lâu người dân địa phương không dám bơm nước từ con suối này để tưới cây. “Trước đây, dòng suối này nước trong và mát lắm, người dân trong làng hay ra suối tắm và lấy nước về dùng. Nhưng mấy năm rồi họ khai thác cát nhiều quá làm cho con suối này nước cạn và đục lắm, làng mình không dám sử dụng nữa”, một người dân ở gần con suối cho biết. Không chỉ nguồn nước mặt của dòng suối bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát trái phép, mà ngay cả cái giếng làng được đào gần bờ suối để phục vụ sinh hoạt cho người dân nơi đây cũng bị ô nhiễm, nước luôn có màu nâu đỏ, không thể sử dụng nhiều năm qua.  

 

Các đối tượng sử dụng cả máy xúc để khai thác rầm rộ

Các đối tượng sử dụng cả máy xúc để khai thác rầm rộ


Khó xử lý

 

Ông Trần Tính - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh: Việc xử lý hoạt động khai thác cát trái phép ở thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam gặp không ít khó khăn do các đối tượng bố trí nhiều tai mắt cảnh giới. Đã nhiều lần chúng tôi phối hợp với lực lượng của địa phương xã tuần tra nhưng đều bị lộ. Vì thế, đã nhiều lần chúng tôi phải tiến hành kiểm tra độc lập và đích thân tôi đến hiện trường bằng đường vòng và đã bắt, xử lý được một số trường hợp.

Theo ông Lê Xuân Nam - Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Nam, tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực nói trên đã diễn ra từ lâu. Địa phương đã rất nỗ lực trong việc xử lý, nhưng cũng chỉ tạm lắng được một thời gian rồi bùng phát trở lại. “Chúng tôi đã sử dụng rất nhiều giải pháp để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực này, như ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã đề ra kế hoạch cụ thể, xử lý kiên quyết kết hợp tuyên truyền vận động các chủ phương tiện trên địa bàn không khai thác, vận chuyển cát trái phép… Đồng thời, củng cố tổ tuần tra, sử dụng cả lực lượng quân sự, dân quân địa phương tham gia truy quét nên tình trạng này có giảm. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay lại có biểu hiện gia tăng”, ông Nam nói.


Theo thống kê của địa phương này, năm 2015, đã xử lý hơn 10 vụ; từ năm 2016 đến nay, xử lý 5 vụ khai thác cát trái phép ở khu vực nói trên. Trong đó, UBND xã xử phạt vi phạm hành chính mỗi trường hợp 4 triệu đồng, và đề nghị UBND thành phố xử phạt 1 trường hợp, với mức phạt là 16 triệu đồng về hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Ông Nam cũng cho biết thêm, các đối tượng khai thác cát trái phép bố trí người cảnh giới ngay khu vực trước UBND xã và đầu các con đường dẫn vào khu vực khai thác nên việc bắt quả tang tình trạng khai thác trái phép gặp không ít khó khăn.


NHÓM P.V