05:04, 12/04/2017

Trăn trở nghề cấp dưỡng, bảo mẫu

Các trường tiểu học tổ chức bán trú đều rất cần những người làm cấp dưỡng, bảo mẫu. Thế nhưng, những quy định hiện nay đã khiến những người làm nghề này không có chức danh chính thức, thu nhập rất thấp mà vai trò tại nơi làm việc cũng không được coi trọng.

Các trường tiểu học tổ chức bán trú đều rất cần những người làm cấp dưỡng, bảo mẫu. Thế nhưng, những quy định hiện nay đã khiến những người làm nghề này không có chức danh chính thức, thu nhập rất thấp mà vai trò tại nơi làm việc cũng không được coi trọng.


Những bà mẹ ở trường


6 giờ 30 sáng, khi học sinh (HS) đến lớp cũng là lúc cô Tôn Nữ Hoàng Mai - bếp trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang cùng các đồng nghiệp có mặt tại trường để nấu ăn phục vụ bữa trưa cho HS bán trú. Trường có hơn 1.100 HS, trong đó có hơn 900 HS đăng ký bán trú nhưng tổ cấp dưỡng chỉ có 5 người nên công việc rất vất vả. “Mỗi ngày chúng tôi làm từ 6 giờ đến khoảng hơn 13 giờ chiều mới xong việc. Ngoài việc nấu ăn, chia cơm cho các lớp, bộ phận cấp dưỡng còn phải rửa sạch toàn bộ dụng cụ, chén muỗng của HS để chuẩn bị cho ngày hôm sau”, cô Mai cho biết.

 

Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến ăn trưa tại trường
Học sinh Trường Tiểu học Phước Tiến ăn trưa tại trường


Ít vất vả hơn, giờ làm của các cô bảo mẫu thường từ 9 đến 13 giờ hàng ngày. Công việc của các bảo mẫu tuần tự: xuống nhà ăn mang chén, thìa, dụng cụ đựng thức ăn lên để phía ngoài các lớp học. Khi các cấp dưỡng chia thức ăn xong, các cô bảo mẫu dùng xe đẩy vận chuyển phần ăn về các lớp. Sau giờ học buổi sáng, các bảo mẫu sắp xếp bàn ghế, chia cơm cho HS ăn trưa; nhắc các em đi vệ sinh răng miệng; chuẩn bị chăn gối cho các em ngủ trưa. Khi các em đi ngủ, các cô mới tranh thủ ăn cơm trưa ngay hành lang lớp học… rồi lại thu dọn, mang dụng cụ ăn uống xuống nhà bếp. Nhìn bảo mẫu ân cần nhắc nhở HS ăn cơm, vệ sinh… không khỏi nhớ đến những bà mẹ đông con ngày trước, hiểu hết tính cách của các cháu. “Ngày trước, tôi thích nghề giáo nhưng thi không đỗ nên sau này, tôi xin làm bảo mẫu ở trường này. Tôi làm nghề này đã 11 năm nên rất có kinh nghiệm. Chỉ cần 1 tuần là tôi nhớ hết tên HS trong lớp, em nào ăn ít hay ăn nhiều, thích ít canh hay nhiều canh…”, bảo mẫu Nguyễn Trần Phương Thảo cho biết.


“Bèo” như lương bảo mẫu, cấp dưỡng


Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2016 - 2017, chỉ tính riêng hệ tiểu học, toàn tỉnh có 217 cấp dưỡng, 683 bảo mẫu; trong đó, TP. Nha Trang có 85 cấp dưỡng, 354 bảo mẫu. Vai trò của đội ngũ bảo mẫu và cấp dưỡng ở các trường tiểu học khá quan trọng, nhưng đến nay, ngành GD vẫn xem đây là công việc ngắn hạn nên chỉ ký hợp đồng có tính thời vụ, lương trả cho những người làm bảo mẫu và cấp dưỡng khá thấp. Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn Nha Trang thống nhất mức chi trả cho bảo mẫu là 1,4 triệu đồng/tháng; với người làm cấp dưỡng thì tùy vào số lượng HS bán trú để chi trả, trong đó cao nhất là 2,1 triệu đồng/tháng dành cho bếp trưởng ở những trường có 1.000 HS bán trú trở lên.

 

Bảo mẫu dùng xe đẩy vận chuyển đồ ăn về các lớp
Bảo mẫu dùng xe đẩy vận chuyển đồ ăn về các lớp

 
Qua tìm hiểu, các trường tiểu học Lộc Thọ và Phước Tiến trả lương cho người làm cấp dưỡng trưởng (bếp trưởng) là 2,1 triệu đồng/tháng, trường tiểu học Xương Huân 1 và Vĩnh Phước 1 khoảng 1,8 triệu đồng/tháng; lương bảo mẫu và phụ bếp khoảng 1,4 đến 1,6 triệu đồng/tháng… Mức lương này khá thấp nên hầu hết bảo mẫu đều phải làm thêm những công việc khác để kiếm sống. “Ngoài việc làm nghề bảo mẫu, tôi còn nhận đặt hàng nấu đồ ăn để kiếm thêm thu nhập”, bảo mẫu Mai Thị Vân Hài (Trường Tiểu học Phước Tiến) cho biết.


Theo ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có các trường tiểu học ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cùng các trường tiểu học: Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh), Khánh Hòa - JeJu, Sơn Tân (huyện Cam Lâm) được giao nhiệm vụ tổ chức ăn trưa, bán trú cho HS đồng bào dân tộc thiểu số (Nhà nước chịu kinh phí), còn lại việc tổ chức bán trú ở các trường tiểu học là do thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Đến nay, những người làm cấp dưỡng, bảo mẫu vẫn chưa có chức danh chính thức, chưa có quy chuẩn tuyển dụng; mức lương chi trả do các trường tự tính toán. Cô Phạm Thị Lê - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 (TP. Nha Trang) cho biết: “Theo quy định hiện hành, việc tổ chức bán trú là xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh HS. Mức thu phí bán trú đối với HS phụ thuộc vào số lượng HS từng trường để cân đối đủ chi lương cho đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu, đối tượng làm công tác quản lý..., thường dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/HS/tháng theo quy định của Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang. Mức lương thấp của đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu hiện nay là điều mà chúng tôi rất trăn trở...”.

 

Chuẩn bị gối cho học sinh ngủ trưa
Chuẩn bị gối cho học sinh ngủ trưa


Việc chi trả lương thấp khiến việc tuyển dụng cấp dưỡng, bảo mẫu ở các trường tiểu học rất khó khăn. Người làm bảo mẫu, cấp dưỡng thường xuyên nghỉ việc trong khi công việc này lại cần những người có kinh nghiệm. “Thu nhập của bảo mẫu, cấp dưỡng quá thấp, chẳng có chế độ ưu đãi gì nên các trường cứ đi theo vòng luẩn quẩn. Hè bảo mẫu không có lương, phải đi tìm việc khác; đầu năm học trường lo tuyển người mới, rồi đến hè lại bỏ việc. Tôi biết có những trường cứ mỗi năm học mới là gần như thay mới đội bảo mẫu”, ông Hà Văn Thông bày tỏ. “Để giữ được người làm, tôi phải dùng tình cảm, sự quan tâm động viên đối với họ. Nhiều khi tôi phải bỏ tiền túi để tổ chức cho các cô ăn uống, tạo sự gắn kết…”, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến cho biết.


Cần một cái nhìn khác


Thực tế cho thấy, hiện nay, ngành GD luôn cần đến một lượng lớn người lao động làm nghề cấp dưỡng, bảo mẫu. Thế nhưng, đến nay, trong cơ cấu của ngành GD, công việc này vẫn chưa được “chính danh”, chưa có một trường nào đào tạo về nghề bảo mẫu. Năm 2013, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chấn chỉnh việc tổ chức bán trú, trong đó yêu cầu việc tuyển cấp dưỡng và bảo mẫu phải là những người có tinh thần trách nhiệm, yêu trẻ; bếp trưởng (cấp dưỡng) phải có kinh nghiệm, kiến thức về dinh dưỡng để phối hợp với nhà trường xây dựng khẩu phần ăn khoa học, đảm bảo dinh dưỡng cho HS. Riêng đối với trường mầm non, bếp trưởng phải có chứng chỉ nghề nấu ăn… Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyển dụng cấp dưỡng, bảo mẫu ở các trường khá tự phát; việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng ở các trường cũng hãn hữu.   


Hiện tại, ở các trường tiểu học, người làm cấp dưỡng, bảo mẫu chỉ được xem như “nhân vật phụ”, không được tham gia các sự kiện, lễ lạt của trường. “Chúng tôi đề nghị Hội Phụ huynh nên quan tâm đến đội ngũ cấp dưỡng, bảo mẫu nhưng cũng bị gạt đi”, một hiệu trưởng cho biết.   Chính vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là việc tăng lương cho những người làm nghề cấp dưỡng, bảo mẫu mà cần phải thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của những người này đối với sự nghiệp GD. “Vai trò của bảo mẫu trong trường học rất quan trọng. Họ không chỉ là người lo chuyện ăn, uống, ngủ nghỉ của HS mà còn rèn kỹ năng tự phục vụ, văn hóa ăn uống, xếp hàng… trong phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, không chỉ cần có những chính sách cải thiện cuộc sống, bảo mẫu còn xứng đáng được xã hội tôn vinh”, ông Hà Văn Thông bày tỏ.


Trước tình trạng khó khăn về việc tuyển dụng người làm cấp dưỡng (nhất là ở hệ mầm non), Sở GD-ĐT đã đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đang phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng phương án hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người kể từ tháng 1-2017 cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng (được ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68 năm 2000 của Chính phủ) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, với phương án này, chỉ có những người làm lâu năm ở các trường mầm non mới được hỗ trợ, những người làm cấp dưỡng ở các trường tiểu học (chủ yếu là hợp đồng ngắn hạn) và đội ngũ bảo mẫu vẫn chưa có hướng hỗ trợ. Đề cập vấn đề này, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa bày tỏ: “Cần phải ký hợp đồng lâu dài, có chế độ đãi ngộ tốt đối với những người làm nghề bảo mẫu, cấp dưỡng. Bởi nếu như không có chế độ, chính sách tốt thì tình trạng thiếu hụt bảo mẫu, cấp dưỡng sẽ tiếp tục xảy ra”.


X.T - K.D