12:04, 08/04/2017

Trải rộng từ tâm, mở lòng nhân ái

Đến xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), nói đến Tỳ kheo Thích Thiện Phước (85 tuổi) - Trụ trì chùa Minh Quang Thiện Phước (thôn Quảng Đức) ai cũng cảm phục, bởi tấm lòng nhân ái của sư thầy không mấy người có được.

Đến xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), nói đến Tỳ kheo Thích Thiện Phước (85 tuổi) - Trụ trì chùa Minh Quang Thiện Phước (thôn Quảng Đức) ai cũng cảm phục, bởi tấm lòng nhân ái của sư thầy không mấy người có được.


Ấm lòng người gặp khó  


Một ngày Chủ nhật, khuôn viên chùa Minh Quang Thiện Phước rộn ràng hơn mọi khi, bởi chùa đang tất bật chuẩn bị tổ chức đại lễ. Càng đặc biệt hơn khi rất đông người già ở các thôn tụ hội về để nhận quà của sư thầy Thiện Phước. Vừa trông thấy sư thầy, nhiều người vội tới hỏi thân mật: “Thầy khỏe không?” Nở nụ cười hiền lành, sư thầy từ tốn hỏi thăm những người chưa đến nhận quà. Loáng cái, 200 suất quà gồm gạo, mì tôm đã được trao tận tay bà con.

 

Sư thầy Thích Thiện Phước trao quà cho người dân
Sư thầy Thích Thiện Phước trao quà cho người dân


Có mặt ở chùa nhận quà từ rất sớm, ông Phạm Văn Lời (77 tuổi, thôn Quảng Đức) chia sẻ: “Biết nhà tôi đông con, kinh tế khó khăn nên sư thầy thường xuyên giúp đỡ. Hơn 6 năm nay, năm nào tôi cũng được sư thầy tặng quà. Ngày Tết, tôi còn được sư thầy lì xì nữa. Giữa lúc túng quẫn, một lời hỏi thăm, một tấm lòng sẻ chia của sư thầy cũng đủ làm ấm lòng những người dân lam lũ như chúng tôi. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhiều người nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng sư thầy luôn suy nghĩ làm những việc có ích cho bà con, địa phương. Việc làm của sư thầy thật đáng trân trọng”.


Khệ nệ mang túi gạo và thùng mì tôm trên tay, đôi mắt bà Nguyễn Thị Tươi (78 tuổi, thôn Suối Cát) ánh lên niềm vui. Hơn 40 năm sống ở Cam Hiệp Nam, bà Tươi hiểu tường tận tính cách của sư thầy Thiện Phước. Bà Tươi không ngớt lời khen: “Sư thầy luôn giữ nếp sống bình dị, có tấm lòng nhân hậu, hết lòng vì người dân. Hễ biết gia đình nào gặp khó khăn, bệnh tật, sư thầy đều tìm đến giúp đỡ. Những lúc tinh thần tôi sa sút vì gặp chuyện không may, sư thầy đã phân tích, dạy bảo điều hay ý đẹp giúp tôi tĩnh tâm trở lại…”.

 

Một góc chùa Minh Quang Thiện Phước
Một góc chùa Minh Quang Thiện Phước


Chẳng phải ngẫu nhiên sư thầy Thiện Phước lại “gắn” mình với “cái nghiệp” làm từ thiện. Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở Quảng Bình, từ nhỏ, sư thầy đã biết thế nào là đói rét, túng thiếu. Tuổi thơ sư thầy đầy ắp kỷ niệm về những trận đói lay lắt vì thiên tai, mất mùa. Khi xuất gia, chứng kiến cảnh những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa phải đi ăn xin sống qua ngày; những gia đình khó khăn lo chạy ăn từng bữa, sư thầy không sao kìm lòng được. Vì vậy, thời gian đầu vào Cam Hiệp Nam sinh sống, hành đạo, tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng sư thầy vẫn một lòng hướng về đạo, sẵn sàng “chia ngọt, sẻ bùi” với người nghèo.


Qua thời gian, uy tín đạo hành càng ngày lan tỏa, nhiều người thường tới chùa nhờ sư thầy giúp đỡ. Cảm niệm công đức, nhiều nhà hảo tâm, phật tử đã phát tâm cúng dường cho chùa. Nhờ vậy, sư thầy càng có điều kiện thực hiện công việc thiện nguyện. Hễ nghe ở đâu có người gặp hoàn cảnh khó khăn, sư thầy đều tìm đến giúp đỡ. Đặc biệt, hơn 10 năm nay, vào các ngày lễ, Tết, bình quân mỗi năm, sư thầy tặng khoảng 700 suất quà cho người nghèo, người già, trẻ em… trong xã với tổng giá trị hơn 150 triệu đồng (chưa kể quà tặng người dân ở các địa phương khác). “Hơn 40 năm trước, vùng đất này rất hoang sơ, nghèo khó, nhiều nhà phải ăn rau, mì thay cơm. Hiện nay, đời sống người dân được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều cảnh ngộ đáng thương, thế nên tôi chỉ lo không giúp được hết”, sư thầy giãi bày.


Làm đường giúp dân


Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường Tiền Giang nối dài ở địa phương được trải bê tông phẳng lì, ông Trần Văn Sỹ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Cam Hiệp Nam phấn khởi nói: “Trước đây, đây là đường đất, xuống cấp nghiêm trọng. Trời mưa đường ổ voi, ổ gà, sình lầy, trời nắng thì bụi mù, người dân đi lại rất khó khăn. Hiểu được nỗi khổ của người dân, năm 2014, sư thầy Thiện Phước bỏ ra khoảng 240 triệu đồng đầu tư đổ bê tông con đường dài hơn 240m. Từ đó, giúp giao thông thuận tiện, người dân không phải đi lại trên cát lún như trước nữa”. Nhìn những em học sinh nô nức đạp xe đến trường trên con đường mới, chúng tôi cũng cảm thấy rộn lên niềm vui khó tả.

 

Nhờ có sự giúp đỡ của sư thầy và Mặt trận xã, ông Quýt đã có nhà mới
Nhờ có sự giúp đỡ của sư thầy và Mặt trận xã, ông Quýt đã có nhà mới


Con đường vào nghĩa trang liên thôn Quảng Đức - Suối Cát dài chừng 80m, giờ đã được láng bê tông trơn tru, tất cả cũng nhờ có sư thầy Thiện Phước. “Mỗi lần vào mùa mưa, chứng kiến người dân khổ sở đưa người thân về an táng tại nghĩa trang trong xã, xe đưa quan tài phải lách qua đoạn đường cát lún, sình lầy rất bất tiện khiến tôi trăn trở. Vì vậy, năm 2014, từ số tiền các nhà hảo tâm, phật tử cúng dường cho chùa, tôi đã xin ý kiến lãnh đạo xã và bỏ ra 120 triệu đồng tiến hành san ủi, đổ bê tông con đường này. Suốt thời gian làm đường, ngày nào tôi cũng đi kiểm tra. Khi thấy con đường hoàn thành, bà con đi lại thuận tiện, tôi rất mừng vì việc làm của mình góp phần giúp ích cho xã hội”, sư thầy Thiện Phước nói.


 Hành thiện từ tâm   


Đến thăm nhà mới của ông Trần Trọng Quýt (70 tuổi, thôn Suối Cát) do sư thầy Thiện Phước hỗ trợ, chúng tôi rất mừng cho ông. Vợ mất mấy chục năm nay, một mình ông Quýt làm lụng đủ nghề nuôi các con khôn lớn. Bây giờ, các con ông đã lập gia đình riêng nhưng cuộc sống cũng còn khó khăn; sức khỏe ông kém nên chỉ kiếm ít tiền chợ bằng việc đan giỏ thuê. “Hôm về nhà mới, tôi không ngủ được vì mừng quá. Đời mình quá khổ, nằm mơ cũng không dám nghĩ có nhà mới nếu không được sư thầy hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà. Không chỉ vậy, tôi còn được sư thầy tặng quà. Tấm lòng cao cả của sư thầy Thiện Phước thật đáng quý”, ông Quýt kể.

 

Ông Đỗ Minh Thạnh - Chánh Văn phòng Huyện ủy Cam Lâm (nguyên Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam): Nhiều năm nay, sư thầy Thích Thiện Phước đã làm nhiều việc giúp ích cho bà con, xóm làng, đóng góp lớn cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Sư thầy thường xuyên tặng quà cho người già, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn; bỏ kinh phí làm đường ở xã, giúp người dân đi lại thuận tiện; xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới… Hầu như người dân nào trong xã cũng đều biết những việc làm thiện nguyện của sư thầy Thiện Phước. Với những đóng góp của mình, sư thầy đã được nhiều cấp khen thưởng.

Theo ông Trần Văn Sỹ, năm 2016, thông qua UBMTTQ Việt Nam xã, sư thầy đã hỗ trợ 80 triệu đồng xây 2 nhà đại đoàn kết cho người nghèo của xã. Không chỉ vậy, nhiều năm nay, sư thầy còn ủng hộ kinh phí xây đình làng… Đề cập đến chuyện xây nhà, sư thầy Thiện Phước trầm ngâm nói: “Trong những chuyến hành hương làm từ thiện, chứng kiến cảnh những cụ già sống trong căn nhà trống hoác, dột trước dột sau khiến tôi luôn đau đáu trong lòng. Tôi nguyện góp chút công sức để sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh”.


Khi được hỏi liệu tuổi cao sức yếu, có lúc nào đó cảm thấy mệt, muốn dừng làm việc thiện không, sư thầy cười hiền lành: “Mệt sao được, dừng sao được, mỗi lần thấy niềm hân hoan của những người già, trẻ con khi được nhận quà, thấy niềm hạnh phúc của người nghèo khi sống trong nhà mới… tôi vui lắm, mệt mấy cũng làm! Khi nào còn sống, còn sức khỏe thì tôi còn cố gắng làm nhiều việc  có ích cho xã hội, góp chút sức mình cùng chính quyền xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.


Những việc làm xuất phát từ cái tâm, cái đức trong sáng của sư thầy Thiện Phước đã giúp chúng tôi hiểu vì sao nhiều người quý mến thầy. Trong thâm tâm của nhiều người dân Cam Hiệp Nam, họ luôn cầu mong sư thầy sống lâu để giúp dân nghèo.


Chia tay chùa Minh Quang Thiện Phước khi cơn mưa trái mùa chưa dứt, chúng tôi vương vấn câu nói của sư thầy: “Người giữ của, của đi của mất; người giữ đức, đức ở đức còn”. Có lẽ, chỉ có ai ngộ ra được điều đó mới không uổng phí cả một đời tu hạnh.



KIM THAO