11:04, 21/04/2017

Lại mặn... vì muối

Thời điểm này, nhiều đồng muối ở Ninh Diêm, Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn chưa thu hoạch được do những cơn mưa trái mùa gây ra. Nhiều hộ phải bơm, tát nước mưa để làm lại ruộng muối.

 

Thời điểm này, nhiều đồng muối ở Ninh Diêm, Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn chưa thu hoạch được do những cơn mưa trái mùa gây ra. Nhiều hộ phải bơm, tát nước mưa để làm lại ruộng muối.


Nhiều hộ chưa thu được muối


Những năm trước, thời điểm này, về vùng muối Ninh Diêm, Ninh Hải, từ xa đã thấy các ụ muối cao ngất, trắng xóa, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Trên những ruộng muối, nhộn nhịp cảnh người cào, người gánh muối. Thế nhưng, mấy ngày qua, về vùng này, chúng tôi lại thấy cảnh người dân đang tất bật bơm, tát nước mưa ra khỏi ruộng muối, kiểm tra bờ... để làm lại muối. Nhiều cánh đồng vẫn còn ngập trong nước mưa. Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, những diêm dân không giấu nổi sự lo lắng khi đến thời điểm này, họ vẫn chưa thu hoạch được hạt muối nào, trong khi thời tiết cứ thất thường, hết nắng rồi lại bất chợt có những cơn mưa trái mùa.

 

Một diêm dân ở phường Ninh Hải bơm nước mưa ra khỏi ruộng muối
Một diêm dân ở phường Ninh Hải bơm nước mưa ra khỏi ruộng muối


Tranh thủ bơm nước mưa khi trời chưa nắng gắt, ông Đặng Văn Nghĩa (Tổ dân phố 4 Đông Hà, phường Ninh Thủy) cho biết, gia đình ông có 0,5ha muối. Sau Tết Nguyên đán, gia đình ông thu vụ đầu được 4 tấn muối, với giá bán 500.000 đồng/tấn, ông được 2 triệu đồng. “Niềm vui vì giá muối cao hơn năm trước chưa được bao lâu thì… những cơn mưa trái mùa đã làm cho lượng muối chuẩn bị đóng mất hết, ruộng muối giờ toàn là nước mưa. Sau cơn mưa đầu, gia đình tôi bỏ gần 10 triệu đồng tiền dầu chạy máy bơm nước, thuê nhân công vệ sinh đồng ruộng nhưng lại bị tiếp một đợt mưa kéo dài hơn 1 ngày đêm, khiến công sức, tiền bạc đều trôi theo nước. Trừ 2 triệu đồng tiền muối đã bán lần đầu, tôi lỗ gần 8 triệu đồng cho vụ muối năm nay”, ông Nghĩa nói.


Tuy nhiên, ông Nghĩa vẫn còn may mắn hơn người khác. Nhìn 1ha ruộng muối đang được bơm nước mưa, ông Nguyễn Quyền - Tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm thở dài: “Năm ngoái giờ này khoảng 4, 5 ngày muối đã kết tinh và cho sản lượng khoảng 4 tấn/lần cào. Còn năm nay, 2 cơn mưa trái mùa đã làm cho gia đình tôi mất hơn 12 triệu đồng tiền dầu bơm nước, tiền công thuê người vệ sinh lại ruộng muối, đắp lại lu, bờ. Đến giờ này tôi vẫn chưa có hạt muối nào trong tay. Nếu trời tiếp tục nắng gắt như những ngày qua thì hơn 1 tuần nữa chúng tôi mới có thể thu hoạch muối. Nhưng nếu mưa, thì chúng tôi lại trắng tay thêm lần nữa”.

 

Đối với các xã viên của Hợp tác xã (HTX) 1-5 Ninh Diêm, chưa bao giờ họ thấy sản xuất muối gặp nhiều khó khăn như vài năm gần đây. Hết muối rớt giá lại đến mất mùa. Nhiều diêm dân phải chuyển sang chạy xe ôm, làm bánh, phụ bán quán, thợ hồ... để kiếm sống qua ngày. Là thợ gánh muối của HTX 1-5 Ninh Diêm hơn 20 năm nay, bà Ngô Thị Loan (Tổ dân phố 2, phường Ninh Diêm) phải chuyển sang làm và bán bánh để kiếm tiền ăn từng bữa. Bà kể, những năm trước, giờ này đã rộn ràng đi gánh muối ở các sở ruộng của HTX. Mỗi ngày gánh muối, bà cũng kiếm được từ 150.000 đến gần 200.000 đồng. Giờ bán bánh cả ngày chỉ được khoảng 60.000 đồng, không đủ chi tiêu cho gia đình. “Buồn lắm, cả vùng này ai cũng làm muối, sống nhờ muối. Không có muối, dân cũng không có tiền, nên gánh bánh của tôi cũng ế ẩm lắm”, bà Loan nói.

 

Bà Ngô Thị Loan (bên trái) bán bánh kiếm thêm thu nhập
Bà Ngô Thị Loan (bên trái) bán bánh kiếm thêm thu nhập

 

Hợp tác xã: nợ chồng nợ

 

Ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Trước khó khăn của diêm dân trong sản xuất muối, vừa qua, thị xã đã tổ chức phổ biến cho người dân về chính sách cho diêm dân vay vốn theo Quyết định 661 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 để người dân biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, điều kiện được hỗ trợ là HTX, cá nhân đang sản xuất muối trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt. Định mức cho vay không quá 50 triệu đồng/ha. Hạn mức vay tối đa đối với cá nhân không quá 250 triệu đồng, đối với HTX không quá 500 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa 2 năm tính từ ngày giải ngân vốn. HTX, cá nhân có nhu cầu vay vốn được hỗ trợ làm đơn gửi UBND cấp xã để xem xét và xác nhận trên đơn đăng ký về việc đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, diện tích đất sản xuất muối. Sau đó, HTX, cá nhân trực tiếp liên hệ với ngân hàng để thực hiện các điều kiện vay vốn.

Theo ông Trương Công Hiến - Giám đốc HTX 1-5 Ninh Diêm, thông thường vào thời điểm này mọi năm, HTX đã thu được 1.500 - 2.000 tấn muối. Tuy nhiên, hiện nay, HTX chưa thu được hạt muối nào. Không những thế, HTX còn phải vay tiền để hỗ trợ xã viên khắc phục hậu quả do những đợt mưa trái mùa vừa qua. HTX có gần 500 xã viên, sản xuất trên 90ha muối. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã vay nợ gần 300 triệu đồng để hỗ trợ xã viên bơm nước mưa ra khỏi ruộng, hỗ trợ đời sống xã viên khi chưa thu hoạch được muối. “Vụ muối năm ngoái, do giá muối xuống quá thấp (khoảng 380.000 đồng/tấn) nên nhiều xã viên đã xin nghỉ sản xuất. Vì vậy, cả năm, HTX chỉ sản xuất được 2.954 tấn (đạt 33,7% kế hoạch). Năm nay, mưa trái mùa xảy ra khi muối đã gần đóng, gần thu hoạch khiến HTX nợ chồng nợ, khó khăn đủ đường”, ông Hiến cho biết.


Cũng theo ông Hiến, HTX không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn ngân hàng; hoặc có vay được cũng mất thời gian rất lâu. Vì vậy, để giải quyết khó khăn trước mắt, HTX đã huy động cán bộ thế chấp sổ đỏ vay được 100 triệu đồng, số còn lại vay của các công ty, tư thương hay ký hợp đồng mua muối của HTX. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ là tạm thời bởi nếu thời tiết tốt thì khoảng 1 tuần, 10 ngày nữa mới có muối để thu hoạch.


Không chỉ HTX 1-5 mà các tư thương thu mua muối trên địa bàn cũng gặp khó khăn khi không có muối để cung cấp cho đối tác. Ông Đặng Hữu Tiến - một tư thương ở phường Ninh Diêm cho biết, những năm trước, mùa này, mỗi tháng gia đình ông thu mua và vận chuyển lên Đắk Lắk 6 - 7 chuyến với hàng chục tấn muối. Còn hiện nay không có muối để thu mua nên cũng không có hàng để cung cấp cho các đầu mối.


Diêm dân được vay vốn


Trước những khó khăn của nghề sản xuất muối những năm gần đây, Ban giám đốc HTX 1-5 Ninh Diêm kiến nghị Liên minh HTX nên có một nguồn vốn, có thể do các thành viên HTX đóng góp để có thể hỗ trợ các HTX khi xảy ra khó khăn đột xuất. Bởi vay vốn từ ngân hàng thì HTX bị vướng rất nhiều thủ tục và thời gian rất lâu nên không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của HTX. Còn những diêm dân cũng mong muốn, Nhà nước nên có những chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ diêm dân kịp thời khi xảy ra tình trạng mất mùa do thiên tai. “Hiện tại, muối đang được thương lái thu mua với giá 700.000 đồng/tấn, nhưng diêm dân, HTX lại không có muối để bán. Đến bao giờ, diêm dân mới hết cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Hiến chia sẻ.


Theo ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tổng diện tích sản xuất muối ở thị xã là hơn 790ha. Trong đó, diện tích của 2 HTX là 103ha, còn lại thuộc các xí nghiệp, nhà máy và của người dân. Toàn thị xã có hơn 500 hộ làm muối, tập trung chủ yếu ở: Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Hải và Ninh Thọ. Từ đầu năm đến nay, sản lượng muối của thị xã chỉ khoảng từ 300 đến 400 tấn, thấp hơn 7 lần so với năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái thu hoạch được 22.700 tấn muối) nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.


 LY DUNG