11:11, 08/11/2017

Những trường hợp không được làm người bào chữa

Một người trước đây là thẩm phán, đã tham gia xét xử vụ án hình sự nhưng bản án đã bị tòa án cấp trên hủy điều tra lại. Hiện nay, thẩm phán này nghỉ hưu ra làm luật sư, xin hỏi người bị buộc tội trong vụ án có thể nhờ luật sư này làm người bào chữa không, luật quy định trường hợp nào không được làm người bào chữa?

Hỏi: Một người trước đây là thẩm phán, đã tham gia xét xử vụ án hình sự nhưng bản án đã bị tòa án cấp trên hủy điều tra lại. Hiện nay, thẩm phán này nghỉ hưu ra làm luật sư, xin hỏi người bị buộc tội trong vụ án có thể nhờ luật sư này làm người bào chữa không, luật quy định trường hợp nào không được làm người bào chữa?


Lê Văn T. (huyện Cam Lâm)


Trả lời: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và BLTTHS năm 2015 đều có quy định những người sau không được làm người bào chữa: người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó, người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch (Khoản 2, Điều 56 BLTTHS năm 2003). Riêng BLTTHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đã bổ sung thêm 5 trường hợp không được làm người bào chữa, đó là: người tham gia vụ án với tư cách là người định giá tài sản, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.


Như vậy, nếu có căn cứ xác định luật sư (nguyên thẩm phán) là người đã từng xét xử vụ án thì luật sư này không được làm người bào chữa cho người bị buộc tội khi vụ án bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục chung.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà