01:08, 29/08/2017

Hành vi nào là hành vi bạo lực gia đình?

Tôi và anh ấy sống chung với nhau đã nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn. Do phát sinh nhiều mâu thuẫn, chúng tôi đã chia tay nhau gần năm nay. Tuy nhiên, mấy lần anh ấy lại đến nhà gây sự, chửi bới, có khi đánh tôi gây thương tích. Xin hỏi pháp luật quy định việc xử lý trong trường hợp này thế nào? Những hành vi của anh ấy có là bạo lực gia đình không?

Hỏi: Tôi và anh ấy sống chung với nhau đã nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn. Do phát sinh nhiều mâu thuẫn, chúng tôi đã chia tay nhau gần năm nay. Tuy nhiên, mấy lần anh ấy lại đến nhà gây sự, chửi bới, có khi đánh tôi gây thương tích. Xin hỏi pháp luật quy định việc xử lý trong trường hợp này thế nào? Những hành vi của anh ấy có là bạo lực gia đình không?


Lê Thị Hiền
(Thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm)


Trả lời: Hành vi cố ý gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy mức độ của hành vi và thương tích, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.


Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Những hành vi kể tên sau đây là hành vi bạo lực gia đình:


a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;


b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;


c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;


d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;


đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;


e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;


g) Chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;


h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;


i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.


Các hành vi bạo lực nói trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.


Như vậy, mặc dù bạn đã không còn sống chung với anh ấy như vợ chồng nhưng hành vi của anh ấy đối với bạn cũng như với các thành viên khác trong gia đình bạn được coi là hành vi bạo lực gia đình.


Theo Nghị định số 167/2013 của Chính phủ, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai trong trường hợp có yêu cầu của nạn nhân.


Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG