04:05, 26/05/2018

Tại ... lối đi quá hẹp!

Nghe hai bên ra sức lý lẽ, nhiều người dự phiên tòa xét xử vụ án D.T.P (sinh năm 1974, trú Tân Lập, Nha Trang) cố ý gây thương tích chỉ biết thở dài. Bị cáo P. thanh minh đã vài lần nhắc nhở em họ dời xe bán hàng rong đi chỗ khác để khỏi lấn chiếm lối đi chung nhưng em họ không nghe, còn nói khiếm nhã, khiến P. nóng giận, vác gậy "dạy bảo", gây thương tích 15% cho em họ.

Nghe hai bên ra sức lý lẽ, nhiều người dự phiên tòa xét xử vụ án D.T.P (sinh năm 1974, trú Tân Lập, Nha Trang) cố ý gây thương tích chỉ biết thở dài. Bị cáo P. thanh minh đã vài lần nhắc nhở em họ dời xe bán hàng rong đi chỗ khác để khỏi lấn chiếm lối đi chung nhưng em họ không nghe, còn nói khiếm nhã, khiến P. nóng giận, vác gậy “dạy bảo”, gây thương tích 15% cho em họ. P. còn bảo, nghĩ tình chị em nên không báo tổ dân phố. Nghe yêu cầu bồi thường hơn 138 triệu đồng, P. nói rất muốn bồi thường, nhưng sao lại kê thu nhập những 450.000 đồng/ngày, sao lại kê mất thu nhập mấy tháng liền?... Còn phía em họ P. khẳng định, chính bị cáo nói khó nghe, xúc phạm. Tuy thừa nhận có để xe bán hàng lấn con hẻm, nhưng phía này so bì, 2 nhà bán xôi còn để xe bán hàng to hơn, bị cáo cũng đậu ô tô ngay hẻm, tại sao chỉ o ép nhà bị hại? Phải chăng vì thấy nhà chỉ có 2 mẹ con?


Chuyện chị em họ cãi cọ, xô xát không quá hiếm gặp. Nhưng ngoài diễn biến vụ án, người ta khó biết được sự thật về thái độ, ứng xử hàng ngày của hai bên. Ở phiên tòa này, điều khiến người dự nặng lòng không phải thái độ, cách nói của hai bên, mà là lời nói của một nhân chứng. Anh này cho biết, tuy chơi với bạn của bị cáo và không hề mâu thuẫn, nhưng anh không thể chối bỏ sự thật P. đã xúc phạm, đánh bị hại, trong khi mẹ con bị hại đã ngừng đôi co ngay khi được can ngăn và chưa hề chạm đến người P. Cuối cùng, anh này xin phép nói với bị cáo một câu chí tình: Hãy thành tâm hối cải! Phút chờ nghị án, anh giãi bày thêm: P. kể khổ vì chồng mất, nuôi 2 con, nhưng cả xóm đều biết P. có tài sản khá, hàng tháng thu tiền thuê nhà đủ sống dư dả. Trong khi bị hại chỉ có hai mẹ con, ban ngày bán tạp hóa và ban đêm bán trứng vịt lộn bằng chiếc xe bán hàng rong để nuôi đứa con đã 12 tuổi vẫn chỉ nằm một chỗ; đứa còn lại phải gửi nhà dòng nuôi vì không đủ điều kiện. Cho dù sự thật con hẻm bị lấn chiếm, nhưng không lẽ đã hết cách giải quyết? Liệu có đáng dùng gậy “nói chuyện”?  


Chuyện chiếc xe để lấn lối đi khiến người viết nhớ tới một vụ án mà những người tham gia phiên tòa đều là anh em ruột, dâu, cháu. Bị cáo P.V.C (sinh năm 1998, trú Ngọc Hiệp, Nha Trang) là con người chú, lúc đó đang học cấp 3; bị hại là con bác cả. Mâu thuẫn cũng bắt đầu từ việc người chú dựng xe máy chắn lối vào khu nhà chung, khiến người bác tức giận, chửi mắng khó nghe, dẫn đến cãi vã. Tưởng nhầm cha, chú đánh nhau, con người bác chạy ra định đánh chú. Con lớn người chú vào can bị anh con bác đánh, rượt đuổi. Tức quá, anh này cầm thanh gỗ sang đánh trả. Cuộc chiến huynh đệ diễn ra: cha con người bác dùng dây xích và dây chằng, con người chú lăm lăm thanh gỗ. Vợ người chú chạy theo ngăn không kịp, cũng bị dính đòn. Nghe tin, bị cáo C. vội chạy sang, thấy mẹ chảy máu gần xỉu, C. vội dùng thanh sắt đánh nhiều cái vào anh con bác, gây chấn thương nặng. Bênh con, tận khi ra tòa, người bác và người chú vẫn tiếp tục đối đáp gay gắt, tố nhau khai gian nhằm hãm hại con họ.


Dân gian có câu: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nhưng khi hai bên anh chị em cùng nóng nảy, thiếu nhường nhịn, thì “máu đào” cũng chẳng còn mấy ý nghĩa, thậm chí, trong 2 vụ án trên, tình ruột thịt chắc không bằng vài chục phân lối đi! Ở vụ án đầu, nếu người chị nói chuyện mềm mỏng hơn và không nóng giận phang thật lực, người em đã không bức xúc đối đáp! Tương tự, trong vụ án sau, nếu người bác không buông lời khó nghe, người chú đã không cãi, càng không có chuyện con trai họ vì bênh cha mà ẩu đả, thương tích nặng đến mức kẻ đang tuổi học sinh phải vào tù mà còn canh cánh trách nhiệm cấp dưỡng đến khi bị hại chết. Nhìn cách các bên gay gắt buộc tội nhau, chẳng hề nhường nhịn, chẳng chịu nhận phần lỗi của mình, có lẽ đành phải kết luận: căn nguyên của vụ án chắc tại… cái lối đi quá hẹp, hẹp hơn lòng những người chung “giọt máu đào”!


TAM THUẬT