05:08, 26/08/2017

Không muộn, nếu đứng dậy!

Mẹ bị cáo là người duy nhất dự phiên tòa xét xử con gái mình về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Con bà bị bắt quả tang khi đang cùng bạn bè "chơi tới bến" với rất nhiều ma túy. Ánh mắt âu lo, bà cho biết không phải vì con bà nghiện nặng, mà chủ yếu vì bế tắc bởi những lỗi lầm, bởi tương lai tươi đẹp đã mất, bệnh tật rình rập...

Mẹ bị cáo là người duy nhất dự phiên tòa xét xử con gái mình về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Con bà bị bắt quả tang khi đang cùng bạn bè “chơi tới bến” với rất nhiều ma túy. Ánh mắt âu lo, bà cho biết không phải vì con bà nghiện nặng, mà chủ yếu vì bế tắc bởi những lỗi lầm, bởi tương lai tươi đẹp đã mất, bệnh tật rình rập... Vợ chồng bà làm công chức, thu nhập khá, hai cô con gái học hành giỏi giang, lần lượt vào đại học. Gia đình như mơ ước ấy bỗng tan vỡ khi con gái lớn của bà quen và yêu một thanh niên đẹp trai, có tiếng là con “đại gia”. Nhưng sau lần uống nước ở một quán cà phê, cô không thể quên được mùi vị ly nước. Một lần, hai lần, rồi cô nhận ra mùi vị khó quên đó là ma túy. Sau này, khi người yêu rời xa, cô đau khổ hiểu ra, ly nước là chiêu dẫn dụ các cô gái đi vào con đường nghiện ngập. Để có tiền xài ma túy, cô phải bán ma túy. 2 bản án liên tiếp cắt đứt giấc mơ học hành của cô. Rồi hậu quả khủng khiếp đã tới, những cơn nghiện kéo theo căn bệnh nan y cắt phăng mọi hy vọng của cha mẹ và chính cô về cuộc sống mới. Cha cô không chịu nổi áp lực dư luận, dắt con vào TP. Hồ Chí Minh. Tủi nhục, thất vọng, cô nhiều lần tìm đến cái chết nhưng không thành. Lần cuối cùng trước khi bị bắt, cô bán đi chiếc xe của cha, dốc toàn bộ tiền mua ma túy với ý định thỏa cơn nghiện đến chết. Bà mẹ cho biết, bà không lo ngại con phải chấp hành 6 năm tù, mà chỉ rối bời không biết làm sao để động viên con tích cực cải tạo, dù chỉ còn sống một ngày trên đời!


Phiên tòa gần đây xét xử bị cáo V.T.B (sinh năm 1973, trú  Nha Trang) về tội mua bán trái phép chất ma túy cũng day dứt không kém. Trước tòa, B. tỏ ra ngang tàng, khai nhận đã bị bệnh hiểm nghèo và nhận hết tội lỗi với tâm thế không còn gì để mất. Bản án vừa tuyên, người đầu tiên chạy lên hỏi thẩm phán thủ tục nộp thay án phí cho bị cáo chính là ông tổ trưởng dân phố. Ông giãi bày, ông và cha B. trước đây sinh hoạt cùng tổ đảng. Cha B. tính tình thẳng thắn, trung hậu, cả đời không ngại đấu tranh, phê bình và tự phê bình. Khi con trai ông đi tù vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, ông sốc nặng, ngã bệnh, không dám ra ngoài, sau đó xin miễn sinh hoạt đảng. Tiếc thay, cậu con không hiểu lòng cha, lại cho rằng cha cậu đau lòng vì danh tiếng gia đình, nên càng muốn bứt ra. B. không nhận ra nỗi đau của cha mẹ chính là không dạy bảo được con mình, cũng như không nhận ra điều cha mẹ thực sự mưu cầu là con trưởng thành, trở thành công dân có ích. Trượt dài với 4 bản án, B. đã mất đi người cha khi còn đang ở tù…


Chạy theo bị cáo ra xe, ông tổ trưởng dân phố động viên như muốn khóc: “Cố lên con nhé, mẹ con năm nay đã 85 tuổi, yếu lắm rồi. Cố cải tạo cho tốt để về còn gặp được mẹ!”. Lúc này, vẻ ngang tàng trước tòa của B. chợt biến mất, thay vào đó, ánh mắt B. chùng xuống, cánh tay vô thức đưa lên khẽ quệt mắt.


Quay lại nắm tay thẩm phán, ông tổ trưởng dân phố hồ hởi: “Cảm ơn thẩm phán rất nhiều! 9 năm tù là còn cơ hội cho mẹ con cháu gặp nhau. Trước khi xử, tôi đã làm công tác tư tưởng cho mẹ B., nói chắc cháu phải lãnh 11-12 năm tù rồi, vì bản án trước đã 10 năm tù, giờ lại phạm tội tiếp. Thôi, tôi về báo ngay cho bà ấy mừng, cố mà sống chờ con về”. Nhìn theo ông tổ trưởng dân phố ra về, vị chủ tọa thở dài: “Án tuyên trong khung, tuy nhiên, hội đồng đã cân nhắc rất nhiều để có mức án khoan hồng nhất, những mong bị cáo nhận ra mà an tâm cải tạo. Bị bệnh hiểm nghèo không có nghĩa buông bỏ tất cả. Còn sống một ngày cũng nên sống có ý nghĩa. Hội đồng xét xử đã làm tất cả để bị cáo hiểu điều đó mà an tâm cải tạo”.   

 
Suy cho cùng, đứng dậy sau khi vấp ngã chẳng bao giờ là quá muộn!


TAM THUẬT