07:08, 14/08/2017

Hệ lụy từ ma túy

Không có gì mới khi nói về cái vòng luẩn quẩn từ ma túy: nghiện - suy kiệt kinh tế - phạm tội, vào tù - ra tù, tái nghiện - tái phạm… Hệ lụy đầu tiên chính là hệ thần kinh của người nghiện bị chi phối nghiêm trọng. Nhưng nhiều người nghiện vẫn không chịu thừa nhận. Phiên tòa xét xử vụ án cố ý gây thương tích mới đây cho thấy điều đó.

Không có gì mới khi nói về cái vòng luẩn quẩn từ ma túy: nghiện - suy kiệt kinh tế - phạm tội, vào tù - ra tù, tái nghiện - tái phạm… Hệ lụy đầu tiên chính là hệ thần kinh của người nghiện bị chi phối nghiêm trọng. Nhưng nhiều người nghiện vẫn không chịu thừa nhận. Phiên tòa xét xử vụ án cố ý gây thương tích mới đây cho thấy điều đó.


Bào chữa cho mình, bị cáo H.N.C (sinh năm 1994, trú huyện Diên Khánh) khai, C. được điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh và đã cắt cơn. Nhưng nhân viên bảo vệ bệnh viện vẫn hỗ trợ đè C. xuống để bác sĩ tiêm thuốc điều trị, khiến C. rất đau. C. chỉ bị co rút chân tay, cơ thể mệt mỏi nên đã nói nhân viên bảo vệ đừng đè giữ, nhưng họ vẫn giữ và tiêm thuốc. Vì vậy, C. mới muốn trả thù. Thực tình, lúc rủ V.D.T (sinh năm 1995, trú Diên Khánh) tới bệnh viện, C. chỉ định “hù dọa, dằn mặt” thôi, nhưng do lúc đó thần kinh của bị cáo không ổn định, không nhận thức được. Bây giờ, bị cáo đã biết sai, mong tòa giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm về chăm con nhỏ 1 tuổi, bởi bị cáo và vợ đã ly hôn.


Tòa công bố kết luận giám định cho thấy C. bị rối loạn về tâm thần và hành vi do sử dụng nhiều loại ma túy, nhưng trong và sau khi phạm tội, C. đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thẩm phán nghiêm nghị phân tích: Kết luận giám định cho thấy bị cáo hoàn toàn nhận thức, điều khiển được. Thực tế, người không nhận thức sẽ không nghĩ được việc rủ T. đi cùng và chọn người để đánh; càng không biết bỏ trốn khi được đưa đi giám định tâm thần. Đánh, gây thương tích cho người giúp điều trị bệnh cho mình, đó không chỉ thể hiện tính côn đồ mà còn vô ơn! Thay vì viện lý do hoàn cảnh, bị cáo cần tự hỏi vì sao vợ chia tay mình. Ra tù năm 2014, lấy vợ năm 2015, hơn 1 năm sau bị cáo lại vào tù. Biết bị cáo nghiện ma túy mà người vợ vẫn kết hôn bởi hy vọng bị cáo nghĩ đến gia đình mà thay đổi bản thân. Người thân đưa bị cáo đi chữa bệnh cũng vì mong bị cáo từ bỏ ma túy. Nhưng gia đình, cả con nhỏ mới sinh cũng không thể kéo được bị cáo. Ra tòa, bị cáo còn xin giảm án để… nuôi con nhỏ!? Việc bị cáo cảm thấy co rút chân tay, mệt mỏi chính là một trong những tác hại của việc sử dụng quá nhiều loại ma túy. Bác sĩ chỉ tiêm thuốc để điều trị, làm giảm đi tình trạng đó. Nghiện ma túy dẫn tới thần kinh rối loạn hoàn toàn không phải bệnh bẩm sinh, bệnh thông thường, mà là bệnh do bị cáo tự chuốc lấy. Nếu không nghiện ma túy, không phải điều trị, có thể đã không có vụ án này. Muốn mọi chuyện tốt đẹp hơn, bị cáo chỉ có một cách là cải tạo tốt và từ bỏ ma túy!     


Còn V.D.T, tuy biết C. nghiện ma túy, phải điều trị tâm thần nhưng được rủ vẫn hăng hái đi ngay. Xin giảm án vì cha mẹ ly hôn từ lâu, phải nuôi 2 em nhỏ, dường như T. chưa hề tự vấn tại sao trước đó không chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, chí thú làm ăn, chăm lo gia đình. Với nghề thợ hồ, T. có thể chăm chỉ đi làm, nêu gương cho các em. Nhưng bị cáo lại đi cướp giật và phải vào tù, rồi tiếp đến vụ án này. Trước khi được C. rủ đi đánh nhân viên bảo vệ, chính T. rủ C. đi chém trả thù người khác. Nếu hôm đó gặp được, có thể còn có một vụ án nữa.


Có lẽ, nếu các bị cáo không tu tâm dưỡng tính, đặc biệt, nếu C. không từ bỏ được ma túy thì con đường hoàn lương xem ra còn rất khó khăn.


TAM THUẬT