09:12, 09/12/2016

Thiếu kiềm chế

3 bị cáo đứng trước vành móng ngựa còn khá trẻ; 2 trong số đó mới bước sang tuổi 18. Họ ra tòa chung quy cũng chỉ vì thiếu kiềm chế.

3 bị cáo đứng trước vành móng ngựa còn khá trẻ; 2 trong số đó mới bước sang tuổi 18. Họ ra tòa chung quy cũng chỉ vì thiếu kiềm chế.


Bị cáo T.K.S (sinh năm 1992, trú phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) thành khẩn khai nhận: Tối đó, nhậu xong, S. cùng 2 bạn và chị của S. ngồi lai rai thêm ly bia ở một quán bán trứng vịt lộn vỉa hè. Sau đó có 2 người bán kẹo kéo tới, mở loa bật nhạc ồn ào rồi mang kẹo tới từng bàn mời chào. Anh C. tới đầu tiên, S. từ chối không mua. Khi anh này quay sang bàn khác, anh T. lại tới chào mời và nhóm S. tiếp tục từ chối. Anh T. quay sang bàn khác, sau đó lại quay về bàn của S mời 6 - 7 lần và nhóm S. đều từ chối. Nhưng anh T. vẫn tiếp tục mời, còn đưa kẹo vào sát mặt khách, khiến S. rất khó chịu nhưng cố nín. Nghe B.Q.D (sinh năm 1998, trú Vạn Thắng, Nha Trang) từ chối đàng hoàng: “Không mua đâu anh”, anh T. lại nói câu rất khó chịu: “Anh nói gì, em nghe không rõ. Bộ anh tính đánh em hả?”. Sẵn khó chịu vì liên tục bị làm phiền, nghe anh T. nói vậy, S. không kiềm chế được nữa, dùng luôn ly bia đang uống dở đập vào thái dương anh T. và quát: “Đã nói không mua mà cứ ép!”. D. cũng dùng tay xô ra, khiến anh T. ngã xuống. D. và C.S.M (sinh năm 1998, trú phường Phước Hải, Nha Trang) còn xông vào đấm anh T. Thấy anh T. chảy máu, S. can ra, chị của bị cáo cũng đề nghị đưa tiền bồi thường chữa trị nhưng hai anh này không nói gì, dìu nhau đi về. Nhóm S. cũng thanh toán thiệt hại cho chủ quán rồi về nhà. Sáng hôm sau, nghe tin anh T. bị chấn thương sọ não phải nhập viện, S. vội đến công an phường trình diện. Sau khi biết tin anh T. chết, S. đã tác động gia đình đi bồi thường. “Thực tình bị cáo không có ý định đánh nhau, càng không cố ý gây ra hậu quả này, chỉ vì lúc đó quá bực anh T. cứ xáp lại chào mời, lại còn nói câu khó nghe”, S. nói.


Cả D. và S. cũng thừa nhận, trước đó họ không quen biết, không mâu thuẫn gì với hai anh bán kẹo kéo. Có lẽ, nếu hai anh này không mời kẹo liên tục và không nói năng, chào mời khó chịu thì đã không có chuyện xảy ra. Giờ nghĩ lại, các bị cáo rất ân hận.


Mẹ anh T. da diết: “Chẳng qua vì nghèo khổ mà con chúng tôi phải bươn chải bán rong. Có ai bán hàng mà không năn nỉ người mua? Con tôi chào mời có khó chịu chăng nữa thì cũng chỉ nhằm bán hàng. Dù nói gì thì con tôi đã mất. Nhưng cùng là bậc cha mẹ, sinh con, nuôi con lớn, giờ thấy các bị cáo còn trẻ mà phải vào tù, hai vợ chồng cũng mong tòa giảm nhẹ hết mức cho các bị cáo”.  


Vị thẩm phán nghiêm khắc: Xét vai trò từng bị cáo, S. là người gây ra vết thương chí mạng cho anh T. 2 người bạn của S. trở thành đồng phạm ở khoản 3 tội cố ý gây thương tích cũng chỉ vì tham gia vụ án. Bị cáo S. cần hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của hành vi mình để sau này kiềm chế hơn. Trong tình huống trên, nếu bực bội vì bị chào mời nhiều, bị cáo có thể đứng dậy bỏ đi, lát sau quay lại. Bị cáo đi rồi, liệu còn ai mời, còn ai nói được những lời khó chịu? 2 bị cáo còn lại cũng kiềm chế chưa đủ. S. đã đánh rồi, D. và M. lại đánh thêm, trong khi lẽ ra phải ngăn S. Các bị cáo đều còn trẻ nên xốc nổi, nhưng cũng cần học cách kiềm chế sự xốc nổi để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.


TAM THUẬT