10:06, 04/06/2018

Xét xử vụ tàng trữ hàng ngàn xác rùa biển: Tuyên phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, sáng 4-6, hội đồng xét xử vụ án Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú phường Phước Long, TP. Nha Trang) vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã tuyên phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù.

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, sáng 4-6, hội đồng xét xử vụ án Hoàng Tuấn Hải (sinh năm 1972, trú phường Phước Long, TP. Nha Trang) vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã tuyên phạt bị cáo (BC) 4 năm 6 tháng tù.   


“Nóng” phần tranh tụng


Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Nha Trang khẳng định, Hải bị truy tố theo Điểm đ Khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 là có căn cứ. BC hành nghề thủ công mỹ nghệ nhưng không đăng ký kinh doanh. Tuy BC khai chưa bán cho ai nhưng việc mua, trao đổi vật phẩm lấy xác rùa biển, đầu tư nhà xưởng, thuê nhân công… đã thể hiện BC nhằm kiếm lời, do đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 190. Đối với 789 vỏ trai tai tượng khổng lồ bị thu giữ trong kho hàng, tuy BC khai của người khác gửi và không biết của ai, nhưng không chứng minh được ai gửi, nguồn gốc hợp pháp của số hàng gửi nên phải chịu trách nhiệm về số hàng này.

 

Về tình tiết định khung, theo nguyên cứu năm 2016 của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), số lượng đồi mồi xuất hiện tại Việt Nam còn rất ít, nếu không có biện pháp quyết liệt và nhanh chóng ngăn chặn việc đánh bắt, mua bán thì có thể khiến loài này bị tuyệt chủng tại Việt Nam trong thời gian tới. Ở vụ án này, số tang vật thu giữ được đặc biệt lớn và đều thuộc danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, cực kỳ lớn. Do đó, có thể kết luận hành vi của BC đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với môi trường tự nhiên..., đề nghị tòa áp dụng Khoản 2 Điều 190, tuyên phạt BC 4 - 5 năm tù.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà bào chữa cho BC cho rằng, các quyết định tố tụng đều xác định hành vi Hải tàng trữ xác rùa biển theo Khoản 1 Điều 190 BLHS năm 1999, là tội phạm ít nghiêm trọng. Hải thu gom xác rùa năm 2010, bị phát hiện vào cuối năm 2014, như vậy cho đến khi Hải bị khởi tố đã hơn 5 năm, quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.


Điều 190 không quy định xử lý hành vi tàng trữ các bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm; không cụ thể hóa các tình tiết định tính (gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng). Kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh cũng nêu, thời điểm hành vi phạm tội của Hải bị phát hiện, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về tình tiết định khung tội phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định, chưa có thông tư hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thủy sản. Các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm động vật hoang dã trong lĩnh vực thủy sản không quy định số lượng cá thể thế nào là lớn, rất lớn, đặc biệt lớn. Lãnh đạo VKSND Tối cao cũng đã có công văn ngày 30-8-2016 thống nhất kết luận cuộc họp cấp chuyên viên liên ngành theo hướng đủ căn cứ khởi tố Hải theo Khoản 1 Điều 190. Tuy nhiên, sau khi VKSND TP. Nha Trang truy tố Hải như vậy, tháng 2-2018, VKSND tỉnh lại có công văn yêu cầu truy tố Hải theo Khoản 2 Điều 190, căn cứ vào CITES và Thông tư liên tịch số 19 ngày 8-3-2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS năm 1999 về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Trong khi đó, rùa biển thuộc động vật thủy sinh. Tòa án cũng đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hậu quả phi vật chất do hành vi của Hải gây ra nhưng chưa được làm rõ. Theo chính sách áp dụng pháp luật hình sự và nguyên tắc chung, khi BLHS năm 1999 không quy định cụ thể, cũng chưa có văn bản hướng dẫn, có thể áp dụng tương tự thông tư quy định về lâm sản để định khung tăng nặng trong lĩnh vực thủy sản, làm xấu đi tình trạng của người bị buộc tội?

 

Số lượng lớn rùa biển khô trong kho chứa ở thôn Phước Hạ.

Số lượng lớn rùa biển khô trong kho chứa ở thôn Phước Hạ.

 

Tòa chấp nhận quan điểm của viện


Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này, đối tượng tác động của tội phạm là hành vi xâm hại đến các loài động vật thủy sinh phát triển theo quy luật tự nhiên, có giá trị đặc biệt về tự nhiên, khoa học, y tế, môi trường sinh thái… mà số lượng còn rất ít hoặc đang bị suy giảm nghiêm trọng. BC đã khai nhận số tang vật thu giữ năm 2014 là của BC. Viện Hải dương học đã giám định, toàn bộ xác cá thể rùa biển thu giữ được là các loài thủy sản đặc biệt quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam, cần đặc biệt bảo vệ, phục hồi, phát triển. BC cũng khai, để chế tác mỹ nghệ, phải ngâm nguyên liệu trong phooc-môn lâu nhất là nửa tháng. Trong khi đó, hầu hết sản phẩm bị thu giữ hồi năm 2014 đều ở dạng tươi đang ngâm phooc- môn. Đối chiếu thời gian bị phát hiện và lời khai trên của BC, có thể xác định, việc BC khai đã chấm dứt mua vào năm 2010, chỉ tàng trữ xác rùa biển là không có cơ sở. BC không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn mua, thu gom, trao đổi lấy xác rùa biển với số lượng lớn, đầu tư nhà xưởng, thuê nhân công… cho thấy nhằm mục đích thương mại. Đối với 789 vỏ trai tai tượng khổng lồ, tuy tại phiên tòa BC thay đổi lời khai, nhưng căn cứ vào các lời khai, tài liệu chứng cứ khác, tòa vẫn thống nhất với quan điểm của VKS và khẳng định có căn cứ xét xử BC theo Điều 190.


Về tình tiết định khung, tòa nhận định, hiện nay, vùng biển Việt Nam có 5 loài rùa biển sinh sống, trong đó nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, cần ưu tiên bảo vệ; mọi hành vi xâm hại đến những loài này đều bị pháp luật nghiêm cấm. Năm 1994, Việt Nam đã tham gia CITES. Số lượng tang vật thu giữ đặc biệt lớn cho thấy hành vi phạm tội của BC đã gián tiếp đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi sinh vật biển quý, hiếm tại vùng biển Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam - Khánh Hòa trong công tác bảo tồn. Do đó, hậu quả do hành vi phạm tội của BC gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Tòa cũng bác đề nghị của VKS áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo cho BC.


Sau phiên tòa, luật sư Hà cho biết, BC sẽ kháng cáo toàn bộ bản án, đặc biệt là những nội dung buộc tội liên quan đến tình tiết định khung tăng nặng.   


NGUYỄN VŨ


 



Theo cáo trạng, tháng 12-2014, Hải bị cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ 4.383 xác cá thể rùa biển trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, cực kỳ lớn và thuộc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); 789 vỏ trai tai tượng khổng lồ thuộc danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn và thuộc phụ lục II CITES tại kho hàng của Hải cùng một số phương tiện, máy móc phục vụ chế tác. Trước đó 1 tháng, cơ quan chức năng cũng thu giữ của Hải 5.056kg xác cá thể rùa biển khô, thuộc danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn và thuộc phụ lục I CITES. Quá trình điều tra xác định, tuy không có giấy phép kinh doanh nhưng từ năm 2010, Hải đã thu mua nhiều xác rùa biển của ngư dân làm nguyên liệu chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ để bán kiếm lời. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ tại 2 bãi đất trống gần kho hàng của Hải 3.066 vỏ trai tai tượng khổng lồ.