10:12, 03/12/2017

Nhiều giải pháp xử lý nợ xấu

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1058 ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1058 ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa về nội dung này.


- Xin ông cho biết về tình hình nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn hiện nay?

 


- Tại Khánh Hòa, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nên nhiều năm nay nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn kiểm soát ở mức thấp so với mức trung bình cả nước. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của ngành NH với các ngành và bản thân các TCTD đã tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ TCTD Việt Nam (VAMC), thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kiểm soát việc gia tăng nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 0,7% tổng dư nợ. Nợ xấu tập trung ở loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (38,31%), công ty cổ phần (19,36%), hộ kinh doanh, cá nhân (15,36%), doanh nghiệp nhà nước (7,73%), doanh nghiệp tư nhân (6,71%). Ngành nghề kinh tế có tỷ lệ nợ xấu cao chủ yếu tập trung ở các ngành dễ chịu tác động của tình hình kinh tế, cụ thể: công nghiệp chế biến, chế tạo (26,99%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (15,32%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (15,05%); dịch vụ lưu trú, ăn uống (10,86%). Từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, đến cuối tháng 9-2017, tổng số nợ xấu được xử lý hơn 208 tỷ đồng; chủ yếu do khách hàng trả nợ chiếm 81,62%, phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ 6,07%,  bên thứ 3 trả nợ 3,06%, bán cho VAMC 6,96%, hình thức khác 2,26%.


- Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ làm gì để tiếp tục xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra, thưa ông?


- Mục tiêu kế hoạch đặt ra là triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD, tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, cải thiện thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD, thị trường tiền tệ. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư thương mại, tiêu dùng, hỗ trợ thị trường phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.


Để thực hiện được mục tiêu đề ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng phương án cơ cấu lại quỹ gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020; phê duyệt phương án do các quỹ tín dụng nhân dân xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, tích cực chủ động triển khai các giải pháp: đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu nợ xấu; tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản đảm bảo; thu nợ và tăng cường xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.


Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh TCTD trên địa bàn để đảm bảo mở rộng tín dụng phù hợp với khả năng nguồn vốn của TCTD, chỉ tiêu định hướng của NHNN và chỉ tiêu do hội sở chính TCTD giao cho các chi nhánh, đồng thời kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Triển khai kịp thời các quy định của NHNN, của ngành về lãi suất huy động, lãi suất cho vay, các lĩnh vực được ưu tiên về vốn và lãi suất để các doanh nghiệp, nông dân tiếp cận vốn. Theo dõi sát thị trường tài chính tiền tệ trên địa bàn để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chỉ đạo của NHNN trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện phương án xử lý nợ xấu các các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh TCTD  nâng cao chất lượng cấp tín dụng, chất lượng cán bộ tín dụng, đặc biệt là trong công tác thẩm định, phân tích dự án, đánh giá rủi ro… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý tài sản đảm bảo.


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)