09:08, 28/08/2017

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng (NH) cho nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa về nội dung này.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng (NH) cho nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa về nội dung này.


- Xin ông cho biết đôi nét về sự phát triển của các dịch vụ NH trên địa bàn tỉnh hiện nay?


- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 37 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 quỹ tín dụng nhân dân, với 156 điểm giao dịch NH và gần 320 máy ATM; phát hành khoảng 960.000 thẻ các loại. Toàn tỉnh đã phát triển 3.250 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) và 2.146 điểm chấp nhận thẻ, tổng doanh số thanh toán qua POS năm 2016 đạt 5.175 tỷ đồng, trong đó, thanh toán nội địa đạt 2.642 tỷ đồng. Về mở tài khoản thanh toán, đến nay, có 8.428 tài khoản tiền gửi thanh toán của tổ chức và 685.550 tài khoản cá nhân. Số lượng khách hàng cá nhân mở tài khoản tiền gửi thanh toán có kết hợp sử dụng các dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, nộp thuế, cước điện thoại, truyền hình, internet… ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 86,58% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản; tỷ lệ cán bộ, công nhân viên được trả lương qua tài khoản đạt 95,41%...

 


Về dịch vụ huy động vốn, đến nay, có 442.930 khách hàng gửi tiết kiệm, trong đó, một số khách hàng gửi tiết kiệm kết hợp với các dịch vụ khác như: dịch vụ bảo hiểm, bảo lãnh du học… Đối với dịch vụ cho vay, có 229.245 khách hàng vay vốn tại các TCTD; trong đó, có 2.900 khách hàng là doanh nghiệp (DN), 226.345 khách hàng cá nhân, chiếm 98,9%.


- NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đặt mục tiêu như thế nào về việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH trong thời gian tới, thưa ông?


- NHNN Chi nhánh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ NH cơ bản (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm) có chất lượng, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu và chi phí hợp lý đối với đại bộ phận người dân và DN; phát triển các phương thức giao dịch hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua NH; giảm sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán…


Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, ngành NH đẩy mạnh thanh toán thẻ qua POS tại các điểm bán hàng hóa, dịch vụ, phát triển hệ thống POS đạt 4.500 thiết bị, doanh số thanh toán nội địa qua POS đạt 5.000 tỷ đồng/năm và 1.500.000 lượt giao dịch/năm. Tiếp tục phát triển mạng lưới máy giao dịch tự động, đạt 380 máy ATM; tăng cường tích hợp các dịch vụ qua ATM, giảm tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt xuống còn 70% số lượt giao dịch và 60% giá trị giao dịch. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, ngành NH sẽ tập trung phát triển phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các NH thương mại tại địa bàn nông thôn đạt trên 15%. Ngành NH cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng mạnh số người dân được tiếp cận dịch vụ, tiện ích NH, đạt mức 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại NH, 40% dân số trưởng thành ở nông thôn có tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ DN phát triển, ngành NH tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng với mục tiêu có 60% số DN nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn tại các TCTD.


- Ngành NH sẽ thực hiện các giải pháp gì để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thưa ông?


- Ngành sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa với vai trò là đầu mối, sẽ tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai kịp thời và có hiệu quả các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng, thanh toán qua NH trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; cung ứng các sản phẩm, dịch vụ NH có thủ tục đơn giản, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư ở nông thôn. Bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ NH cung ứng cho nền kinh tế, mở rộng mạng lưới hoạt động, đồng thời kiểm soát được rủi ro; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát NH; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, NH. Thực hiện tốt vai trò đầu mối, nắm bắt kịp thời những phản ánh kiến nghị từ người dân và DN về sản phẩm và chất lượng dịch vụ của các TCTD; báo cáo, đề xuất với NHNN Việt Nam các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động NH.


Đối với các TCTD, tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán; chất lượng mạng lưới ATM, POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; phát triển, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh triển khai dịch vụ thu phí qua tài khoản NH đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch ATM, POS, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ…


Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ NH của các TCTD phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế của địa phương. Triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách của Chính phủ và NHNN, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kết nối NH - DN, bình ổn thị trường, các chương trình tín dụng chính sách của địa phương. Tích cực triển khai các giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành NH triển khai Nghị quyết số 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ NH…


Riêng NH Chính sách xã hội tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch tại xã, đặc biệt tại các xã nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm nhận tiền gửi tiết kiệm theo đặc thù riêng của NH Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo có thể tiết kiệm tạo lập vốn tự có; từng bước tiếp cận và đẩy mạnh nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ NH…


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)