11:06, 21/06/2017

Thị trường bất động sản hút vốn

Thị trường bất động sản (BĐS) sôi động đã hút lượng lớn vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này.

Thị trường bất động sản (BĐS) sôi động đã hút lượng lớn vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực này.


Cho vay lĩnh vực bất động sản tăng


Với việc cho vay vốn hàng loạt dự án như: căn hộ cao cấp Gold Coast, nhà ở xã hội PH Complex Nha Trang, dự án của HUD, Khu đô thị Nam Vĩnh Hải, các dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư VCN…, Vietcombank Khánh Hòa có dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS lớn với khoảng 2.382 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ của chi nhánh. Trong đó, cho vay mua nhà dự án khoảng 458 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS tại Vietcombank Nha Trang chiếm khoảng 35% tổng dư nợ của chi nhánh. Thời gian qua, chi nhánh đã hợp tác với một số chủ đầu tư cho vay đối với các khách hàng cá nhân một số dự án như: chung cư của VCN, Đường Sắt, An Bình, An Thịnh, Hoàng Quân… Chi nhánh cũng cho vay khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ lưu trú từ 2 đến 3 sao trên địa bàn tỉnh. Tại BIDV Khánh Hòa, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS khoảng 300 tỷ đồng. Chi nhánh tiếp cận và cho vay cả loại hình BĐS du lịch, đất nền và nhà ở xã hội…

 

Căn hộ khách sạn trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang

Căn hộ khách sạn trên đường Trần Phú, TP. Nha Trang


Theo ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, trong 2 năm gần đây, thị trường BĐS đang có tín hiệu tốt. Các dự án khi mở bán sản phẩm tiêu thụ nhanh, mạnh ở các phân khúc, đặc biệt là nhà ở xã hội. So với 1 năm trước, giá BĐS ở Nha Trang trung bình tăng từ 30 đến 50%. Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường BĐS sôi động, trong đó có chính sách về tín dụng, sự hỗ trợ vốn của các ngân hàng. Để thị trường BĐS phát triển, cần nguồn vốn ngân hàng có lãi suất ổn định. Nếu nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực BĐS siết lại, trong ngắn hạn chưa ảnh hưởng nhưng trung và dài hạn chắc chắn có sự tác động rất lớn. Mấy năm qua, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đã được triển khai thành công, thị trường cần gói mới để đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng.


Thẩm định kỹ khách hàng và dự án


Theo bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Vietcombank Khánh Hòa, dư nợ đối với lĩnh vực BĐS tăng nhưng chi nhánh kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Để đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực này, Vietcombank Khánh Hòa xác định thẩm định khách hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu để đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư. Chi nhánh thẩm định kỹ tài sản bảo đảm để xác định mức cho vay phù hợp và an toàn, không chạy theo giá thị trường đang quá nóng. Việc cho vay BĐS phải có sự sàng lọc kỹ khách hàng để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, còn thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để có sự linh hoạt và nhạy bén cho vay. Chủ trương của Vietcombank là cho vay có chọn lọc và có định hướng đối với lĩnh vực BĐS, dành những gói ưu đãi cho các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở và ưu tiên đối với khách hàng vay mua các dự án mà Vietcombank đã ký cam kết tài trợ hoặc cho vay đầu ra.


Bà Nguyễn Thị Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Vietcombank Nha Trang cho biết, thời gian qua, chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của chi nhánh tốt, không có nợ xấu. Chi nhánh chỉ cho vay chọn lọc các dự án BĐS hiệu quả và khả thi, đảm bảo nguồn trả nợ cho ngân hàng. Đại diện BIDV Khánh Hòa cũng cho biết, để đảm bảo an toàn vốn vay trong lĩnh vực BĐS, chi nhánh chú trọng khâu thẩm định dự án, đặc biệt tập trung vào các yếu tố: pháp lý dự án; hiệu quả của dự án; năng lực tài chính của chủ đầu tư; kinh nghiệm của chủ đầu tư. Hiện nay, thị trường BĐS ở Nha Trang đang tăng trưởng mạnh, BIDV Khánh Hòa vẫn tiếp tục xem xét cho vay đối với dự án đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngân hàng.


Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, ngành Ngân hàng tập trung kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay đạt 6.683 tỷ đồng, tăng 9,94%, so với đầu năm; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay ngành du lịch - dịch vụ - thương mại chiếm 63,44%; công nghiệp - xây dựng chiếm 28,56%. Dư nợ cho vay các đối tượng ưu tiên chiếm 45,23% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS hiện nay chiếm 5,7% tổng dư nợ. Tỷ lệ này trong tầm kiểm soát của NHNN và thấp hơn nhiều so với trước đây (tỷ lệ cho vay BĐS chiếm khoảng 9 - 10% tổng dư nợ). Để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả, NHNN Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao thực hiện trong năm 2017; kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như: đầu tư kinh doanh BĐS, các dự án BOT, BT giao thông; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh...


N.D