11:07, 18/07/2018

Tập trung trồng mới rừng sau bão

Mặc dù đang chịu cảnh thua lỗ do giá keo xuống thấp, nhưng người dân tại các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, nhất là 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn đẩy nhanh tiến độ tận thu để lấy đất tiếp tục trồng rừng.

 

Mặc dù đang chịu cảnh thua lỗ do giá keo xuống thấp, nhưng người dân tại các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, nhất là 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn đẩy nhanh tiến độ tận thu để lấy đất tiếp tục trồng rừng.

 

Toàn huyện Khánh Sơn có hơn 3.000ha rừng trồng, chủ yếu là rừng keo của các hộ gia đình. Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã khiến cho 460ha rừng trên địa bàn bị thiệt hại. Sau bão, người dân tập trung tận thu rừng bị gãy đổ để giảm thiểu thiệt hại; điều này dẫn đến nguồn cung gỗ nguyên liệu tăng cao khiến giá keo hạ thấp. Ngoài ra, một vấn đề lớn khiến thu nhập của người trồng keo thời gian qua xuống thấp là do chi phí thu hoạch tăng đột biến. Tiền công thu hoạch keo hiện ở mức 210.000 đồng/người/ngày, tăng khoảng 50.000 - 60.000 đồng/nhân công. Trong khi đó, với 1ha keo, để thu hoạch, vận chuyển từ rừng ra nơi thuận lợi để xe tải chở về nhà máy, người dân phải chịu chi phí tăng thêm khoảng 14 triệu đồng, tăng 30% so với trước.


Huyện Khánh Vĩnh có khoảng 8.000ha keo, trong đó có 2.000ha bị thiệt hại do cơn bão số 12. Tình trạng keo rớt giá cũng đang khiến cho nông dân huyện Khánh Vĩnh rơi vào cảnh thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Xuân - nông dân trồng keo tại xã Khánh Trung cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá keo chỉ duy trì ở mức 1 triệu đồng/tấn nhưng thương lái thu mua rất chậm, họ lý giải do keo còn tồn ở cổng nhà máy nhiều. Gia đình tôi có 5ha keo, còn khoảng 2ha chưa thu hoạch nhưng nếu thu toàn bộ cũng chỉ được khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí chỉ mới đủ vốn. Hiện nay, Khánh Vĩnh đang có mưa, thuận lợi cho việc trồng rừng, vì vậy gia đình tôi đang muốn bán nhanh diện tích còn lại để phát dọn, trồng tiếp đợt keo mới”.

 

Keo giống trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đang trở nên khan hiếm do người dân đồng loạt trồng lại rừng.

Keo giống trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đang trở nên khan hiếm do người dân đồng loạt trồng lại rừng.

 

Được biết, ngoài nguyên nhân nguồn cung lớn, sở dĩ giá keo xuống thấp như hiện nay còn do chất lượng keo giảm sút. “Có nhiều diện tích rừng trồng từ sau cơn bão số 12 đến nay vẫn chưa được tận thu, keo bị gãy đổ, nằm phơi nắng, mưa nên chất lượng giảm sút nghiêm trọng, bắt đầu có hiện tượng mục rỗng. Ngoài ra, có nhiều cánh rừng chỉ mới 2 - 3 năm tuổi đã bị gãy đổ, người dân buộc phải cắt bán để trồng mới nên phẩm cấp gỗ, chất lượng lâm sản thấp, người mua chỉ thu mua với giá từ 10 - 20 triệu đồng/ha. Điều đáng mừng là hiện nay, tốc độ thu mua của các nhà máy đã được đẩy nhanh hơn, giá keo cũng bắt đầu nhích lên nên chúng tôi đang đẩy nhanh việc thu hoạch keo, trả mặt bằng cho người dân trồng lại rừng”, ông Trần Ngọc Tam - người thu mua keo tại khu vực Khánh Trung, Cầu Bà  cho hay.


Tuy giá keo thấp, thu không đủ bù chi nhưng tâm lý chung của người trồng keo là mong muốn tận thu càng sớm càng tốt để lấy đất trồng lứa keo mới. Ông Nguyễn Ngọc Thanh - người trồng keo tại xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Trước mùa trồng rừng mới, chúng tôi lo lắng chi phí nhân công khá cao sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc trồng keo. Bên cạnh đó, do nhiều hộ đồng loạt trồng mới nên nguồn giống trở nên khan hiếm, giá keo giống tăng”.


Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, người dân trên địa bàn Khánh Vĩnh đã tận thu được khoảng 75% diện tích keo bị gãy đổ do cơn bão số 12. Thời gian gần đây, trên địa bàn có mưa nhiều, những diện tích thu hoạch xong đã và đang được người dân phát dọn, xuống giống để trồng mới. Những diện tích còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ tận thu để kịp mùa trồng rừng”. Còn theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích rừng bị gãy đổ sau cơn bão số 12 trên địa bàn huyện đã được tận thu xong; các diện tích này đang được người dân trồng mới.


BÍCH LA