11:07, 04/07/2018

Cơ sở chế biến mộc dân dụng: Thu hẹp vì thiếu nguyên liệu

Hiện nay, các cơ sở chế biến mộc dân dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong khi nguồn gỗ rừng trồng chưa đảm bảo thì nguồn gỗ nhập khẩu giá thành khá cao, hạn chế về chất lượng lẫn số lượng. 

 

Hiện nay, các cơ sở chế biến mộc dân dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong khi nguồn gỗ rừng trồng chưa đảm bảo thì nguồn gỗ nhập khẩu giá thành khá cao, hạn chế về chất lượng lẫn số lượng. 


Ông Nguyễn Quang Bắc - chủ cơ sở sản xuất mộc dân dụng Quang Bắc (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, trước đây, khi các chủ rừng nhà nước còn được phép khai thác thì có nguyên liệu để sản xuất, giá thành gỗ nguyên liệu cũng không cao như bây giờ. Hiện nay, giá gỗ kiền kiền hay giổi hơn 12 triệu đồng/m3, tăng 1,5 lần so với thời điểm này năm trước. Tại cơ sở của ông, nhu cầu khách hàng khá lớn, mỗi tháng cần 4 - 5m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất nhưng không mua được. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu tăng cao khiến giá các sản phẩm mộc thành phẩm cũng tăng theo.

 

Ông Nguyễn Văn Danh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh cho hay, số lượng cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đang giảm dần; quy mô cũng thu hẹp. Thời điểm tháng 10-2017, toàn huyện có 50 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, đến nay chỉ còn 30 cơ sở; trong số đó có gần 10 cơ sở vẫn còn giấy phép kinh doanh nhưng đóng cửa không hoạt động. Các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng và chủ yếu là cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ từ gốc, rễ cây. Qua kiểm tra, hiện nay, nguồn nguyên liệu đầu vào của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ đấu giá, rừng trồng và nhập khẩu.


TP. Nha Trang có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ nhưng hoạt động của các đơn vị cũng khá khó khăn. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Gia Nguyên (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết, hiện nay, với sự hình thành của các khu đô thị, nhu cầu sử dụng gỗ dân dụng rất lớn nhưng các cơ sở sản xuất đồ mộc lại không đáp ứng được nhu cầu do thiếu nguồn nguyên liệu. Để đáp ứng được các đơn hàng, trong khi nguồn cung trong nước hạn chế, các doanh nghiệp phải sử dụng gỗ nhập khẩu, chất lượng không bằng gỗ trong nước nhưng giá lại tăng gấp đôi. Cụ thể, gỗ sao nhập khẩu giá hơn 15 triệu đồng/m3, gỗ gõ hơn 30 triệu đồng/m3. Hiện nay, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang tiếp tục tăng do các nước xuất khẩu gỗ đang siết chặt việc xuất khẩu mặt hàng này.

 

Các cơ sở chế biến mộc dân dụng gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Các cơ sở chế biến mộc dân dụng gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.

 

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Nha Trang, nếu như cuối năm 2017, trên địa bàn thành phố có 41 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm gỗ thì đến nay chỉ còn 37 cơ sở hoạt động. Nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp, cơ sở chủ yếu là gỗ nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ, Nga… Lượng gỗ được nhập về để chế biến tăng nhanh, nếu trong 3 tháng đầu năm chỉ có 800m3 thì trong quý II năm nay, lượng gỗ nhập khẩu tăng lên gần 1.800m3 gỗ tròn và gỗ xẻ.


Tương tự, tại huyện Vạn Ninh các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mộc dân dụng cũng bị thu hẹp, toàn huyện chỉ còn 2 cơ sở mua bán, 7 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Tại huyện Cam Lâm chỉ còn khoảng 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm gỗ còn hoạt động; TP. Cam Ranh chỉ còn 5 cơ sở hoạt động; thị xã Ninh Hòa còn 14 doanh nghiệp và 1 hộ kinh doanh cá thể hoạt động thường xuyên; tại huyện Khánh Sơn chỉ có 1 cơ sở hoạt động thường xuyên, 10 cơ sở hoạt động cầm chừng.


Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Trước thực trạng này, nguy cơ các cơ sở sử dụng nguồn gỗ khai thác trái phép rất lớn. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, bên cạnh tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động đúng theo giấy phép đã được cơ quan chức năng cấp, còn tiến hành giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào tại các cơ sở chế biến lâm sản, xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng gỗ không có giấy tờ hợp pháp. Việc quản lý chặt vấn đề này sẽ góp phần vào việc giữ rừng được tốt hơn”. 


BÍCH LA