07:06, 22/06/2018

Vào rừng tìm sản vật

Quanh năm gắn bó với núi rừng, mùa nào thức ấy nên không ít đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh thường rủ nhau vào rừng tìm "lộc rừng" về bán. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với các hộ, nhất là hộ nghèo.

Quanh năm gắn bó với núi rừng, mùa nào thức ấy nên không ít đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) thường rủ nhau vào rừng tìm “lộc rừng” về bán. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với các hộ, nhất là hộ nghèo.


Kết bạn với nhóm của Cao Cà Diên (xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh) len lỏi khắp vùng Cà Lung (xã Liên Sang) - Ngầm 10 (xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh)ol, chúng tôi nhập vào nhóm người đi rừng tìm chuối mọc hoang tự nhiên. Vừa đi, Diên vừa chia sẻ: “Người đi tìm “lộc rừng” cứ đi hết rừng này sang rừng khác, từ mùa này sang mùa kia, mùa nào thì tìm thức ấy. Như mùa mưa, khi cây nấm linh chi mọc nhiều thì đi tìm nấm, bẻ măng, cận Tết hoa đót nở thì đi hái đót. Mùa này, người đi rừng thường đi thu hái chuối rừng, tìm mây, hái lan nhung hay săn mật ong… Nếu may mắn, một ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn đồng”.

 

Người dân xã Liên Sang thu hái chuối rừng.

Người dân xã Liên Sang thu hái chuối rừng.


Đến khu vực rừng Cà Lung, men theo những khe nước nhỏ, trước mắt chúng tôi là vạt chuối xanh mướt mắt. Để lấy được chuối, người đi rừng phải len lỏi giữa những rừng lồ ô dày ken; vượt qua những mỏm đá trơn trượt, nhọn hoắt. Diên tinh mắt phát hiện một buồng chuối già, quả nhỏ hơn ngón chân cái căng tròn nằm lấp ló dưới mấy tàu lá chuối. Dùng rựa phát dọn dây leo, lồ ô một hồi, Diên mới chặt được buồng chuối đưa xuống, bỏ vào gùi.


Hành trình của nhóm người đi tìm sản vật rừng cứ thế tiếp tục. Qua những con suối nhỏ, ẩm ướt, phát hiện ra mấy vạt lan nhung, Diên lại thu hái, bỏ riêng vào túi ni lông, rồi bảo: “Đi rừng thấy gì thì lấy nấy, như loại lan nhung này chẳng hạn, mang về bán cho các đầu nậu chuyên thu mua dược liệu ở thị trấn cũng được 800.000 đồng/kg. Còn chuối rừng, trước đây chỉ có người đồng bào DTTS lấy về ngâm rượu uống. Mấy năm gần đây, các điểm dừng chân phục vụ khách du lịch ven đường Khánh Lê - Lâm Đồng cũng đặt hàng nên chúng tôi đi tìm chuối về bóc vỏ, phơi khô để bán với giá 120.000 đồng/kg. Không chỉ khách du lịch mà người dân TP. Nha Trang, các huyện đồng bằng trong tỉnh cũng hay hỏi mua về ngâm rượu uống”.


Dừng chân nghỉ mệt bên con suối nhỏ, chúng tôi gặp nhóm người trở ra từ rừng thượng nguồn xã Khánh Thành. Hỏi ra mới biết họ đi đốt ong trong rừng đã 5 ngày nay, chiến lợi phẩm mang về là 2 can mật ong gần 20 lít. “Hiện nay, mật ong rừng được thương lái thu mua 500.000 đồng/lít, mấy anh em chúng tôi chuyến này trúng đậm”, ông Pi Năng Thao hồ hởi khoe. Tuy nhiên, theo ông Thao, để lấy được mật ong không phải dễ, ngoài chuyện “đi tăm” để xác định tổ từ đầu, theo dõi sự phát triển của tổ, gian nan nhất là khi lấy mật, bởi đàn ong rừng rất hung dữ.  


Chiều dần buông, nhóm những người đi tìm sản vật rừng bắt đầu trở về. Hỏi chuyện bà Trần Thị Cương -một người ở Diên Khánh chuyên thu mua “lộc rừng” tại khu vực Liên Sang - Sơn Thái, bà cho biết: “Tôi đã nhiều năm thu mua “lộc rừng” từ đồng bào DTTS trong vùng, nên tôi cũng phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của người đi tìm. Trước đây, mỗi mùa tôi thu mua được gần 1 tấn nấm linh chi tươi, 5 - 7 tấn đót khô, hàng tấn hạt mây, hàng trăm lít mật ong rừng… Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, nguồn lợi từ rừng ngày càng suy giảm nhưng thu nhập của người dân cũng khá cao, khoảng 200 - 300.000 đồng/người/ngày; thậm chí khi trúng mật ong, thu nhập lên đến cả triệu đồng”.


Trao đổi với lãnh đạo một số xã ở Khánh Vĩnh, được biết, ở các địa phương miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, những lúc nương rẫy ngớt việc, việc săn tìm sản vật từ rừng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức, hay không đúng cách như hiện nay đang khiến cho nguồn lợi từ rừng suy giảm. Đó là chưa kể, việc người dân vào rừng, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong việc sử dụng lửa thì sẽ dẫn đến nguy cơ lớn về cháy rừng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thu hoạch “lộc rừng” theo hướng bền vững, đồng thời nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng.


BÍCH LA