07:04, 27/04/2018

Chú trọng bảo quản sản phẩm trên tàu cá

Những năm gần đây, các tàu khai thác xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng khâu sơ chế, đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm trên tàu cá, nhờ đó tỷ lệ tổn thất sau khai thác giảm, chất lượng hải sản được nâng lên.

 

Những năm gần đây, các tàu khai thác xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng khâu sơ chế, đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm trên tàu cá, nhờ đó tỷ lệ tổn thất sau khai thác giảm, chất lượng hải sản được nâng lên.


Tổn thất còn cao


Lâu nay, ngư dân Khánh Hòa vẫn thường bảo quản hải sản theo cách truyền thống là ướp nước đá xay. Tuy nhiên, trong điều kiện đội tàu khai thác chủ yếu là tàu vỏ gỗ, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến độ lạnh không đạt nên chất lượng sản phẩm sau khai thác giảm sút. Trong điều kiện ấy, mỗi chuyến biển đều kéo dài hơn 20 ngày, nên khi về đến bờ, các nậu vựa thu mua chê cá chất lượng kém là điều dễ hiểu.

 

Theo ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, trước đây, tỷ lệ tổn thất sau khai thác trên các tàu cá của tỉnh lên đến 40 - 50%. Hiện nay, tỷ lệ này đã giảm nhưng vẫn còn khá cao, đối với các tàu câu, tàu lưới vây là 12 - 18%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, thu nhập của ngư dân. Để nâng cao chất lượng hải sản sau khai thác, đảm bảo hiệu quả mỗi chuyến biển, tăng lợi nhuận cho ngư dân, ngoài các yếu tố về dự báo ngư trường, ứng dụng trang thiết bị, kỹ thuật khai thác hiện đại, phát triển đội tàu dịch vụ..., việc đầu tư hệ thống và công nghệ bảo quản tiên tiến rất quan trọng, nhất là với các tàu khai thác xa bờ. Hiện nay, có một số nghiên cứu về công nghệ bảo quản mà ngư dân có thể tham khảo để áp dụng như: bảo quản bằng đá sệt, ngâm hạ nhiệt thủy sản, công nghệ lạnh thấm…


Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, không riêng Khánh Hòa,  các tàu cá ở nhiều địa phương khác cũng đang tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến việc sơ chế, bảo quản sản phẩm hải sản sau khai thác nên dẫn đến tỷ lệ tổn thất sau khai thác còn cao, từ 15 - 25% tùy theo ngành nghề. Vì vậy, cần hỗ trợ ngư dân nâng cấp trang thiết bị, hầm bảo quản; ứng dụng công nghệ mới trong sơ chế, bảo quản sản phẩm trên tàu cá…

 

Chất lượng sản phẩm hải sản sau khai thác của ngư dân Khánh Hòa ngày càng được nâng cao.

Chất lượng sản phẩm hải sản sau khai thác của ngư dân Khánh Hòa ngày càng được nâng cao.

 

Chú trọng khâu bảo quản


Trong chuyến biển mới đây, tàu cá của ngư dân Trần Văn Mây ở Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đánh bắt được hơn 40 con cá ngừ đại dương, trong số đó cá đạt chất lượng loại 1 lên đến 80%, được doanh nghiệp thu mua với giá 125.000 đồng/kg. Sở dĩ tỷ lệ cá đạt loại 1 cao là nhờ tàu cá của ông Mây áp dụng các biện pháp sơ chế đúng cách và thời gian đưa cá vào hầm bảo quản ngắn, chưa đến 30 phút. Ngoài ra, tàu cá của ông còn trang bị hầm bảo quản làm bằng vật liệu xốp PU foam, tỷ lệ hao hụt trong chuyến biển 20 ngày chỉ dưới 5%. Không riêng tàu cá này, nhiều tàu khai thác xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng khâu bảo quản, đầu tư công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm hải sản sau thu hoạch, hiệu quả chuyến biển cũng tăng theo.


Đại diện một số doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Suối Dầu nhận định: Cách đây chừng 4 - 5 năm, các sản phẩm cá ngừ vây vàng mắt to, cá ngừ sọc dưa của các tàu cá trên địa bàn tỉnh khai thác được chỉ có chưa đến 50% sản lượng đạt chất lượng loại 1, tỷ lệ này trung bình hiện nay lên đến 80%, thậm chí các tàu tham gia các chuỗi liên kết còn đạt trung bình hơn 90% sản lượng cá loại 1. Chất lượng sản phẩm nâng cao nên đã đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 1.300 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu là tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, ngừ sọc dưa… Với sản lượng đánh bắt được trung bình khoảng 4.000 tấn/năm đối với cá ngừ đại dương và từ 25.000 - 30.000 tấn đối với cá ngừ sọc dưa, nhờ bảo quản cá ngừ sau khai thác tốt, nên có đến 70 - 90% sản lượng cá ngừ các loại được xuất khẩu. Kết quả này có được là nhờ ngư dân đã tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao trình độ khai thác, cũng như nâng cấp hầm bảo quản tàu cá. Ngoài ra, khi ngư dân tham gia các chuỗi liên kết, thực hiện các khâu sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn nên đã giảm được thất thoát chất lượng sản phẩm sau khai thác”.


BÍCH LA