12:01, 05/01/2018

Đề án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong: Cần nêu bật lợi thế của cảng nước sâu

Ngày 4-1, ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và làm việc với tỉnh về việc xây dựng Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong).

Ngày 4-1, ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và làm việc với tỉnh về việc xây dựng Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là Đặc khu Bắc Vân Phong). Các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn.


Tập trung phát triển cảng nước sâu


Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh cho biết, đề án dự kiến Trưởng Đặc khu là người đứng đầu, đồng thời là Bí thư Đặc khu; giúp việc cho Trưởng Đặc khu có các Phó trưởng Đặc khu, trong đó có một phó kiêm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam của đặc khu; dưới có các cơ quan tham mưu, chuyên môn gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức và quản lý nguồn nhân lực, Ban Kinh tế tổng hợp, Ban Phát triển hạ tầng, Ban Tài nguyên - Môi trường, Ban Kiểm tra - Pháp chế, Ban Chính sách xã hội, Ban Tuyên truyền - Vận động. Ngoài ra, đề án dự kiến thành lập 13 khu hành chính, dựa trên cơ sở 13 xã, thị trấn hiện nay của huyện Vạn Ninh. Các khu hành chính giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến công dân, tổ chức, doanh nghiệp theo phân cấp, ủy quyền của Trưởng Đặc khu.

 

Đồng chí Lê Vĩnh Tân và đồng chí Lê Thanh Quang chủ trì buổi làm việc.

Ông Lê Vĩnh Tân và  ông Lê Thanh Quang chủ trì buổi làm việc.


Về phát triển ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, đề án định hướng tập trung phát triển 4 ngành nghề, lĩnh vực chính, gồm: dịch vụ vận tải biển; dịch vụ thương mại - tài chính; dịch vụ y tế - giáo dục; công nghệ cao. Trong 4 lĩnh vực này, đoàn công tác đặc biệt chú ý đến dịch vụ vận tải biển, bởi đây là ngành nghề khác biệt của Bắc Vân Phong so với Phú Quốc và Vân Đồn. Theo UBND tỉnh, vịnh Vân Phong có độ sâu trung bình từ 20 đến 30m, kín gió, ít chịu ảnh hưởng bão, không bị bồi lắng và có quy mô diện tích lớn. Điều kiện hạ tầng ở Bắc Vân Phong cũng thuận lợi, kết nối giao thông với Quốc lộ 1, gần đường sắt bắc - nam, gần sân bay Tuy Hòa, sân bay quốc tế Cam Ranh. Chính vì thế, việc phát triển ngành nghề cảng biển và dịch vụ logistics là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia. Bên cạnh đó, các đặc khu kinh tế trên thế giới đều có cảng biển lớn nên sẽ dễ dàng kết nối trong hoạt động thương mại.


Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, phát triển cảng biển ở Bắc Vân Phong sẽ tạo bước đột phá cho ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia trong thời gian tới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; góp phần quan trọng phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ cảng biển quốc gia, thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam; đưa kinh tế hàng hải trở thành ngành kinh tế đứng đầu trong các ngành kinh tế biển.


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ khó khăn của Khánh Hòa khi Luật Đặc khu chưa có, chưa có tiêu chí để thẩm định đề án thành lập đặc khu. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án cần liên tục cập nhật để bám sát luật. Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong đề án Khánh Hòa phải nêu bật được lợi thế của cảng nước sâu Bắc Vân Phong, tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ nếu có cơ chế chính sách hợp lý. Đồng thời, tỉnh cần làm rõ xem có cần duy trì 13 khu hành chính thay 13 xã, thị trấn không, hay rút gọn còn 7 hoặc 8 khu theo lĩnh vực kinh tế cụ thể.


Băn khoăn tòa án trong đặc khu


Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm việc với Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vạn Ninh để lắng nghe ý kiến khi Đặc khu Bắc Vân Phong sắp được thành lập.

 

Ngày 4-1, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm việc với xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân trong xã. Báo cáo với Bộ trưởng, ông Mai Hữu Xuân - Chủ tịch UBND xã Vạn Bình cho biết, cuối năm 2017, xã đã tiến hành lấy ý kiến của 8 khu dân cư trong xã về việc thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong. Nhìn chung, người dân rất đồng tình với chủ trương của Trung ương, đồng thời thống nhất thành lập đặc khu với tỉ lệ 99,4%.

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Đỗ Công Đa - Chánh án TAND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, tòa có 100 cán bộ, công chức, trong đó chỉ có 7 thẩm phán. Trong vài năm gần đây, lượng án giải quyết đều tăng khoảng 10% mỗi năm. Cụ thể, năm 2017, huyện Vạn Ninh giải quyết hơn 700 vụ án, đây là con số quá lớn so với 7 thẩm phán hiện có. Nói về việc thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong, ông Đa cho biết, chưa được tiếp cận các tài liệu về mô hình này, nhưng đã được nghe Chánh án TAND tỉnh thông báo, với yêu cầu về trình độ, năng lực của tòa án cao hơn khi toàn huyện Vạn Ninh trở thành đặc khu. “Tôi được biết TAND trong đặc khu cần phải có thẩm phán cao cấp, nhưng hiện nay cả tỉnh chỉ có 1 thẩm phán cao cấp là Chánh án TAND tỉnh. Hiện nay, TAND huyện Vạn Ninh chỉ có vài thẩm phán trung cấp, còn lại là thẩm phán sơ cấp; nếu muốn đáp ứng yêu cầu công việc của đặc khu thì Trung ương phải tạo điều kiện cho thẩm phán được đi đào tạo nâng ngạch hoặc điều người về TAND huyện Vạn Ninh”, ông Đa chia sẻ.


Lãnh đạo TAND huyện Vạn Ninh cũng cho rằng, hiện nay, Vạn Ninh chưa có tòa án chuyên trách về dân sự, hình sự, kinh tế… nhưng qua thực tế triển khai công việc thì có thể thành lập được các tòa thứ cấp để đáp ứng yêu cầu của đặc khu. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các thẩm phán và cán bộ tòa hiện nay là trình độ ngoại ngữ còn yếu, trình độ xử các vụ án kinh tế, tranh chấp hợp đồng liên quan đến yếu tố nước ngoài chưa nhiều. Nếu huyện Vạn Ninh lên đặc khu, chắc chắn có sự xuất hiện của người nước ngoài, phát sinh các tranh chấp kinh tế phức tạp nên đội ngũ cán bộ của tòa cần phải được bổ sung và đào tạo thêm.


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận những kiến nghị của TAND huyện Vạn Ninh, đồng thời yêu cầu ngay từ bây giờ phải chuẩn bị tốt về mặt nhân sự cho việc hình thành Đặc khu Bắc Vân Phong. Trong đề án xây dựng Luật Đặc khu cũng dự kiến điều chuyển một số thẩm quyền của tòa cấp tỉnh về tòa án đặc khu để giải quyết các vấn đề phức tạp. Đoàn công tác sẽ nghiên cứu và đề xuất xem nên đào tạo tại chỗ để nâng ngạch thẩm phán hay điều chuyển thẩm phán từ nơi khác về; nếu điều chuyển thì điều từ Trung ương hay ngay tại địa phương…


VĂN KỲ