11:01, 08/01/2018

Các khoản vay tín dụng chính sách bị thiệt hại do bão: Đang đề xuất tháo gỡ

Sau cơn bão số 12, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa có tới 7.499 món vay bị thiệt hại do bão. Tuy nhiên, việc xử lý rủi ro đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay gặp một số khó khăn nên NHCSXH đã đề xuất hướng tháo gỡ.

 

Sau cơn bão số 12, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa có tới 7.499 món vay bị thiệt hại do bão. Tuy nhiên, việc xử lý rủi ro đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay gặp một số khó khăn nên NHCSXH đã đề xuất hướng tháo gỡ.


Tổng thiệt hại hơn 167 tỷ đồng


Sau bão, rẫy của vợ chồng ông Nguyễn Thuận và bà Từ Thị Tuyết My (thôn Như Xuân 1, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) chỉ còn vài cây xoài lớn, còn lại là những cây chuối, xoài vừa trồng dặm. Bão tan, vườn xoài 7 năm tuổi đã cho thu hoạch đến mấy trăm cây gần như bị thiệt hại 100%, gần 1.000 cây chuối cau, chuối mốc cũng đổ gục. Ông Thuận thở dài: “Bình thường trông vào vụ chuối Tết nhưng năm nay chẳng còn gì”. 4 năm trước, ông vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn hộ cận nghèo để thêm tiền chăm sóc cây trồng trên diện tích rẫy khai hoang đã nhiều năm. Tháng 3 năm nay đến hạn trả nợ vốn vay, dự định vụ chuối Tết sẽ dư dả trả nợ nhưng “người tính không bằng trời tính” nên gia đình ông mong ngân hàng gia hạn và cho vay mới để tiếp tục trồng lại cây, mua phân bón chăm sóc. Bà Đỗ Thị Nhị - Tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm thôn Như Xuân 1 cho biết, hộ vay trả lãi hàng tháng đều đặn, còn phần vốn vay đến hạn nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ thì đề nghị ngân hàng gia hạn nợ.

 

Ông Thuận mới trồng lại xoài sau bão.

Ông Thuận mới trồng lại xoài sau bão.


Cùng thôn Như Xuân 1, gia đình bà Nguyễn Thị An cũng vay 15 triệu từ chương trình cho vay vốn hộ cận nghèo để làm rẫy trồng xoài, đào, chuối, khoản vay còn 1 năm nữa đến hạn trả nợ. Sau bão, khoảng 70 - 80 cây xoài lớn, một số cây đào, chuối đang ra buồng cũng hỏng hết. Hiện nay, bà An làm phụ hồ và nguyện vọng là muốn vay thêm để trồng lại rẫy.


Cơn bão số 12 gây thiệt hại nặng cho người dân Khánh Hòa, trong đó có đối tượng vay vốn NHCSXH. Theo đại diện NHCSXH tỉnh, ngay khi cơn bão đi qua, NHCSXH tỉnh đã có văn bản gửi các phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phối hợp với UBND, hội, đoàn thể cấp xã rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại vốn vay để báo cáo và đề xuất các giải pháp xử lý. Đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các hộ vay vốn bị thiệt hại do bão một cách công bằng, công khai.


Qua rà soát, có 7.499 món vay bị thiệt hại với số nợ vay hơn 167 tỷ đồng. NHCSXH đề xuất gia hạn nợ 1.494 món với số tiền gần 40,7 tỷ đồng; khoanh nợ 4.430 món với số tiền gần 93,2 tỷ đồng; xóa nợ 1.575 món, số tiền hơn 33,5 tỷ đồng. Nhu cầu cho vay khôi phục sản xuất sau bão là 2.599 hộ với số tiền hơn 91,3 tỷ đồng.


Đề xuất hướng tháo gỡ


Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xử lý rủi ro đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo Quyết định 50 ngày 28-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH: áp dụng khi khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản. Thực tế, sau cơn bão số 12, một số hộ vay bị thiệt hại nặng nề về tài sản, hầu như không còn gì (nhà sập, cây gãy đổ…) nhưng vốn vay NHCSXH không bị thiệt hại (ví dụ vốn vay nuôi trâu, bò). Tuy nhiên, với 1 - 2 con trâu, bò thì hộ vay không thể tái sản xuất, thậm chí còn phải bán đi để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, NHCSXH tỉnh đề xuất, với các hộ vay bị thiệt hại như trên, nếu không có khả năng trả nợ gốc và lãi thì đề nghị xóa nợ; chưa có khả năng trả nợ gốc và lãi thì đề nghị khoanh nợ; có khả năng trả lãi nhưng chưa có khả năng trả nợ gốc, đề nghị gia hạn nợ.


Đối với một số hộ vay vốn chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên mà nhà và tài sản bị thiệt hại nặng sau bão, thu nhập của sinh viên để trả nợ gốc, lãi hiện nay cần sửa chữa nhà, khắc phục kinh tế gia đình, tạm thời chưa có khả năng trả nợ thì NHCSXH đề nghị khoanh nợ. Một số hộ vay bị mất trắng (cả vốn vay NHCSXH và tài sản của gia đình), không có khả năng khôi phục sản xuất nhưng hộ vay còn trong độ tuổi lao động, theo quy định chỉ được khoanh nợ. Tuy nhiên, các đối tượng này hiện nay chỉ làm thuê, kiếm sống qua ngày nên sau khi hết khoanh nợ vẫn không có khả năng trả nợ. Vì vậy, NHCSXH tỉnh đề nghị xóa nợ. Đối với các đối tượng vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo về nhà ở, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn không thuộc chương trình cho vay bổ sung. Tuy nhiên, nhà sập, nhà vệ sinh bị hư hại, các hộ vay sản xuất, kinh doanh các xã vùng khó khăn bị thiệt hại nặng nề… cần vay vốn bổ sung để khắc phục. Vì vậy, NHCSXH tỉnh đề nghị cho các trường hợp này được vay vốn bổ sung.


N.Du