11:09, 13/09/2017

Người mở lối cây sầu riêng trên đất Sông Cầu

Từ chiến trường biên giới Campuchia trở về với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61%, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) với nghị lực và chất lính đã vượt qua số phận để làm giàu trên quê hương.

 

Từ chiến trường biên giới Campuchia trở về với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61%, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) với nghị lực và chất lính đã vượt qua số phận để làm giàu trên quê hương.


Đón chúng tôi trong vườn cây ăn quả rộng 3ha của gia đình ở xã Sông Cầu, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1960) bắt đầu câu chuyện của mình một cách hóm hỉnh, không chút ca thán. Ông kể, từ chiến trường biên giới Campuchia trở về nhà ở Diên An loay hoay không biết làm gì, thấy cuồng tay chân nên khăn gói lên Sông Cầu lập nghiệp. “Một phần vì muốn trải nghiệm, phần còn lại từ trong sâu thẳm nghĩ rằng mình là thanh niên, là người lính, lại còn là anh lớn trong gia đình nên không thể cứ ngồi một chỗ nhận trợ cấp từ Nhà nước hay cha mẹ, vậy là lên đường”, ông Sơn nhớ lại.

 

Ngày trước, Sông Cầu khá hoang vu, đường sá chưa thuận tiện, chỉ có một vài hộ trồng bắp, mì và lúa. Ông Sơn bắt đầu phát nương trồng bắp và lúa như bao người. Bán được vụ nào ông lại đầu tư mua đất và thuê người phát nương. Chẳng mấy chốc ông đã có 11ha đất trồng trọt. Năm 1990, thấy ngành mía đường phát triển, ông mạnh dạn phá nương bắp trồng mía. Đến năm 1992, ông bỏ cây mía truyền thống để đầu tư giống mía cao sản và đạt lợi nhuận cao hơn các giống cây phổ biến tại địa phương. Nhờ sự táo bạo của người cựu chiến binh mà nhiều nông dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo ông Sơn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, vào năm 1994, mía rớt giá thê thảm, giá công nhân chặt mía còn cao hơn giá bán mía nên ông Sơn phải bán 8ha đất để trả nợ. Còn một chút vốn, ông đầu tư nuôi cá trắm cỏ và rô phi, nhưng khi cá đang đợi ngày xuất bán thì trận lũ tháng 6-1996 đã cuốn sạch tài sản ông theo dòng nước. Ông Sơn bùi ngùi nói: “Tôi lại trắng tay thì mọi thứ gần như sụp đổ, tôi không còn đủ tiền để mua máy bơm nước trồng cây”.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn - người tiên phong đưa cây sầu riêng  vào đất Sông Cầu

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn - người tiên phong đưa cây sầu riêng vào đất Sông Cầu

 

Gần 10 năm gầy dựng lại từ đầu, có được chút vốn, ông Sơn mạnh dạn đầu tư 200 gốc sầu riêng và 250 cây xoài cát Hòa Lộc trên 3ha đất còn lại. “Xưa nay, người Sông Cầu chỉ trồng bắp, mía, mì, chưa ai nghĩ đến việc trồng cây sầu riêng. Do đó, khi nghe tin tôi trồng sầu riêng, nhiều người lấy làm lạ, mọi ánh mắt đổ dồn về vườn nhà”, ông Sơn nói. Ngay lứa trái đầu tiên, ông Sơn điếng người khi trái chưa chín thì rụng hết, cây bắt đầu đổ bệnh. Biết gặp “ca khó”, ông khăn gói lên đất Khánh Sơn gõ cửa các vườn lớn để học nghề. Nhờ đó, vườn sầu riêng được cứu.


Từ vườn sầu riêng thành công của người cựu chiến binh, người dân Khánh Vĩnh bắt đầu xuống giống sầu riêng và chẳng mấy chốc, nơi đây được xem là địa phương có năng suất cũng như mật độ cây sầu riêng đứng thứ hai toàn tỉnh.


Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Cầu nhận định: “Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn là người có nhiều đóng góp cho nông nghiệp Sông Cầu, chính ông là người tiên phong trồng nhiều giống cây mới, đặc biệt là cây sầu riêng. Từ những việc ông làm, đã tạo tiền đề để người dân Sông Cầu làm giàu với nông nghiệp. Bản thân ông Sơn còn là người năng nổ trông công tác hội và thường xuyên giúp đỡ người dân trong vùng”. Ông Sơn không chỉ chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp, mà còn cho người dân mượn vốn làm ăn. Hiện nay, vườn của ông có khá đông lao động là người dân tộc thiểu số làm việc theo vụ mùa và cố định. “Ông Sơn đối đãi rất tốt với chúng tôi. Ngoài tiền lương, hỗ trợ ăn sáng, khi trong nhà chúng tôi có người thân bị bệnh, trẻ nhỏ đi học ông cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để chúng tôi khám, chữa bệnh và cho con cái ăn học”, chị Cao Thị Mỹ Lệ - người dân tộc Raglai làm việc cho ông Sơn thổ lộ.


Với những đóng góp của mình, vừa qua, ông Sơn đã được nhận bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là một trong những đại biểu đại diện tỉnh Khánh Hòa tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ tại Hà Nội.


Bích Thùy