10:09, 06/09/2017

Chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ: Tín hiệu tích cực

Mới đây, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ sọc dưa giữa Công ty TNHH Tín Thịnh (Khu công nghiệp Suối Dầu) và 25 chủ tàu thuộc Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) đã được ký kết. Đây là tín hiệu tích cực để nâng cao hiệu quả khai thác và thương hiệu cá ngừ Việt Nam.

Mới đây, chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ sọc dưa giữa Công ty TNHH Tín Thịnh (Khu công nghiệp Suối Dầu) và 25 chủ tàu thuộc Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) đã được ký kết. Đây là tín hiệu tích cực để nâng cao hiệu quả khai thác và thương hiệu cá ngừ Việt Nam.


Sau thành công của chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, Chi cục Thủy sản đã đứng ra vận động và thành lập được chuỗi liên kết đối với cá ngừ sọc dưa giữa Công ty TNHH Tín Thịnh và Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước. Sau một thời gian thương thảo, các bên đã đi đến thống nhất, ký kết phương thức liên kết như sau: Công ty TNHH Tín Thịnh cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho ngư dân trong Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước; Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước cam kết bán toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp (DN). Giá thành sản phẩm cá ngừ sọc dưa được DN mua cao hơn so với giá thị trường cùng thời điểm 1.000 đồng/kg. Ngoài ra, căn cứ vào chất lượng sản phẩm cá ngừ sọc dưa khai thác được, nếu 90% lô hàng đạt loại A, DN sẽ có khen thưởng hàng tháng và định kỳ cho ngư dân. Hải sản trong chuỗi liên kết này sẽ được giao dịch tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) và cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh).

 

Cá ngừ được thu mua, phân loại tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang)

Cá ngừ được thu mua, phân loại tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang)


Ông Nguyễn Tấn Lầu - Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước cho biết: “Với ngư dân, việc tiêu thụ sản phẩm thông qua nậu vựa như lâu nay khiến ngư dân luôn thiệt vài giá so với bán trực tiếp cho DN. Tham gia chuỗi liên kết này, chúng tôi rất vui mừng khi có DN cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, DN còn cam kết thu mua cao hơn giá thị trường, có chính sách khen thưởng ngư dân có sản phẩm đạt chất lượng cao. Những điều này sẽ giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, mạnh dạn đầu tư các phương tiện bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác”.


Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tín Thịnh chia sẻ: “Thị trường thế giới hiện nay có những yêu cầu rất khắt khe, nhất là chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Nếu chúng ta không đảm bảo thì sẽ tự loại mình ra khỏi các thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật… Việc hình thành chuỗi liên kết giữa DN và ngư dân trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ là vấn đề tất yếu phải làm để nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó giải quyết được bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chuỗi liên kết thành công sẽ giúp nâng cao hiệu quả từng chuyến biển của ngư dân, DN sẽ có được nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cao”. Cũng theo bà Nhi, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ sọc dưa rất lớn nhưng hàng tháng, DN chỉ thu mua được khoảng 300 - 400 tấn (trong đó thu mua tại Khánh Hòa khoảng 50%), chỉ mới đảm bảo được khoảng 30% nhu cầu xuất khẩu của DN. Sau khi chuỗi liên kết được ký kết, DN hy vọng sẽ đạt sản lượng cao hơn.

 

Ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam: Chuỗi liên kết này ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân và DN. Việc thực hiện tốt chuỗi liên kết này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các bên tham gia mà còn giúp nâng cao thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Hiệu quả rõ nhất là các tác nhân tham gia chuỗi đã có sự mua bán trực tiếp với nhau, bỏ qua được các khâu trung gian. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là chất lượng cá ngừ sọc dưa nếu đưa về bờ được trong vòng 10 ngày sau khai thác thì chất lượng sẽ rất cao, vì vậy nếu có sự tham gia thêm của các tàu dịch vụ, thu mua trên biển thì chuỗi liên kết này mới thực sự mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nghề khai thác cá ngừ những năm gần đây phát triển mạnh cả về số lượng tàu lẫn sản lượng khai thác (cá ngừ vây vàng mắt to và cá ngừ sọc dưa). Hiện nay, toàn tỉnh có 1.297 tàu cá xa bờ chủ yếu khai thác các đối tượng cá ngừ, trong đó có gần 200 tàu chuyên nghề lưới vây, lưới rê, mành chụp, với đối tượng khai thác chính là cá ngừ sọc dưa, sản lượng ngư dân khai thác được lên đến hơn 40.000 tấn/năm. “Với sự thành công trong hoạt động của chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Thịnh Hưng và Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng, chúng tôi tin tưởng chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Tín Thịnh và Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước cũng sẽ cho hiệu quả. Tuy nhiên, có một số tồn tại trong chuỗi liên kết này cần được giải quyết để việc liên kết bền vững hơn. Cụ thể, các ban quản lý cảng cần tạo điều kiện về mặt bằng để DN phân loại, sơ chế; vấn đề phân luồng tại cảng để tàu ra vào, bốc dỡ sản phẩm nhanh; đặc điểm nghề lưới vây, lưới rê khai thác đa loài, số lượng lớn, vậy DN cũng cần nghiên cứu việc thu mua tất cả các loại sản phẩm ngư dân đánh bắt được… Trong thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân, DN để các chuỗi liên kết phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động ngư dân tham gia các chuỗi, thành lập thêm các chuỗi mới đối với cá ngừ và các đối tượng hải sản khác để nâng cao chất lượng, thương hiệu hải sản Khánh Hòa”.


Chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua chế biến, tiêu thụ cá ngừ là xu hướng tất yếu nhưng một thực tế hiện nay là 2 chuỗi liên kết đã được triển khai trên địa bàn tỉnh vẫn dựa vào nội lực của DN, ngư dân và vai trò cầu nối là Chi cục Thủy sản. Để chuỗi liên kết được bền vững, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho các cá nhân, DN tham gia. Cụ thể, về phía các tàu khai thác, cần hỗ trợ để ngư dân mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm, nhất là đối với các tàu vỏ gỗ; đào tạo kỹ năng khai thác, sơ chế, bảo quản cho ngư dân khi vươn khơi khai thác. Đối với DN, cần hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu…


B.L