12:09, 11/09/2017

Các hợp tác xã: Khó tiếp cận vốn vay

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các hợp tác xã (HTX) vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các HTX tại Khánh Hòa vẫn chưa tiếp cận được vốn vay do không có tài sản đảm bảo.

 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các hợp tác xã (HTX) vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các HTX tại Khánh Hòa vẫn chưa tiếp cận được vốn vay do không có tài sản đảm bảo.


Nhiều chính sách nhưng khó tiếp cận


Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, sự phát triển và hoạt động của các HTX còn chậm, các lĩnh vực, ngành nghề chưa đa dạng, phạm vi kinh doanh hẹp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Toàn tỉnh hiện có 73 HTX nông nghiệp trong tổng số 97 HTX thường xuyên đối diện với không ít khó khăn, cần sự chung tay từ nhiều phía.

 

Một trong những khó khăn lớn của các HTX là chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, mặc dù hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ các HTX đã được ban hành. Chẳng hạn, Nghị định số 55, ngày 9-6-2015 của Chính phủ quy định, tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay phát triển sản xuất không có tài sản bảo đảm đối với nhiều đối tượng, trong đó có các HTX tùy vào lĩnh vực hoạt động được vay từ 1 đến 2 tỷ đồng mà không cần thế chấp tài sản. Các HTX có hợp đồng cung cấp, tiêu thụ sản phẩm còn được vay tới 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Tuy nhiên tại Khánh Hòa, sau 2 năm triển khai Nghị định 55, mới chỉ có 7 HTX tiếp cận được nguồn vốn này.


Chính sách tín dụng hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định, hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3 cho các HTX đầu tư trang bị máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Điều kiện cần thiết để được thụ hưởng chính sách này là các thiết bị, máy móc phải đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, nhiều nông dân không mua máy móc sản xuất trong nước, chưa kể danh mục máy móc, thiết bị được hưởng ưu đãi còn ít, nên từ khi triển khai đến tháng 6-2017, toàn tỉnh mới chỉ có 16 trường hợp vay vốn theo chính sách này với doanh số cho vay chưa tới 6 tỷ đồng.


Mới đây, NHNN Việt Nam ban hành Quyết định 813 ngày 24-4-2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, các ngân hàng thương mại đã dành số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 1,5% so với các chương trình cho vay thông thường, nhưng đến nay vẫn chưa có HTX nào tiếp cận được.

 

Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đang khó tiếp cận vốn vay để đầu tư mở rộng dịch vụ cung ứng cho thành viên

Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đang khó tiếp cận vốn vay để đầu tư mở rộng dịch vụ cung ứng cho thành viên

 

Ngân hàng e ngại


Theo thống kê của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, tính đến hết năm 2016, dư nợ cho vay đối với các HTX mới chỉ đạt 24,6 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 0,05% trong tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh.


Ông Phạm Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Với 73 HTX nông nghiệp trên toàn tỉnh, có không dưới 85% trong số đó chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung là do các HTX không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thường được đẩy xuống thứ yếu khi tiếp cận với các tổ chức tín dụng”.


Đồng quan điểm này, ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không có tư liệu sản xuất, không đủ vốn và cơ sở vật chất để cung ứng đầy đủ các dịch vụ cần thiết phục vụ kinh tế hộ thành viên dẫn tới hiệu quả còn hạn chế. Trong khi đó, hầu hết các HTX không có tài sản thế chấp khiến hoạt động vay vốn gặp nhiều khó khăn.


Lãnh đạo một HTX nông nghiệp ở Ninh Hòa khẳng định: “Trong nhiều trường hợp, phương án, đề án sản xuất chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng là các HTX phải có tài sản đảm bảo mới có thể được xem xét vay vốn. Để có vốn, một số HTX thậm chí đã phải lách luật bằng cách đưa tài sản của cá nhân là thành viên HTX ra thế chấp ngân hàng theo diện vay cá nhân, sau đó  lấy nguồn vốn này cho HTX vay lại để phát triển sản xuất”.


Thực tế, các ngân hàng thương mại cũng rất e dè đối với hoạt động cho vay đối với kinh tế tập thể, đặc biệt là hình thức cho vay thông qua tín chấp. Theo một số ngân hàng, các biện pháp chế tài để ngân hàng thu hồi nợ vay chưa có, ngân hàng là người gánh chịu hậu quả nếu rủi ro xảy ra. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay đối với các HTX đạt thấp còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như: khách hàng vi phạm nguyên tắc cho vay, không đủ các điều kiện vay của ngân hàng; dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh chưa có tính khả thi, hiệu quả chưa cao; sổ sách, kế toán không rõ ràng, không đáp ứng được điều kiện cho vay tín chấp.


Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, để có thể tìm được tiếng nói chung giữa ngân hàng và HTX, cần có các giải pháp hiệu quả hơn. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn đơn lẻ; mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn mờ nhạt; công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang ở giai đoạn manh nha… Đây chính là những vấn đề mà các cấp, ngành cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tới. Bởi chỉ khi hoạt động bao tiêu sản phẩm được đảm bảo, nông nghiệp công nghệ cao phát triển và có quy hoạch rõ ràng thì các HTX nông nghiệp mới hoạt động có hiệu quả, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để các ngân hàng quyết định cho vay.


H.Đ