10:06, 04/06/2018

Thú vị các điểm dừng chân ở Khánh Vĩnh

Các điểm dừng chân trên đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ tạo việc làm cho lao động trẻ miền núi mà còn tô điểm cho cung đường thêm thơ mộng.

Các điểm dừng chân trên đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ tạo việc làm cho lao động trẻ miền núi mà còn tô điểm cho cung đường thêm thơ mộng.


Điểm nhấn thi vị


Ai từng một lần đổ đèo Khánh Lê đều nhận xét đây là cung đường nguy hiểm nhưng thơ mộng. Đan xen giữa núi, rừng, thác, suối là sương, mây bao phủ cung đường, tạo nên vẻ đẹp thi vị. Cuối chặng đường xuất hiện các điểm dừng chân phục vụ du khách. Chị Vân - du khách đến từ Đà Lạt cho biết, các điểm dừng chân tại Khánh Vĩnh không chỉ là nơi hành khách nghỉ ngơi, thư giãn sau chặng đường dài mà còn có nét rất riêng. Ở đây không chỉ có dịch vụ phục vụ tốt, nhiều món đặc sản ngon mà còn có khung cảnh đẹp.

 

Điểm dừng chân Kim Phượng nằm gần cuối chặng đèo, thuộc xã Liên Sang giống một biệt thự hơn là quán ăn.  Với ngọn núi giả, vài chiếc cầu nhỏ bắc qua bờ suối, điểm dừng chân này thu hút khá đông du khách. Bà chủ nhà hàng người Đà Lạt cho hay, bà mê nét đẹp Khánh Vĩnh từ những ngày còn làm việc với đối tác nước ngoài có dịp qua đây. Sau đó, bà cùng chồng lập ra nhà hàng này để được thỏa niềm đam mê. Mỗi ngày, nhà hàng đón cả ngàn khách, hầu hết là khách nước ngoài đi du lịch theo tour, tuyến nhưng cũng có nhiều khách Việt Nam. Sở dĩ nhà hàng thu hút được nhiều khách vì nó khang trang, sạch sẽ, đặc biệt là không khí đón tiếp ở đây thân mật như gia đình đối với người đi xa trở về. Đây là điều bà ấp ủ khi xây dựng nhà hàng này.


Không chỉ có bãi đỗ xe thoáng rộng, điểm dừng chân Suối Đá - Hòn Giao (xã Sơn Thái) còn phục vụ các món ẩm thực dân dã phong phú của miền sơn cước như: cơm lam, gà rẫy, cá suối, rau rừng. Ngoài ra, khách còn có thể tham quan những tác phẩm được chế tác từ đá. Ông Huỳnh Lan Sinh - chủ điểm dừng chân cho biết, ông ấp ủ ý tưởng này ngay từ khi con đường Đà Lạt - Khánh Vĩnh mới hình thành nên đã mua đất chuẩn bị cho công việc này từ ngày ấy. Gần đây, ông Sinh đưa vào nhiều trò chơi phục vụ dã ngoại thu hút du khách như: đua thuyền, đu dây, cắm trại, ngủ sàn…, có thể phục vụ khách đoàn cả trăm người. Trong khu vực, ông còn tạo ra nhiều tác phẩm sinh động từ đá như: kingkong, tê giác, voi, trăn…, biểu tượng của niết bàn, tường đá, hình ảnh trống đồng…


Không chỉ đơn thuần là nhà hàng, quán ăn phục vụ ăn uống nghỉ ngơi cho du khách, nhiều điểm dừng chân còn bày bán các mặt hàng lưu niệm, thổ cẩm, dược liệu và cả những nông sản như: chuối hột, chuối ăn, dứa, măng… thu hút sự quan tâm của du khách.

 

Du khách nước ngoài tại một điểm dừng chân ở Khánh Vĩnh.

Du khách nước ngoài tại một điểm dừng chân ở Khánh Vĩnh.


Tạo việc làm cho người dân


Từ ngày xuất hiện các điểm dừng chân, cung đường càng thêm sinh động. Nhiều con em dân bản địa được nhận vào làm việc, đào tạo. Nhà hàng của bà Kim Phượng có sức chứa 450 - 500 khách nên mỗi ngày cần 30 nhân viên phục vụ, chủ yếu là người địa phương, con em đồng bào dân tộc thiểu số. “Tuy lúc đầu các em còn bỡ ngỡ trong việc phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài, nhưng chúng tôi cũng đã hướng dẫn và dạy các em một số câu, từ ngữ thông dụng để giao tiếp. Dần dần, các em đã biết cách phục vụ khách, lịch sự, niềm nở”, bà Phượng nói.


Được biết, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện có hơn 10 điểm dừng chân rải dọc từ Sơn Thái xuống Cầu Bà - là khu vực tương đối bằng phẳng khi hết đèo. Khu vực này đang xuất hiện thêm một số điểm dừng chân mới, đặc biệt có điểm tại đỉnh đèo, sát ranh giới tỉnh Lâm Đồng.


Ông Mang Văn Tiền - cán bộ Văn hóa thông tin xã Liên Sang cho biết, trên địa bàn có 3 điểm dừng chân mới là: Kim Phượng, Kim Ánh và Anh Khôi. Ngày trước, tuyến đường này là tuyến cụt, không có sự giao lưu với các địa phương khác. Từ khi nối thông với Lâm Đồng, các điểm dừng chân mới hình thành không những tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp đồng bào hòa nhập với lối sống văn minh, hiện đại.


Theo ông Phạm Ngọc Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái, các điểm dừng chân tại Sơn Thái đã giúp cho 40 - 50 lao động địa phương có việc làm. Bên cạnh đó, đây còn là nơi bày bán, giới thiệu nông sản, hàng hóa địa phương với du khách, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài.


V.LẠC