09:11, 15/11/2017

TP. Cam Ranh: Tăng cường quản lý du lịch biển đảo

UBND TP. Cam Ranh đang yêu cầu các ngành, địa phương tham mưu, góp ý để xây dựng phương án quản lý hoạt động tham quan, dã ngoại biển đảo trên địa bàn thành phố. Dự kiến cuối tháng 11, thành phố sẽ thông qua phương án để hoạt động du lịch đi vào nề nếp, phát triển đúng hướng.

UBND TP. Cam Ranh đang yêu cầu các ngành, địa phương tham mưu, góp ý để xây dựng phương án quản lý hoạt động tham quan, dã ngoại biển đảo trên địa bàn thành phố. Dự kiến cuối tháng 11, thành phố sẽ thông qua phương án để hoạt động du lịch đi vào nề nếp, phát triển đúng hướng.


Kiểm soát lượng khách đến và đi


Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh vừa có văn bản gửi HĐND và UBND TP. Cam Ranh đề xuất giải pháp quản lý các hoạt động du lịch tại Bình Ba, Bình Hưng (xã Cam Bình). Theo đó, đề nghị xây dựng mô hình quản lý theo hướng kiểm soát chặt chẽ số lượng khách đến, tham quan, lưu trú và rời đảo trên cơ sở khảo sát, thống kê các hoạt động du lịch, đối thoại với các đơn vị tổ chức cung cấp dịch vụ để thống nhất và chốt số lượng tối đa khách qua đảo và tham quan trong 1 ngày.

 

Kết quả khảo sát sơ bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin cho thấy, dự kiến khả năng Bình Ba tiếp nhận tối đa 3.000 khách tham quan và 2.000 khách lưu trú qua đêm trong 1 ngày; Bình Hưng tiếp nhận tối đa 1.500 khách tham quan và 800 khách lưu trú qua đêm trong 1 ngày. Nếu vượt quá số lượng này sẽ không cho khách qua đảo tham gia các hoạt động du lịch, lưu trú qua đêm.


Theo ông Phan Lộc - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh, cần sớm thành lập Ban quản lý hoạt động du lịch đảo Bình Ba, Bình Hưng. Ban quản lý sẽ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan như: biên phòng, cảng vụ, công an thành phố để trực tiếp thực hiện công tác quản lý, kiểm soát và giám sát các hoạt động du lịch, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và số lượng khách du lịch đến và rời đảo. Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý hoạt động du lịch đối với Bình Ba, Bình Hưng và biển đảo Cam Ranh. Đối với công tác quản lý hoạt động tham quan, dã ngoại trên đảo, cần xây dựng phương án theo hướng giao cho một đơn vị chủ trì phối hợp với Ban quản lý hoạt động du lịch đảo Bình Ba, Bình Hưng chịu trách nhiệm tổ chức đưa, đón, thuyết minh và giữ gìn, bảo tồn, đảm bảo các điều kiện về tham quan, dã ngoại, vệ sinh môi trường tại các điểm đến trên đảo. Đối với công tác quản lý hoạt động lưu trú qua đêm trên đảo, giao cho UBND xã Cam Bình phối hợp với Ban quản lý hoạt động du lịch đảo Bình Ba, Bình Hưng kiểm tra, quản lý số lượng khách đăng ký lưu trú qua đêm trên đảo theo đúng quy chế quản lý.

 

Du khách đến tham quan đảo Bình Ba

Du khách đến tham quan đảo Bình Ba

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, trong cuộc họp mới đây, UBND tỉnh chỉ đồng ý cho Cam Bình đón khoảng 1.200 khách/ngày. Tuy nhiên, số lượng khách có 2 loại là khách đến tham quan rồi về và khách ở qua đêm nên cần phải tính toán kỹ. Khó khăn của đảo Bình Ba và Bình Hưng hiện nay là không chủ động được nguồn nước ngọt nên khó giải quyết vấn đề du lịch. “Cảng ở đảo Bình Ba trước kia được xây dựng để đón tàu cá loại lớn nên các ca-nô chở khách gặp khó khăn khi cập đảo. Thời gian tới, thành phố sẽ kêu gọi xã hội hóa cảng du lịch tại đây để thuận lợi cho du khách. Công tác quản lý bán vé đi hai đảo này cũng đang rất lộn xộn, cần chấn chỉnh để đi vào khuôn khổ”, ông Sơn nói.


Định hướng phát triển du lịch cộng đồng

 

Theo thống kê của UBND TP. Cam Ranh, hiện nay, đảo Bình Ba có 29 ca-nô, 12 tàu gỗ, 120 xe máy và hàng chục chiếc xe Jeep cho thuê chở khách. Tại đảo Bình Hưng có 22 tàu gỗ chở khách, 13 xe điện cùng nhiều xe gắn máy. Về cơ sở lưu trú, tại Bình Ba có 28 cơ sở, công suất tối đa khoảng 1.500 khách, cùng 78 nhà cho thuê với sức chứa khoảng 600 khách; Bình Hưng có 14 cơ sở, công suất khoảng 600 khách, cùng 20 nhà cho thuê với sức chứa khoảng 160 khách. Về các điểm vui chơi, ở Bình Ba có Bãi Nồm, Bãi Chướng, Bãi Nhà Cũ, Bãi Hòn Rùa, Bãi Hòn Cò, Hòn Rùa, Hòn Cỏ, Đồi Cỏ Hồng với tổng diện tích khoảng 12.400m2, sức chứa khoảng 1.800 khách. Tại Bình Hưng có các điểm: Hải Đăng Hòn Chút, Bãi Cây Me, chùa Long Hưng, Bãi Sam, Bãi Chướng với tổng diện tích khoảng 6.800m2, sức chứa khoảng 900 khách.

Về hoạt động du lịch, ông Lộc cho rằng cần ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi, từ đó mang lại nhiều lợi ích, phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ du lịch. Để triển khai loại hình này, cần hạn chế gia tăng số lượng cơ sở lưu trú phát triển theo loại hình nhà nghỉ, khách sạn (cao tầng hoặc resort); khuyến khích mở rộng loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay); ưu tiên loại hình du lịch khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống, cùng trao đổi trực tiếp với người dân bản xứ; chung tay bảo vệ môi trường, làm sạch đường làng ngõ xóm.


Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho rằng, nếu thả lỏng phát triển thì Bình Ba và Bình Hưng sẽ mọc lên nhiều khách sạn, nhà nghỉ, làm thay đổi môi trường sinh thái, không có điểm khác biệt so với du lịch ở đất liền. Hiện nay, ở Bình Ba và Bình Hưng đang tồn tại loại nhà nghỉ trong nhà dân, giống homestay nhưng chưa rõ ràng. Văn hóa và con người ở Bình Ba và Bình Hưng cũng có nhiều điểm đặc biệt mà du khách muốn khám phá. Vì vậy, cần phát triển du lịch cộng đồng, cho người dân tham gia vào quá trình phát triển du lịch và người dân trực tiếp hưởng lợi từ sự phát triển này.


Mục tiêu của đề án là quản lý chặt chẽ du khách ra vào đảo để đảm bảo an ninh quốc phòng; đảm bảo an toàn cho du khách khi ra đảo tham quan; quản lý chặt về thuế đối với các hoạt động vận tải, ăn uống và lưu trú trên đảo. “Phát triển du lịch cộng đồng là định hướng đúng đắn để phát triển bền vững Bình Ba và Bình Hưng. Vì thế, trong đề án sẽ ưu tiên phát triển loại hình homestay. Thành phố sẽ cho người dân đăng ký tham gia và có kế hoạch tập huấn cho người dân biết cách làm du lịch theo loại hình này”, ông Sơn cho hay.


VĂN KỲ