08:08, 13/08/2018

Xây dựng thương hiệu cho tỏi Khánh Hòa: Chưa tìm được tiếng nói chung

Hơn 20 năm bén duyên với xứ Trầm hương, diện tích trồng tỏi ở Khánh Hòa thuộc diện lớn nhất cả nước. Việc hình thành nên những héc-ta tỏi VietGAP mới đây chính là bước đi cần thiết để xây dựng thương hiệu riêng cho tỏi sẻ Khánh Hòa.
 

Hơn 20 năm bén duyên với xứ Trầm hương, diện tích trồng tỏi ở Khánh Hòa thuộc diện lớn nhất cả nước. Việc hình thành nên những héc-ta tỏi VietGAP mới đây chính là bước đi cần thiết để xây dựng thương hiệu riêng cho tỏi sẻ Khánh Hòa.
 
Triển vọng
 
Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cây tỏi sẻ đang được trồng nhiều ở một số xã tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Cách đây hơn 20 năm, giống tỏi này được một số hộ dân từ vùng đất Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mang vào trồng thử nghiệm và tỏ ra phù hợp. Đến nay, Khánh Hòa là một trong những địa phương có sản lượng trồng tỏi lớn nhất cả nước. Mùa tỏi bắt đầu từ tháng 9 hàng năm và thu hoạch vào tháng 1 - 2 năm sau. Theo khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 500ha trồng tỏi, năng suất trung bình khoảng 8 tấn/ha, sản lượng xấp xỉ 4.000 tấn tỏi khô/vụ.

 

Người dân xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) xuống giống tỏi.
Người dân xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) xuống giống tỏi.
 
Cây tỏi sẻ đã được người trồng chú trọng chăm sóc theo hướng an toàn, sạch. Tuy nhiên, tỏi là giống cây trồng khá mẫn cảm với các điều kiện về sâu bệnh, dịch hại nên việc tuân thủ các quy định trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, khá nhiều hộ trồng tỏi chưa có khu vực bảo quản riêng biệt; chưa đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch; chưa thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đúng quy định… Bên cạnh đó, một số hộ vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và sử dụng chưa đúng kỹ thuật; nguồn nước sử dụng tưới cho cây trồng chưa đảm bảo. Việc thu hoạch chủ yếu vẫn theo thói quen như: thu hoạch khi chưa đúng thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm tỏi sau khi thu hoạch còn để trực tiếp trên nền đất, không có kho lưu trữ... Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. 
 
Để góp phần giải quyết các bất cập trên, Hợp tác xã sản xuất tỏi Ninh Vân, Tổ liên kết sản xuất tỏi Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) và Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) đã triển khai mô hình trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP vào cuối năm 2017 với gần 28ha. Đến tháng 7-2018, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) đã cấp chứng nhận VietGAP cho 3 mô hình này, mở ra kỳ vọng mới cho việc hình thành thương hiệu tỏi sẻ Khánh Hòa.
 
Trăn trở xây thương hiệu
 
Là cây trồng có khả năng mang lãi ròng về cho nông dân từ 100 đến 300 triệu đồng/ha/năm nhưng cây tỏi Khánh Hòa vẫn khá bấp bênh về giá cả. Không chỉ đầu ra phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái, tỏi Khánh Hòa còn bị “tố” là đưa ra Lý Sơn để mang danh sản phẩm đã có thương hiệu nổi tiếng này. Xét về mọi yếu tố, từ diện tích, sản lượng cho đến chất lượng sản phẩm, hầu hết người trồng tỏi cũng như người sử dụng và các nhà chuyên môn trong lĩnh vực cây trồng đều khẳng định chất lượng tỏi Khánh Hòa không thua kém bất cứ loại tỏi nào. Vì thế, việc hình thành nên thương hiệu cho tỏi Khánh Hòa là điều sớm muộn phải triển khai.
 
Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản khẳng định: “Trước đây, một số mô hình VietGap khi mới hình thành đạt kết quả rất tốt, nhưng dần dần, người dân lấy các sản phẩm có chất lượng thấp, không rõ nguồn gốc trà trộn vào, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Vì vậy, trong thời gian tới, một mặt chúng tôi tiếp tục triển khai nhiều mô hình, đa dạng sản phẩm, giúp người dân thực hiện nhiều mô hình VietGap hơn; mặt khác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm đưa sản phẩm tỏi sẻ có được kênh phân phối chính thống hơn”.
 
Tuy nhiên, hiện nay, cây tỏi Khánh Hòa vẫn còn lấn cấn một vấn đề đó là sẽ mang thương hiệu gì. Trong số khoảng 500ha tỏi hiện nay, diện tích tương đối tập trung nằm ở xã Vạn Hưng, Vạn Ninh với khoảng 280ha; số còn lại trồng ở Ninh Hòa (Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An). Theo lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ, vì trồng ở nhiều địa phương nên nếu xây dụng thương hiệu “tỏi Khánh Hòa”, phải xác định được đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho thương hiệu này. Chẳng hạn như thương hiệu dừa xiêm Ninh Đa (Ninh Hòa) do Hội Nông dân xã này “chủ trì” việc triển khai, quản lý phát triển thương hiệu. Với cây tỏi, khi chưa xây dựng được thương hiệu “tỏi Khánh Hòa” với những yêu cầu, đòi hỏi rất cao của dự án, nên chăng các tổ hợp tác, hợp tác xã kể trên có thể đứng ra đăng ký với cơ quan chức năng để triển khai xây dựng thương hiệu cho riêng mình, như: “tỏi Vạn Hưng”, “tỏi Ninh Vân”, “tỏi Ninh Phước”?
 
Chính vì thế, nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi được trồng ở Khánh Hòa vẫn tiếp tục phải đợi. Hiện nay, cơ quan chức năng và 2 địa phương là Ninh Hòa và Vạn Ninh đang trong quá trình bàn bạc, thảo luận để tiến hành xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa theo 2 hướng: một là địa phương nào xây dựng thương hiệu theo địa phương đó; hai là xây dựng thương hiệu chung cho tỏi Khánh Hòa.
 
Hồng Đăng