11:12, 11/12/2017

Nhộn nhịp vào vụ Tết

Các hộ làm nghề đúc đồng ở Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang bước vào vụ sản xuất Tết. Năm nay, giá đồng tăng cao hơn năm trước, đơn đặt hàng nhiều nên một số hộ thiếu vốn sản xuất.

 

Các hộ làm nghề đúc đồng ở Phú Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang bước vào vụ sản xuất Tết. Năm nay, giá đồng tăng cao hơn năm trước, đơn đặt hàng nhiều nên một số hộ thiếu vốn sản xuất.


Tuy mới cuối tháng 10 âm lịch nhưng không khí sản xuất vụ Tết ở làng đúc đồng Phú Lộc đã khá nhộn nhịp. Từ các hộ làm khuôn, đổ đồng đến gia công, đánh bóng sản phẩm đều tất bật. Ông Nguyễn Văn Bé (tổ 15, Phú Lộc Tây) cho biết, thông thường mọi năm, khuôn phải làm trước khi vào thời vụ khoảng 2 - 3 tháng. Tuy nhiên, cơn bão số 12 và những đợt mưa sau đó đã làm phần lớn khuôn bị vỡ. Do đó, hiện nay, ông đang gấp rút làm lại khuôn để kịp giao cho các hộ đổ đồng, thậm chí, gia đình ông và một số hộ khác đã phải làm thêm ban đêm. Mỗi ngày, ông làm được khoảng 30 lóng (khuôn), bán cho các hộ trong làng giá 5.000 đồng/lóng.

 

Được biết, trước đây, mỗi hộ thường làm đầy đủ các công đoạn cho sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, về sau, do thiếu nhân công nên chia ra mỗi hộ làm một vài công đoạn như: hộ làm khuôn, hộ nấu đồng, đổ đồng, gia công (cắt, gọt), chùi và đánh bóng… Thời gian trong năm, khoảng 2 - 3 tháng, gia đình ông Huỳnh Quang Tuấn mới nấu 1 mẻ đồng (được 100 bộ sản phẩm). Gần Tết, mỗi tháng ông nấu 1 mẻ mới đủ cung cấp cho bạn hàng. Sản phẩm chủ yếu trong mùa Tết là bộ đèn thờ, tùy vào kích thước, độ đặc của đồng mà mỗi bộ có giá từ 2,7 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng. “Cái khó khi vào sản xuất vụ Tết là tìm nhân công. Giá nhân công đã tăng lên hơn 300.000 đồng/ngày nhưng vẫn không có người làm. Trong khi bạn hàng ở Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết đã đặt hàng tương đối nhiều”, ông Tuấn nói.

 

Một hộ ở tổ Phú Lộc Tây đang nấu đồng

Một hộ ở tổ Phú Lộc Tây đang nấu đồng

 

Năm nay, giá đồng cũng tăng cao hơn so với mọi năm. Theo ông Biện Ngọc Truyền (tổ 1, Phú Lộc Tây), năm trước, giá đồng chỉ khoảng 75.000/kg nhưng khi bắt đầu vào vụ Tết, giá đồng đã tăng lên 90.000 đồng/kg. Giá đồng tăng trong khi đơn đặt hàng lại khá nhiều nên một số hộ trong làng nghề thiếu vốn sản xuất. Trung bình vào vụ Tết, mỗi hộ làm khoảng 100 bộ, có hộ làm 200 bộ. Vốn bỏ ra để làm cũng hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, tính từ lúc sản xuất đến khi tiêu thụ cũng mất hơn 2 tháng nên rất chôn vốn.


Làng đúc đồng Phú Lộc hiện có khoảng 60 hộ làm nghề, trong đó có 20 thành viên tham gia Hợp tác xã (HTX) Đúc Phú Lộc. Năm 2016, nghề đúc đồng Phú Lộc được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Ông Nguyễn Văn Nhường - Chủ nhiệm HTX Đúc Phú Lộc cho biết, hiện nay, vấn đề tồn tại của HTX là không có mặt bằng sản xuất tập trung và ô nhiễm môi trường. Các hộ chủ yếu làm tại nhà, không gian nhỏ hẹp. Mỗi lần vào vụ Tết thì ô nhiễm từ khói nấu đồng, tiếng ồn từ máy cắt, máy gọt, bụi đồng… ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư. Trước đây, UBND tỉnh và huyện đã bố trí cho HTX mặt bằng sản xuất tập trung gần Văn miếu Diên Khánh. Tuy nhiên, sau khi rà soát thì vị trí này vướng quy hoạch mở rộng Văn miếu nên không triển khai được. Từ đó đến nay, HTX vẫn chưa được bố trí vị trí mới. Vì vậy, HTX rất mong các cấp tiếp tục quan tâm xem xét và bố trí cho HTX có mặt bằng sản xuất tập trung.


Về vốn sản xuất, đại diện HTX Đúc Phú Lộc cho biết, trong quyết định nghề truyền thống của UBND tỉnh có đề cập đến việc hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định; được hưởng các chế độ ưu đãi về khuyến công, phát triển nghề. Do đó, trong thời gian sớm nhất, HTX sẽ làm việc với ngân hàng để tìm hướng giải quyết cho các hộ đúc đồng Phú Lộc vay vốn không cần thế chấp.


MAI HOÀNG