11:12, 28/12/2017

Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết

Hiện nay, các đơn vị phân phối bán lẻ, tiểu thương ở chợ đã rục rịch chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong khi các siêu thị có phần chủ động, nhộn nhịp thì tiểu thương các chợ lại khá e ngại khi nhập hàng Tết.

Hiện nay, các đơn vị phân phối bán lẻ, tiểu thương ở chợ đã rục rịch chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong khi các siêu thị có phần chủ động, nhộn nhịp thì tiểu thương các chợ lại khá e ngại khi nhập hàng Tết.


Xin kinh phí dự trữ hàng Tết


Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn và Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Vĩnh đã có công văn đề nghị tỉnh cấp kinh phí dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Theo đó, 2 đơn vị đề nghị UBND tỉnh cho tạm ứng ngân sách không thu phí 2,5 tỷ đồng (huyện Khánh Sơn) và 2,6 tỷ đồng (huyện Khánh Vĩnh) để dự trữ hàng hóa và thu mua nông sản cho người dân. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ  - Thương mại huyện Khánh Sơn dành 1,5 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa bình ổn và 1 tỷ đồng để thu mua nông sản; huyện Khánh Vĩnh dành 1,4 tỷ đồng mua hàng hóa, số còn lại để thu mua nông sản.

 

Người dân mua sắm tại siêu thị.

Người dân mua sắm tại siêu thị.

 


Ông Bùi Văn Chuyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn cho biết, trung tâm dự kiến sẽ dự trữ khoảng 35.000kg gạo tẻ, 12.000kg gạo nếp, 2.520 chai dầu ăn, 3.500 chai nước mắm, 700 thùng mì tôm, 3.500kg đường, 2.400 thùng nước ngọt các loại… Các mặt hàng nông sản thu mua cho người dân là: chuối, bắp, cà phê, mì lát. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức 6 điểm bán hàng bình ổn giá và 1 xe bán hàng lưu động. “Dựa trên nhu cầu thực tế của người dân địa phương, trung tâm đảm bảo phục vụ nhân dân đầy đủ hàng hóa, mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước, giá cả ổn định; đồng thời trao đổi, thu mua hàng nông sản để người dân có điều kiện mua sắm Tết”, ông Chuyền nói.


Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Vĩnh cũng dự kiến chuẩn bị 75.000kg gạo tẻ, 1.700kg gạo nếp, 1.685 thùng nước ngọt, 102 thùng nước mắm, 110 thùng bột ngọt… phục vụ người dân trong dịp Tết. Trung tâm sẽ thu mua các nông sản như: bắp, sắn tươi, đậu các loại, hạt điều… để người dân có tiền mua sắm hàng hóa; tổ chức 8 điểm bán hàng bình ổn giá và bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa.


Siêu thị chủ động, tiểu thương e ngại


Hiện nay, các siêu thị như: Lotte Mart, Big C, Co.opmart… đã triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Nha Trang cho biết, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2 tháng, siêu thị đã đặt hàng và bắt đầu nhập hàng hóa từ ngày 20-12 với lượng hàng dự trữ tăng gấp đôi so với các tháng thông thường, tăng 25% so với năm trước. Các mặt hàng trọng tâm được siêu thị đặt hàng với số lượng lớn là: trái cây nhập khẩu, trái cây trong nước, bánh kẹo, bia, rượu, nước ngọt các loại, thực phẩm tươi sống, sản phẩm gia dụng dành cho nhà bếp, thời trang… Với phương châm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”, tại siêu thị Co.opmart Nha Trang, các sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 90% lượng hàng hóa được trưng bày trên các kệ hàng Tết. Năm nay, siêu thị cũng chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng gần 30% so với năm trước. Siêu thị này cũng cam kết sẽ bán hàng bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

 

Người dân mua hàng tại Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn

Người dân mua hàng tại Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn


Thời điểm này, tiểu thương tại các chợ như: Vĩnh Hải, Xóm Mới, chợ Đầm, Phước Thái… cũng rục rịch chuẩn bị hàng Tết; một số sạp hàng như quần áo, giày dép… đã nhập hàng Tết từ trước dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, năm nay việc nhập hàng Tết muộn hơn và số lượng ít hơn mọi năm do có tâm lý e ngại. Bà Bảy - chủ sạp hàng bánh kẹo ở chợ Xóm Mới cho biết: “Cuối năm thời tiết mưa bão nhiều, sức mua thấp nên tôi chỉ nhập về những mặt hàng được bán chạy trong dịp Tết năm trước nhưng chỉ bằng 1/2 lượng hàng năm trước. Hiện nay, các đại lý, nhân viên bán hàng của công ty nhiều nên khi cần lấy thêm hàng rất dễ dàng, thuận lợi. Do đó, tôi định bán đến đâu lấy đến đó, không dự trữ hàng nhiều như trước”. Nhiều tiểu thương cũng cho biết, năm nay, nhiều hộ bị thiệt hại do mưa bão nên khi nhập hàng Tết cũng chỉ nhập loại bình dân, hạn chế mặt hàng cao cấp để phù hợp với điều kiện kinh tế của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiện nay, sự cạnh tranh của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán hàng trên mạng rất lớn nên các tiểu thương cũng rất dè dặt trong việc dự trữ, chuẩn bị hàng Tết vì sợ lấy hàng nhiều không bán được sẽ thành hàng tồn, hàng cũ, lỗi mốt...


MAI HOÀNG