11:05, 09/05/2017

Cạn kiệt nguồn dược liệu

Khánh Hòa được đánh giá là một trong những tỉnh có nguồn dược liệu phong phú, trong đó có nhiều loài thuốc quý. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt, quá mức đã khiến cho nguồn dược liệu trong tự nhiên đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Khánh Hòa được đánh giá là một trong những tỉnh có nguồn dược liệu phong phú, trong đó có nhiều loài thuốc quý. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt, quá mức đã khiến cho nguồn dược liệu trong tự nhiên đứng trước nguy cơ cạn kiệt.


Theo ông Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, tiềm năng dược liệu có thể khai thác ngoài tự nhiên ở Khánh Hòa là rất lớn và tương đối phong phú. Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác, trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu tại Khánh Hòa bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, tình trạng xuất khẩu lậu, vận chuyển, xuất khẩu dược liệu tự nhiên qua biên giới theo đường tiểu ngạch đã làm ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên cây thuốc, suy giảm đa dạng sinh học, có thể làm biến mất nhiều loại cây thuốc quý. Cụ thể, công tác quy hoạch các vùng khai thác dược liệu tự nhiên; phát triển nguồn giống, trồng dược liệu; quy hoạch hệ thống các cơ sở sơ chế, chế biến, chiết xuất và bảo quản dược liệu vẫn còn hạn chế và bất cập. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng Khánh Hòa.

 

“Tận diệt” ươi trên tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng

“Tận diệt” ươi trên tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng


Hội Đông y tỉnh kiến nghị, đối với khai thác ngoài tự nhiên, cần phải điều tra, xác định trữ lượng, số loài, vùng có khả năng để khai thác một cách hợp lý. Đối với phát triển nguồn giống dược liệu, cần triển khai việc nghiên cứu, phục tráng, thuần hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật để chọn ra những giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Đối với trồng dược liệu, cần tập trung trồng, phát triển sản xuất 28 giống cây bản địa và 16 giống dược liệu nhập nội để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Đối với chế biến, sản xuất dược liệu cần quy hoạch, có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống các nhà máy chế biến, chiết xuất tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực như: sản xuất nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp dược, mỹ phẩm, hương liệu, thực phẩm chức năng và nguyên liệu xuất khẩu…

 

Theo thống kê của Hội Đông y tỉnh, tại Khánh Hòa, nguồn dược liệu khá phong phú, một số loài có thế mạnh như: vàng đắng, phòng kỷ, thạch hộc, đậu ván trắng, mã tiền, thổ phục linh, sa nhân tím, ươi, dừa cạn… Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có thể trồng nhiều loại dược liệu như: ngải cứu, bạc hà, nghệ vàng, trinh nữ hoàng cung, dừa cạn, sâm đại hành…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 -2020”. Trong đó, chú trọng đến các nguồn gen cây thuốc quý như: bụp giấm, diệp hạ châu đắng, dừa cạn, đậu ván trắng, củ mài, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm ngọc linh, xáo tam phân... Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang triển khai “Đề án phát triển ngành trồng trọt tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có phát triển trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà trong việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dược liệu. “Muốn phát triển ngành dược liệu, tỉnh cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Bên cạnh đó, có cơ chế để hình thành hệ thống liên kết từ nuôi trồng, thu mua, chế biến đến sản xuất, xuất khẩu dược liệu để người dân chủ động tham gia vào chuỗi liên kết này”, ông Thướng nói.


Để phát triển ngành dược liệu trong thời gian tới, tại hội nghị toàn quốc phát triển dược liệu Việt Nam, Bộ Y tế đã đề xuất 6 nhóm giải pháp cụ thể như: đổi mới thể chế, chính sách; kiện toàn tổ chức, quản lý từ Trung ương đến địa phương; tăng cường phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng về dược liệu; áp dụng khoa học - công nghệ; thông tin - truyền thông về phát triển dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng các viện, bệnh viện y dược cổ truyền, nâng cấp hệ thống kiểm soát chất lượng về dược liệu… Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần có chính sách ưu tiên để phát triển ngành dược liệu.  


Hy vọng với những chính sách đồng bộ được triển khai từ Trung ương đến địa phương, ngành dược liệu Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.


HẢI LĂNG - NAM ANH

 



Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước quan tâm xác định quy mô và đề xuất các chính sách để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển; tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra thị trường nước ngoài; đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển dược liệu Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; xây dựng kế hoạch, quy hoạch và bố trí vị trí phù hợp để nuôi trồng dược liệu tại địa phương…