11:08, 09/08/2018

Từ chuyện dự án lấn biển

Thông tin Công ty Cổ phần Du lịch Năm Sao thi công dự án lấn biển ở Đại Lãnh đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, bãi biển Đại Lãnh xưa nay nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, là bãi biển đẹp nhất và duy nhất của cả nước từng được vua Minh Mạng khắc lên cửu đỉnh ở Đại Nội Huế, giờ đây đang được "đánh thức" bằng những tòa villa tráng lệ ....

Thông tin Công ty Cổ phần Du lịch Năm Sao thi công dự án lấn biển ở Đại Lãnh đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, bãi biển Đại Lãnh xưa nay nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, là bãi biển đẹp nhất và duy nhất của cả nước từng được vua Minh Mạng khắc lên cửu đỉnh ở Đại Nội Huế, giờ đây đang được “đánh thức” bằng những tòa villa tráng lệ. Không chỉ thế, chủ đầu tư còn cẩn thận xây kè bao quanh dự án. Nhìn bằng mắt thường, ai cũng có thể thấy rõ ràng dự án đã lấn biển, thế nhưng chủ đầu tư vẫn khẳng định “thực hiện đúng theo quy hoạch”!


Có nhiều câu hỏi được đặt ra: một công trình quy mô như thế, với tiến độ xây dựng như thế, lấn biển, nhưng tại sao chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không biết, không kịp thời phát hiện để ngăn chặn? Để đến khi người dân phản ánh, người ta mới cho dừng dự án để kiểm tra, vậy kiểm tra xong thì giải quyết như thế nào? Xử phạt? Khắc phục nguyên trạng? Hay vừa nộp phạt vừa thi công tiếp?


Cái vòng tròn: xử phạt - yêu cầu khắc phục nguyên trạng - vừa nộp phạt vừa xây cứ lặp đi lặp lại ở nhiều dự án lấn biển tương tự. Như dự án Nha Trang Sao lấn biển 2,3ha, bị phạt nhiều lần nhưng đến giờ vẫn chưa khắc phục được; dự án du lịch sinh thái Hòn Rùa lấn biển với diện tích hơn 12.800m2, dù bị xử phạt và yêu cầu khắc phục nguyên trạng nhưng gần đây nhất khi đi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tiến độ khắc phục chậm như… rùa, còn việc xây dựng thì làm rất nhanh! Hay như dự án Champarama cũng lấn biển trái phép 1,7ha…


Thực tế cho thấy, không có dự án nào thực hiện được việc khôi phục nguyên trạng như ban đầu. Với các doanh nghiệp, nộp phạt vài trăm triệu đồng chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn là dự án của họ vẫn đi vào hoạt động bình thường, việc lấn biển như chuyện đã rồi!


Tại sao vẫn có những dự án vượt rào như thế? Do quản lý yếu kém hay do chưa có những chế tài mạnh hơn? Người dân phản ánh, chỉ cần họ xây dựng một công trình nhỏ chưa có giấy phép, ngay lập tức đã bị nhắc nhở, xử phạt. Trong khi một công trình, dự án lớn, lấn biển vài héc-ta, làm ngày làm đêm cho đến khi hoàn thành mới bị cơ quan chức năng phát hiện? Câu chuyện quản lý cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm…


Người Nha Trang - Khánh Hòa xưa nay luôn tự hào về những danh thắng đẹp của quê hương, nên khi nghe nói đến những công trình, dự án lấn biển, cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại, họ cảm thấy buồn và sốt ruột; nhất là khi nhìn vết chém ngang trên lưng Hòn Rùa, những tòa nhà villa và kè đá lấn biển ở Đại Lãnh, bãi biển nhếch nhác ở dự án Nha Trang Sao hay công trình ngổn ngang ở lầu Bảo Đại... Theo quy luật phát triển, có những cái cũ sẽ bị phá vỡ để thay thế bằng một cái mới đẹp hơn, nhưng cũng có những cái cũ không được phép phá vỡ vì có tái tạo cách nào cũng không thể khôi phục nguyên trạng như ban đầu.


Thay vì đánh thức tiềm năng thiên nhiên, nhiều dự án đã phá nát cảnh quan thiên nhiên, đó là một sai lầm đáng sợ!


LỆ HẰNG