11:04, 16/04/2018

Phụ nữ và thực phẩm sạch

Thời gian qua, tình trạng mất an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn, gây bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội. Các loại thực phẩm đến tay người tiêu dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc kháng sinh, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản...

Thời gian qua, tình trạng mất an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề lớn, gây bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội. Các loại thực phẩm đến tay người tiêu dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc kháng sinh, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Hậu quả của thực phẩm bẩn gây ra không chỉ liên quan đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tương lai giống nòi và vấn đề đạo đức trong xã hội.


Trong khi đó, phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, là những người có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm. Có thể nói, đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện, kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn phụ nữ là chủ thể trong việc thực hiện ATVSTP và phát động năm 2018 là năm “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”.


Phong trào sau khi phát động đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng và sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em. Tại lễ phát động “Phụ nữ Khánh Hòa thực hiện an toàn thực phẩm” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức vừa qua, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực. Phụ nữ Khánh Sơn hưởng ứng thực hiện chủ đề “Chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn trong trồng trọt và chăn nuôi”. Phụ nữ Khánh Vĩnh triển khai hoạt động “Không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất chế biến thực phẩm”. Phụ nữ Cam Ranh “Cam kết thực hiện an toàn thực phẩm trong chế biến, trồng trọt, chăn nuôi”. Phụ nữ Cam Lâm phấn đấu “Vì sức khỏe và phát triển bền vững, sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng và an toàn”. Phụ nữ Diên Khánh quyết tâm “Hãy làm cho thức ăn an toàn từ nông trại đến mâm cơm”. Phụ nữ các đơn vị trực thuộc cũng tham gia với khẩu hiệu: “Mỗi người tiêu dùng là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”… Phụ nữ cấp xã, phường cũng thống nhất sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực vì thực phẩm sạch, an toàn cho cộng đồng.


Đại diện phụ nữ tiểu thương phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang) cho biết, họ sẽ cam kết không bán phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, không tàng trữ, buôn bán, tiêu dùng thực phẩm bẩn, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng…


Nhận thức và hành động của tầng lớp phụ nữ có ảnh hưởng và sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, Hội LHPN tỉnh đã và đang tăng cường chỉ đạo các cấp hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hãy chung tay vì một xã hội ‘Nói không với thực phẩm bẩn”; thực hiện tốt phong trào 3 không: “Không sản xuất rau không an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn”; thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”. Đặc biệt là triển khai và nhân rộng các mô hình vì thực phẩm sạch; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng nền kinh tế xanh; biểu dương khen thưởng kịp thời các điển hình hành động vì thực phẩm sạch…


Để năm 2018 diễn ra đúng với ý nghĩa là năm an toàn thực phẩm, thiết nghĩ mỗi phụ nữ hãy là một tuyên truyền viên, giám sát viên trong đảm bảo ATVSTP, là người tiên phong trong việc sản xuất, lựa chọn và sử dụng sản phẩm sạch. Chỉ cần các phong trào trên được thực hiện đúng và lan tỏa thì cũng đã góp phần tạo dựng một môi trường thực phẩm an toàn hơn cho mỗi gia đình và cộng đồng.


LƯU KHÁNH