12:02, 26/02/2018

Khi phong tục biến thành… hủ tục

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước Tết Nguyên đán đã có công văn số 31 đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo. 

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước Tết Nguyên đán đã có công văn số 31 đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo. Không phải chỉ Tết vừa rồi mà nhiều năm qua, mỗi mùa lễ, Tết, Giáo hội đều có văn bản nhắc nhở… Quan trọng nhất là Giáo hội khẳng định tục đốt vàng mã không có trong giáo lý nhà Phật mà là hành động mê tín của dân gian!


Với quan niệm “Trần sao âm vậy”, người dưới cõi âm cũng cần tiền bạc, quần áo… Tục đốt vàng mã có từ rất lâu đời và được nhân dân mặc định như một nghi thức trong cúng lễ. Ban đầu chỉ là những tập tiền âm phủ in trên giấy bản, mấy thoi vàng mã, cùng lắm thêm bộ quần áo cắt bằng giấy. Thế nhưng lòng người thì vô cùng. Khi cuộc sống thực giàu lên thì người ta cũng muốn ông bà tổ tiên mình cùng được… hưởng(!). Vậy là xuất hiện các xấp đô la địa phủ, điện thoại đời mới, xe máy, ô tô hạng sang… Mới đây còn có cả hình nộm người hầu nữa. Một mâm lễ vàng mã trị giá vài triệu đến vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.


Vàng mã ngày càng nhiều, kéo theo ô nhiễm môi trường. Bắt đầu từ làng nghề sản xuất vàng mã, rồi nơi đốt vàng mã, chưa kể nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập khi người ta hóa vàng trong các khu dân cư đông đúc.


Cũng có một phong tục rất đẹp đã từng tồn tại cùng ngày Tết mà sau này Nhà nước phải cấm, đó là đốt pháo. Đặc trưng của ngày Tết dân tộc được thể hiện qua câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ngày Tết luôn ấm áp trong khói pháo thơm của các bánh pháo tép, pháo chuột đì đẹt. Theo thời gian, lòng người tham lam đã sản xuất những bánh pháo ngày càng to, cuốn bằng giấy báo cũ và nhồi bằng… thuốc nổ. Những trái pháo tống to như cổ tay, nổ như lựu đạn. Tết nào cũng có bao tai nạn thương tâm vì pháo. Từ khi Chính phủ cấm sản xuất, lưu hành và đốt pháo, Tết diễn ra chẳng vì vậy mà kém vui mà lại được an toàn hơn!


Nói như vậy để thấy rằng, những tục xưa của ông bà truyền lại, nếu trong cuộc sống thấy không còn phù hợp thì nên từ bỏ. Đặc biệt là những phong tục bị biến tướng sau này, ảnh hưởng đến đời sống xã hội thì Nhà nước phải có sự can thiệp.


Nha Trang mấy năm trước đã quyết liệt vận động nhân dân trong đám tang không rải vàng mã. Sự kiên trì của thành phố đã cho kết quả, đến hôm nay không có đám tang nào trong thành phố rải vàng mã nữa. Đó là một minh chứng!


Một tục lệ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đích danh là mê tín, gây tốn kém cho xã hội khi hàng năm có hàng ngàn tấn giấy bị hóa vàng, gây ô nhiễm môi trường, mang lại nguy cơ hỏa hoạn khi đốt trong khu dân cư... Tục lệ ấy nên phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội.


Bởi vì tục lệ khi ấy thành hủ tục mất rồi!


Thủy Ngân