12:01, 05/01/2018

Sớm hoàn thiện quy hoạch

Sau cơn bão số 12, người dân huyện Vạn Ninh rất cần vốn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để khôi phục lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở đây đã không thể vay được vốn từ ngân hàng nhà nước mà phải đi vay từ các nguồn khác, lãi suất cao.

Sau cơn bão số 12, người dân huyện Vạn Ninh rất cần vốn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để khôi phục lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở đây đã không thể vay được vốn từ ngân hàng nhà nước mà phải đi vay từ các nguồn khác, lãi suất cao.


Nguyên nhân, người dân không có xác nhận của địa phương về việc nuôi trồng trong quy hoạch. Còn về phía chính quyền, không thể ký xác nhận nuôi trồng đúng quy hoạch vào đơn vay vốn của dân. Bởi, chính UBND huyện cũng không biết nuôi trồng ở đâu là đúng... quy hoạch!


Thực tế, Khánh Hòa hiện vẫn tồn tại Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản đến năm 2015, có tính đến năm 2020. Còn đề án Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 hiện vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến, chưa được phê duyệt. Vậy ở thời điểm này, người dân nuôi trồng hải sản thực hiện theo quy hoạch nào? Nuôi trồng ở đâu? Không được nuôi trồng ở đâu? Rõ ràng, ở đây, công tác xây dựng quy hoạch đã không đi kịp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đến nỗi, UBND tỉnh phải có quy định tạm thời về việc này. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có quy định cụ thể vùng nào được nuôi trồng vùng nào không được. Vì vậy, việc vay vốn của người dân vẫn rất khó khăn.


Việc vay vốn ngân hàng để mở rộng và phát triển sản xuất, việc hỗ trợ thiệt hại do thiên tai... của người dân đều có liên quan mật thiết tới vấn đề quy hoạch. Về nguyên tắc, nếu nuôi trồng không tuân theo quy hoạch, người dân không thể tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước; không được hỗ trợ khi bị thiên tai. Trước thực tế người dân ở Vạn Ninh không được vay vốn vì “vướng” quy hoạch như trên, trách nhiệm thuộc về ai?


Sốt ruột trước thực tế ấy, mới đây, HĐND tỉnh đã phải “giục” ngành chức năng khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 theo Luật Thủy sản và Luật Quy hoạch 2017.


Lâu nay, mỗi khi môi trường bị ô nhiễm, mỗi khi dịch bệnh xảy ra, có một nguyên nhân được ngành chuyên môn đưa ra nghe chừng rất... “khoa học” là do người dân nuôi trồng tự phát, không tuân theo quy hoạch. Mới đây, theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp Khánh Hòa, việc người dân nuôi trồng hải sản ngoài quy hoạch là có xảy ra, nhưng quy mô không lớn. Tuy nhiên, thực tế ở Cam Ranh, số lồng bè nuôi trồng đã cao gấp... 5 lần so với quy hoạch. Công tác quản lý quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch; sự phối hợp của cơ quan chuyên ngành với chính quyền địa phương trong quản lý quy hoạch chi tiết các vùng nuôi ở đây như vậy là chưa chặt chẽ.


Chúng ta đều biết rằng, quy hoạch phải đi trước một bước, với tính thực tiễn và khả thi cao. Nhiều nhà khoa học, quản lý đã chỉ ra nhiều bất cập trong Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Khánh Hòa đến năm 2015, có tính đến năm 2020. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơn bão số 12 gây thiệt hại lớn, nhưng đây lại là dịp để Khánh Hòa thực hiện cơ cấu lại ngành nuôi trồng hải sản, với các nội dung quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi, thị trường tiêu thụ... Trong xây dựng quy hoạch mới, ngành chuyên môn và đơn vị tư vấn cần phối hợp chặt với các địa phương, người dân nơi thực hiện quy hoạch để xây dựng quy hoạch cho phù hợp, có tính thực tiễn, khả thi cao.


PHONG NGUYÊN