11:10, 26/10/2017

Gỡ "thẻ vàng"

Thông cáo báo chí ngày 25-10 của Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết, tổ chức này đã chính thức phạt "thẻ vàng" đối với mặt hàng hải sản Việt Nam; đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam vào thị trường EU...

Thông cáo báo chí ngày 25-10 của Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết, tổ chức này đã chính thức phạt “thẻ vàng” đối với mặt hàng hải sản Việt Nam; đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam vào thị trường EU, nếu Việt Nam không giải quyết tốt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).


EU có các quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được thông qua năm 2010. Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp là một phần trong cam kết của EU nhằm đảm bảo sử dụng bền vững biển và tài nguyên đã được nêu trong chương trình nghị sự Quản lý Đại dương Quốc tế của EU.


“Thẻ xanh” là hoạt động xuất nhập khẩu bình thường. “Thẻ vàng” là cảnh cáo, có thời hạn để quốc gia bị cảnh cáo khắc phục, cải thiện tình hình. Nếu không khắc phục được, EU sẽ phạt “thẻ đỏ”.


Trong bóng đá, cầu thủ bị phạt thẻ đỏ buộc phải rời sân. Ở đây cũng vậy, quốc gia bị phạt thẻ đỏ sẽ không được xuất hàng hải sản vào thị trường EU.


Ở đây, “thẻ vàng” của EU không chỉ có tính chất cảnh cáo mà sẽ gây thiệt hại không nhỏ trong các hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bởi lẽ, trong thời gian bị phạt “thẻ vàng”, 100% lượng hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu tốn thêm nhiều thời gian, chi phí, thậm chí bị suy giảm uy tín. Không chỉ vậy, trong thời gian này, nguy cơ hàng hải sản bị trả về rất cao. Ai cũng biết, như vậy thiệt hại sẽ rất lớn. Và thiệt hại sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều nếu mặt hàng hải sản của chúng ta bị phạt “thẻ đỏ” ở thị  tường EU. Mà không chỉ có EU, từ năm 2018 trở đi có rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ bắt đầu áp dụng “luật chơi” này, trong đó có cả thị trường Mỹ, một thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam.


Về vấn đề trừng phạt, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề về Môi trường, Hàng hải và Thủy sản của EU, ông Karmenu Vella cho biết, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục tình hình. Và việc EU ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản trái phép của Việt Nam.


Ngày 28-5-2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 732/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phê duyệt và triển khai ngay Chương trình hành động quốc gia về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing); trong đó, xây dựng hệ thống chế tài kiên quyết, mạnh mẽ.


Ở Khánh Hòa, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 10 vụ tàu cá với gần 100 ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ. Một trong những nguyên nhân đưa ra là do ngư dân mải miết theo đàn cá mà quên mất câu chuyện biên giới, lãnh thổ. Cách giải thích này xem ra chưa có nhiều sức thuyết phục. UBND tỉnh trong chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, xác định sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, mặt khác tăng cường kiểm tra, giám sát; áp dụng chế tài xử phạt nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng; kiểm điểm trách nhiệm địa phương để xảy ra các vụ vi phạm trong khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tàu cá không trang bị thiết bị an toàn hàng hải.


Quyết tâm của Chính phủ đã rõ. Thời hạn 6 tháng cũng rõ lắm rồi. Chúng ta phải hành động. Ngay từ bây giờ!


PHONG NGUYÊN