11:09, 10/09/2017

Văn hóa giao thông…

Liên tục trên mặt báo là thông tin về tai nạn giao thông. Thường xuyên đến mức đọc tin mà chỉ thoáng thở dài… chỉ đến khi người mình quen biết hay bạn bè chẳng may bị nạn mới giật mình thảng thốt, mới thấy đi về trên đường sao thật mong manh.

Liên tục trên mặt báo là thông tin về tai nạn giao thông. Thường xuyên đến mức đọc tin mà chỉ thoáng thở dài… chỉ đến khi người mình quen biết hay bạn bè chẳng may bị nạn mới giật mình thảng thốt, mới thấy đi về trên đường sao thật mong manh.


Khánh Hòa những năm gần đây các phương tiện giao thông tăng chóng mặt khiến hạ tầng quá tải. Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải, xe máy trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 870.000 xe, riêng Nha Trang có 434.000 xe. Về ô tô, chỉ riêng Nha Trang đã có khoảng 25.000 xe và hàng ngày còn có hàng ngàn xe chở khách du lịch từ các tỉnh đổ về. Hạ tầng quá tải, ý thức tham gia giao thông kém nên tai nạn giao thông là chuyện khó tránh.


Thường mỗi khi nghe tai nạn giao thông, mọi người như một phản xạ lại trút phẫn nộ vào những chiếc xe ben, xe chở bê tông, xe tải, xe container… phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường. Điều đó chẳng sai, bởi thế người ta đã gọi những loại xe này bằng biệt danh “hung thần xa lộ”. Tuy nhiên, đa số những người điều khiển xe máy cũng nên dành một phút để nhìn lại cách đi của mình.  


Điều đầu tiên có thể thấy là “văn hóa” xe máy phản ánh đúng sự tùy tiện, vô tổ chức của nền văn hóa tiểu nông. Đa số người điều khiển xe máy cứ thấy đường trống là chen vào, từ hẻm lao ra đường cứ vùn vụt mà không thèm ngó trước ngó sau, thích rẽ là quẹo xe bất tử, chẳng bật xi- nhan, cũng không buồn liếc sau xem có xe nào đang tới, làn đường xe máy dù có trống vắng nhưng cứ giữa đường mà đi…

 

Một tư duy hết sức đáng ngại của rất nhiều người đi xe máy là trong khi tranh đường với ô tô, luôn nghĩ ô tô sẽ phải nhường đường cho mình. Họ quên đi mất là tài xế ô tô cũng là con người, cũng có những phản xạ nhanh, chậm khác nhau trước những cú tạt đầu gấp gáp. Những tai nạn thương tâm do cố vượt ô tô, hoặc tranh nhau đường để ngã vào gầm ô tô… luôn ám ảnh người đi đường.


Năm 2018 đang cận kề, đây là năm mà thuế nhập khẩu ô tô giảm từ 30% về còn 0%, dự báo giá xe sẽ giảm sâu. Việc hạ tầng giao thông bị quá tải thêm là điều thấy trước. Do vậy, muốn kéo giảm tai nạn giao thông không gì khác hơn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Cả tài xế ô tô lẫn người điều khiển xe máy.


Ý thức tham gia giao thông hay còn gọi là “văn hóa giao thông” không phải tự nhiên mà có. Nó phải được hình thành ngay từ những năm học phổ thông kết hợp với hệ thống pháp luật về giao thông nghiêm khắc. Ngay trong tháng 9-2017 này là “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”, mong rằng các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức, quy định về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, bởi đây chính là cái gốc cho văn hóa giao thông lâu dài.


Có lẽ phải kiên trì qua nhiều thế hệ mới hình thành nên một văn hóa giao thông.


Thủy Ngân