05:09, 22/09/2017

Kỹ năng sống

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc trong niên khóa 2017 - 2018 này tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc trong niên khóa 2017 - 2018 này tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS).


Theo đó, các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội, giáo viên làm công đoàn, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các trường. Các đơn vị trường học tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS thông qua việc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân, tích hợp, lồng ghép trong các môn học liên quan; các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động khác đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nội dung giáo dục dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với lứa tuổi.


Kỹ năng sống có thể hiểu gồm các kỹ năng học tập, làm việc; làm chủ bản thân; ứng xử phù hợp với xã hội và hòa nhập với cuộc sống. Rèn luyện kỹ năng sống chính là biến kiến thức tiếp thu được thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực ứng xử tốt trước những tình huống vô cùng phức tạp của cuộc sống. Trong 3 nhiệm vụ quan trọng của giáo dục HS, ngoài việc giáo dục kiến thức và đạo đức, nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống là hết sức quan trọng, cần thiết.


Thực tế, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã có quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, hiện giáo dục kỹ năng sống còn nhiều khó khăn, lúng túng, chưa có tài liệu cho giáo viên và học sinh, cách đánh giá chưa cụ thể, trong khi nội dung giáo dục kỹ năng sống không diễn ra trong một môn học mà thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Tổ chức theo hình thức chuyên đề hoặc lồng ghép, tích hợp vào các tiết học là cách làm phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về thời lượng cũng như mô hình đào tạo nên mỗi địa phương làm mỗi khác. Chất lượng giáo dục, do đó, cũng không đồng đều.


Điều đáng mừng là việc giáo dục kỹ năng sống cho HS đã được quan tâm nhiều hơn trước. Có điều, phần lớn còn dừng ở việc cung cấp kiến thức mà chưa hình thành được kỹ năng, kỹ xảo cho các em. Vì vậy, trẻ rất lúng túng trước những tình huống thực tế, chưa có cách xử lý, ứng xử phù hợp. Do vậy, giáo dục kỹ năng sống cho HS cần hướng tới 3 mục tiêu: cung cấp kiến thức; rèn luyện kỹ năng; hình thành thái độ, hành vi.


Các cụ xưa dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tất thảy đều phải học. Học từng li, từng tí một. Học để khỏi vụng về. Học để làm người tháo vát. Học lo cho chính bản thân mình. Học lo cho những người xung quanh. Trẻ em ngày nay được phụ huynh ưu ái cho tập trung chỉ mỗi việc ăn và học. Mọi việc khác đều đã có người lo. Thêm vào đó, điều kiện vật chất quá đầy đủ, tiện nghi khiến con trẻ không phải thích nghi với những khó khăn, nghịch cảnh. Điều này sẽ gây khó khăn cho các em khi trưởng thành, bởi làm việc gì cũng khó, cũng lúng túng cả.


Hiện nay, kỹ năng sống của HS còn được rèn luyện qua các hoạt động Đoàn, Đội, các chương trình thực tế như: “Học làm người có ích”; “Một ngày để sống - Sống có niềm tin”; “Học kỳ quân đội”... Những chương trình này rất bổ ích. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ. Kỹ năng sống cần được rèn luyện ngay chính trong gia đình các em. Do đó, sự phối hợp giữa gia đình và học đường trong công tác này cần chặt chẽ hơn. Đơn cử như dạy trẻ biết làm một số việc của gia đình, của nhà trường một cách phù hợp, để một mặt trẻ có nhiều trải nghiệm hơn; mặt khác, trẻ thể hiện được trách nhiệm và tình cảm của mình đối với gia đình, trường học.


PHONG NGUYÊN