04:07, 25/07/2017

Luân chuyển cán bộ

Hiện nay, về với các địa phương cấp huyện, cấp xã chúng ta thường gặp nhiều cán bộ rất trẻ, được luân chuyển từ các địa phương, ban, ngành trong tỉnh.

Hiện nay, về với các địa phương cấp huyện, cấp xã chúng ta thường gặp nhiều cán bộ rất trẻ, được luân chuyển từ các địa phương, ban, ngành trong tỉnh.


Thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn Khánh Hòa đã đáp ứng được một số yêu cầu: rèn luyện cán bộ một cách toàn diện; cán bộ luân chuyển an tâm công tác, tư tưởng ổn định, phát huy được khả năng, năng lực; bộ máy ổn định, ít xáo trộn; việc thực hiện có lộ trình, theo từng bước, vững chắc, không đại trà.


Để có được kết quả ấy là không hề dễ dàng


Về phía cán bộ thực hiện luân chuyển, thay đổi địa bàn, lĩnh vực công tác luôn là những thử thách lớn. Mọi việc đều phải học. Học ở sách vở, tài liệu. Học ở đồng nghiệp đi trước. Chưa đủ. Nếu về địa phương mới, phải đi cơ sở; phải tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của người địa phương; phải nghiên cứu, xác định đâu là thế mạnh, điểm yếu của địa phương mà xây dựng định hướng phát triển. Nếu về ngành mới, phải nắm cho được tình hình chung; phải quán xuyến cho được tình hình, năng lực thực tế của ngành để có hướng tham mưu cho tốt. Điều quan trọng nữa là phải sống, làm việc trong điều kiện xa gia đình. Việc “nước” và việc “nhà” sao cho thật vẹn toàn.


Qua nhiều thử thách khắc nghiệt, cán bộ luân chuyển tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn; có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.


Về phía cơ quan, đơn vị có cán bộ chuyển đi, phải quán triệt cho được mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; phải lựa chọn được cán bộ có năng lực, triển vọng để thực hiện luân chuyển. Thực tế, nhiều đơn vị, địa phương có cán bộ đi luân chuyển, đã chuyển đến vị trí công tác mới là coi như... xong, thiếu quan tâm thực hiện các bước tiếp theo. Đây là một trong những thiếu sót khá phổ biến, cần được quan tâm chấn chỉnh.


Về phía cơ quan, đơn vị nhận cán bộ luân chuyển, việc đón “người mới” như thế nào là hết sức quan trọng. Phải làm sao hạn chế được tư tưởng cục bộ để tạo điều kiện thật tốt cho cán bộ luân chuyển thể hiện được năng lực, nhân cách, đạo đức của mình.


Trước thực tế đó, để công tác luân chuyển cán bộ mang lại hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, bên cạnh việc chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch, cần ban hành chế độ, chính sách thống nhất đối với cán bộ được luân chuyển để bảo đảm tính công bằng trong thực hiện.


Điều quan trọng nhất là việc luân chuyển cán bộ cần được thực hiện đúng nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ; đảm bảo tính ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ; giữ vững đoàn kết nội bộ; từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy.


PHONG NGUYÊN