10:06, 20/06/2017

Chất lượng thông tin

Ngày 30-3-2017, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước bắt đầu có hiệu lực. Đây là văn bản mang tính pháp lý cao, quy định khá tập trung và đồng bộ những nội dung về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các bên liên quan để bảo đảm chất lượng thông tin cung cấp cho báo chí.

Ngày 30-3-2017, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) bắt đầu có hiệu lực. Đây là văn bản mang tính pháp lý cao, quy định khá tập trung và đồng bộ những nội dung về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các bên liên quan để bảo đảm chất lượng thông tin cung cấp cho báo chí.


Nghị định xác định rõ trách nhiệm, hình thức cung cấp thông tin của người đứng đầu cơ quan HCNN từ Chính phủ cho tới cấp xã; đồng thời cũng quy định quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan HCNN trong một số trường hợp nhất định.


Nghị định cũng quy định các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn. Trường hợp các cơ quan báo chí đăng, phát không chính xác nội dung thông tin mà người phát ngôn đã phát ngôn, người phát ngôn có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng, phát ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật hoặc khởi kiện tại tòa án.


Có thể nói, với Nghị định 09, các cơ quan báo chí, nhà báo và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí tại Việt Nam có thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong tiếp cận và đăng tải các nguồn thông tin chính thống một cách kịp thời và chính xác. Thực hiện tốt nghị định sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu minh bạch hóa thông tin; quyền tiếp cận thông tin của người dân; nâng cao trách nhiệm thông tin và giải trình của các cơ quan HCNN.


Bên cạnh việc Nghị định 09 có hiệu lực, năm 2017, hoạt động báo chí còn có hai dấu mốc khá quan trọng là kể từ ngày 1-1-2017, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đều bắt đầu có hiệu lực.


Điểm cốt yếu của Luật Báo chí năm 2016 là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân; bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ những điều báo chí không được làm; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo khi báo chí đưa tin sai, đồng thời luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo...


Trong số 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những quy định chung về trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền... là những quy định mang tính đặc thù, thể hiện sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của người làm báo gồm: hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân...


Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Nghị định 09 chắc chắn sẽ góp phần nâng cao một cách đáng kể chất lượng thông tin báo chí. Đây cũng là mục tiêu cao cả của những người làm báo chân chính, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng vững mạnh.


PHONG NGUYÊN