10:01, 12/01/2017

Quản lý lữ hành

Câu chuyện không mới. Nhưng chưa hề cũ.


Và chúng ta đều biết, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch lữ hành quốc tế là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Câu chuyện không mới. Nhưng chưa hề cũ.


Và chúng ta đều biết, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch lữ hành quốc tế là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.


Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2016 đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tại 30 doanh nghiệp (DN), xử phạt vi phạm hành chính 9 DN, tước quyền sử dụng giấp phép kinh doanh lữ hành thời hạn 9 tháng 1 DN; thanh tra 6 DN lữ hành trực tiếp, xử phạt vi phạm hành chính 3 DN, tước quyền sử dụng giấy phép lữ hành quốc tế 1 DN...


Tuy đã có nhiều cố gắng, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch lữ hành quốc tế năm 2016 chưa thật sự chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót, lúng túng. Sai phạm thường thấy ở các DN hoạt động lữ hành quốc tế gồm: bán hàng thu bằng ngoại tệ; sử dụng lao động người nước ngoài trái phép; sử dụng hướng dẫn viên không đúng quy định; không thực hiện chế độ lập, lưu trữ hồ sơ các đoàn khách theo quy định... Đã vậy, không ít DN thường xuyên né tránh, đối phó, thậm chí có thái độ không hợp tác.


Nguyên nhân khách quan do thị trường khách quốc tế tăng quá nhanh; cạnh đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán sinh hoạt... dẫn đến khó khăn trong tiếp cận. Nguyên nhân chủ quan được xác định do đội ngũ những người làm công tác quản lý về du lịch gặp nhiều khó khăn về số lượng; và chất lượng; và thực chất đều đang kiêm nhiệm, còn hạn chế về trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài... Cạnh đó, vấn đề phân cấp, phân quyền quản lý trong hoạt động du lịch; sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành cấp tỉnh với các địa phương... vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như do thiếu sự phối hợp dẫn tới tình trạng trùng lắp, nhiều đoàn cùng kiểm tra ở một DN, vừa gây khó khăn, phiền toái cho DN vừa không đạt hiệu quả trong kiểm tra.


Như vậy, ở đây nổi lên hai vấn đề cần quan tâm là cơ chế và nhân lực.


Trước hết, đó là cơ chế, giải pháp phối hợp cụ thể giữa các ngành liên quan với nhau, giữa các ngành liên quan với các địa phương, với các DN. Đây là vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi từng ngành, từng địa phương, từng DN chủ động đề xuất, nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện và chặt chẽ. Cạnh đó, quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên, kèm theo chế tài xử lý vi phạm một cách cụ thể.


Như trên đã nói, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch lữ hành quốc tế còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Do vậy, cần sớm có giải pháp bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch lữ hành quốc tế cũng như xây dựng cơ chế hoạt động hợp lý, ví dụ như nghiên cứu áp dụng chế độ bán chuyên trách đối với công chức làm quản lý hoạt động du lịch chẳng hạn.


Về nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2017, Nghị quyết của HĐND tỉnh xác định tập trung thực hiện xây dựng mới Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035; hoàn thành Đề án Xây dựng thương hiệu du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới; tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đảm bảo công tác bảo vệ môi trường du lịch.


Thời điểm này, du khách Nga và các nước châu Âu có chiều hướng tăng trở lại. Nếu tổ chức quản lý tốt hoạt động du lịch lữ hành quốc tế, chúng ta sẽ thu hút được khách cao cấp, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, vừa có điều kiện nâng cao chất lượng thương hiệu du lịch Nha Trang, Khánh Hòa vừa tăng được mức doanh thu.


PHONG NGUYÊN